Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi):

Thúc đẩy xuất khẩu và tăng cường hội nhập

Theo mof.gov.vn

Theo chương trình làm việc ngày thứ hai của Quốc hội (QH), sáng 21-10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi).

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình về dự án Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi). Ảnh TTXVN
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình về dự án Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi). Ảnh TTXVN

Cần sửa Luật để khuyến khích phát triển sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Luật Thuế Xuất khẩu, thuế nhập khẩu (thuế XNK) qua 10 năm thực hiện, đã góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước, tuy nhiên, một số quy định của Luật cũng bộc lộ tồn tại cần khắc phục, sửa đổi để đảm bảo tính đồng bộ, hoàn thiện trong hệ thống pháp luật và đáp ứng các yêu cầu của quá trình đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, cải cách hành chính, hội nhập quốc tế. Theo đó, cần thiết phải sửa đổi Luật thuế XNK nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất để khuyến khích phát triển sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu.

Đồng thời, để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật với các văn bản có liên quan đã được ban hành mới hoặc sửa đổi như Hiến pháp năm 2013, Luật Đầu tư, Luật Quản lý thuế, Luật Hải quan.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng nhấn mạnh, việc cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật thuế XNK xuất phát từ yêu cầu nội luật hóa các cam kết quốc tế để thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập theo hướng ổn định, công khai, minh bạch, đảm bảo phù hợp với các Hiệp định và điều ước quốc tế mà Việt Nam đã và đang ký kết (Hiệp định TPP, Hiệp định Việt Nam - EU,...). Đồng thời, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và cải cách hệ thống thuế, hải quan theo các Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 và Chiến lược phát triển Hải quan Việt Nam đến năm 2020 đã được phê duyệt; tạo môi trường pháp lý, thủ tục hành chính đơn giản, thuận lợi cho đối tượng thi hành Luật và góp phần thực hiện tốt công tác quản lý thuế.

Đồng tình với Chính phủ về sự cần thiết phải sửa đổi Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách (TCNS) của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật cho biết, Ủy ban tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi Luật thuế XNK vì qua 10 năm thực hiện, Luật thuế XNK đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Theo ông Phùng Quốc Hiển, sửa Luật thuế XNK để phù hợp với Hiến pháp năm 2013, các luật chuyên ngành đã được Quốc hội sửa đổi, bổ sung và đáp ứng yêu cầu đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, cũng như việc thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.

Dự thảo Luật Thuế XNK gồm 22 Điều, được bố cục thành 5 Chương. Những nội dung cụ thể của từng chương được sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng những yêu cầu nhiệm vụ đặt ra cho công tác quản lý thuế trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, cụ thể: Chương I: Những quy định chung; Chương II: Căn cứ tính thuế, thời điểm tính thuế và biểu thuế; Chương III: Thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ; Chương IV: Miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế; Chương V. Điều khoản thi hành.

Sửa đổi, bổ sung 4 nhóm vấn đề lớn

Báo cáo trước QH, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, dự thảo Luật sẽ sửa đổi, bổ sung một số nội dung lớn như sau:

Một là, nhóm vấn đề về khuyến khích phát triển và bảo hộ hợp lý sản xuất kinh doanh trong nước phù hợp định hướng phát triển của Đảng, Nhà nước và các cam kết quốc tế đã ký kết.

Hai là, nhóm vấn đề sửa đổi, bổ sung để góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, thống nhất với văn bản pháp luật liên quan; đồng thời khắc phục các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật thuế XNK hiện hành.

Ba là, nhóm vấn đề sửa đổi, bổ sung để phù hợp với các cam kết quốc tế và điều ước quốc tế về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu

Bốn là, nhóm vấn đề sửa đổi, bổ sung nhằm đơn giản hóa, tạo thuận lợi cho người nộp thuế; góp phần thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Cụ thể, Luật sẽ sửa đổi nhóm vấn đề về khuyến khích phát triển và bảo hộ hợp lý sản xuất kinh doanh trong nước phù hợp định hướng phát triển của Đảng, Nhà nước và các cam kết quốc tế đã ký kết. Luật sẽ bổ sung một số nội dung quy định về thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp, thuế tự vệ trên cơ sở kế thừa, nâng cấp một số quy định của các Pháp lệnh liên quan; Sửa đổi nguyên tắc ban hành Biểu thuế, thuế suất; Sửa đổi về thẩm quyền ban hành Biểu thuế XK, thuế NK và Biểu Khung thuế xuất khẩu…

