Đảm bảo đáp ứng các yêu cầu sử dụng dịch vụ, ngân hàng thiết yếu của người dân
Trước những diễn biến phức tạp, khó lường của dịch Covid-19, để vừa phòng chống dịch có hiệu quả, vừa đảm bảo các hoạt động tiền tệ, ngân hàng thiết yếu phục vụ nền kinh tế và người dân, thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 31/3/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã liên tiếp ban hành các văn bản chỉ đạo hoạt động liên tục của các dịch vụ ngân hàng trên cả nước.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Công điện số 03/CĐ – NHNN thực hiện chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19; và ban hành Chỉ thị số 02/CĐ – NHNN về các giải pháp cấp bách của ngành Ngân hàng nhằm tăng cường phòng chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19.
Cụ thể, Tại Công điện số 03/CĐ – NHNN, Thống đốc NHNN yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị trong toàn Ngành quán triệt toàn thể cán bộ trong đơn vị thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chị thị 16.
Công điện nêu rõ, đối với các tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp trực thuộc NHNN có thể chủ động quyết định việc bố trí cán bộ theo các phương án, kịch bản phòng, chống dịch của mình nhưng phải đảm bảo các nguyên tắc đáp ứng các yêu cầu sử dụng dịch vụ, ngân hàng thiết yếu của người dân, đặc biệt là đảm bảo sự hoạt động liên tục của các dịch vụ ngân hàng trực tuyến và ATM...
Tại Chỉ thị số 02/CĐ – NHNN, Thống đốc NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng thể hiện sự quyết liệt kịp thời trong chỉ đạo điều hành của NHNN và sự đồng thuận chia sẻ khó khăn với đất nước và doanh nghiệp.
Các đơn vị tại NHNN, thường xuyên nghiên cứu, dự báo, đánh giá tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế; bám sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước để cập nhật, điều chỉnh các kịch bản điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng phù hợp; chủ động điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ,điều tiết nghiệp vụ thị trường mở với kỳ hạn, khối lượng, lãi suất hợp lý và chuẩn bị các phương án hỗ trợ khi cần thiết để đảm bảo thanh khoản thị trường thông suốt, cung ứng vốn kịp thời, giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu.
Cho vay tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng (TCTD) để thực hiện các chương trình theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hỗ trợ cơ cấu lại các TCTD và xử lý nợ xấu dưới các hình thức tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt của VAMC, cho vay lại theo hồ sơ tín dụng, cho vay có bảo đảm bằng cầm cố giấy tờ có giá và các hình thức tái cấp vốn khác theo quy định.
Bên cạnh đó, NHNN các tỉnh, thành phố nghiêm túc triển khai các Văn bản chỉ đạo trước đó của NHNN về miễn giảm phí cơ cấu lại nợ....đối với khách hàng gặp khó khăn do dịch bệnh; Thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên; Rà soát để giảm các chi phí hoạt động, giảm lương thưởng, điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, khách hàng tài chính phù hợp, không chia cổ tức bằng tiền mặt... để tiết giảm chi phí, chia sẻ khó khăn với DN; Nâng cao năng lực quản trị điều hành, đẩy mạnh giám sát việc triển khai việc cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi...; Thông tin kịp thời và công khai các gói sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ khách hàng; Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, đảm bảo an toàn, thuận tiện…
NHNN đã yêu cầu các TCTD khẩn trương ban hành và triển khai quy định nội bộ hướng dẫn Thông tư số 01/2020/TT-NHNN của NHNN.
Chủ tịch Hội đồng thành viên/Hội đồng quản trị/Tổng giám đốc các TCTD trực tiếp chỉ đạo việc triển khai công tác cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch và chịu trách nhiệm trước Thống đốc NHNN về kết quả thực hiện.
Xử lý nghiêm những đơn vị, cán bộ lãnh đạo và cán bộ nghiệp vụ triển khai chậm, cố tình gây khó khăn, phiền hà, thiếu trách nhiệm, thực hiện không đúng quy định trong quá trình thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.
Đồng thời, tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp mở rộng tín dụng đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là cho vay để duy trì và khôi phục các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch. Kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Đặc biệt, chủ động rà soát, cắt giảm các chi phí hoạt động, đặc biệt là chi lương, thưởng, kịp thời điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính phù hợp với thực tế trước khi tổ chức đại hội cổ đông, trước mắt không chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung nguồn lực giảm mạnh lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện nay và các khoản cho vay mới.