Về khung thuế suất, so với Biểu khung thuế suất thuế xuất khẩu ban hành theo Nghị quyết số 710/2008/NQ-UBTVQH12 của UBTVQH, dự thảo Luật chỉ điều chỉnh đối với hai nhóm hàng: Nhóm hàng phế liệu, phế thải kim loại theo cam kết cắt giảm với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Nhóm hàng khác (thứ tự số 45 của Khung thuế suất thuế xuất khẩu) cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan để phù hợp với các cam kết quốc tế và điều ước quốc tế về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Trong đó, bổ sung quy định về áp dụng thuế xuất khẩu đối với trường hợp có hàng hóa xuất khẩu sang nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ có thỏa thuận ưu đãi về thuế xuất khẩu để phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế với các cam kết liên quan đến thuế xuất khẩu, như TPP, Việt Nam – EU; Bổ sung quy định về áp dụng thuế suất đối với hàng hóa từ khu phi thuế quan xuất khẩu vào thị trường nội địa đáp ứng các điều kiện về xuất xứ thì được áp dụng theo mức thuế suất ưu đãi tương ứng….

Về hiệu lực thi hành, dự thảo Luật quy định thời điểm Luật có hiệu lực là ngày 01/7/2016; thay thế Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 45/2005/QH11; đồng thời bãi bỏ khoản 3 Điều 42 Luật quản lý thuế số 78/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 11 Điều 1 Luật số 21/2012/QH13.

Đánh giá tác động tăng, giảm thu NSNN

Tán thành việc cần thiết phải sửa Luật, tuy nhiên cơ quan thẩm tra Luật là Ủy ban TCNS của QH lại lo ngại giảm thu ngân sách.

Theo tính toán của cơ quan này, thời gian qua, để đáp ứng được yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, hệ thống chính sách thuế của Việt Nam liên tục có sự điều chỉnh, đặc biệt việc điều chỉnh giảm thuế suất đối với thuế XNK và một số sắc thuế nội địa quan trọng, có số thu NSNN lớn. Ngoài ra, để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất trong nước, trong giai đoạn vừa qua Quốc hội, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách miễn, giảm, giãn, hoãn tiền thuế cho người dân và doanh nghiệp... Đây là những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ động viên từ thuế và phí trên GDP thấp, có xu hướng giảm qua các năm.

Vì vậy, Ủy ban TCNS đề nghị Chính phủ, ngoài việc đánh giá tác động tăng, giảm thu NSNN trong việc sửa đổi Luật thuế XNK và thực hiện các cam kết quốc tế về thuế quan, cần đánh giá một cách tổng thể các chính sách thuế tác động đến sản xuất kinh doanh trong nước và các giải pháp về quản lý thuế nhằm tăng thu, bù đắp số hụt thu NSNN, đảm bảo không làm giảm tỷ lệ huy động từ thuế, phí trên GDP trong giai đoạn tới, góp phần bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.

Đối với một số nội dung cụ thể của dự án Luật đang còn ý kiến khác nhau, báo cáo thẩm tra của Ủy ban TCNS cho biết, về quy định thẩm quyền ban hành biểu thuế, thuế suất (khoản 2), đa số nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về thẩm quyền của Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành mức thuế suất tối thiểu cho từng phân nhóm mặt hàng thuộc danh mục nhóm mặt hàng chịu thuế xuất khẩu (chủ yếu là tài nguyên, khoáng sản) và giao thẩm quyền cho Thủ tướng Chính phủ quy định như Dự thảo luật. Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban TCNS cho rằng, hiện nay Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với nền kinh tế quốc tế, các quy định về thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu được thực hiện theo các Hiệp định thương mại mà Việt Nam ký kết, dự kiến trong vòng 10 năm tới mức độ tự do hóa thương mại sẽ đạt 97-98% dòng thuế. Đồng thời, với danh mục hàng hóa XNK là rất lớn (trên 40 biểu thuế, với 10.400 dòng thuế) thì việc quy định ngay trong Luật về Danh mục và mức thuế suất là không khả thi.

Do vậy, cơ quan này đồng tình với quy định như dự thảo Luật. Tuy nhiên, để bảo đảm về thẩm quyền của QH theo quy định của Hiến phám năm 2013, Ủy ban này đề nghị cần làm rõ số dòng thuế còn lại về hàng hóa nhập khẩu mà Việt Nam chưa ký kết và thẩm quyền quyết định mức thuế suất trong biểu thuế do cơ quan nào quyết định. Đồng thời, bổ sung quy định về thẩm quyền của QH trong việc phê chuẩn các Hiệp định về thuế quan do Chính phủ đàm phán và ký kết.