Đảm bảo hàng hóa phục vụ Tết 2018
Theo Sở Công thương TP. Hà Nội, đến nay các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đã triển khai các hoạt động sản xuất, ký kết hợp đồng khai thác hàng hóa dự trữ để đảm bảo phục vụ nhu cầu của nhân dân trong dịp Tết 2018. Dự kiến số lượng hàng hóa chuẩn bị để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp này khoảng 26.000 tỷ đồng.
Chiều 19/12, tại buổi giao ban báo chí thường kỳ do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, bà Trần Thị Phương Lan – Phó Giám đốc Sở Công thương đã thông tin về kế hoạch chuẩn bị Tết Dương lịch năm 2018 và Tết Nguyên Đán Mậu Tuất.
Theo bà Lan, nhóm hàng hóa cần sản xuất – kinh doanh phục vụ tết trên địa bàn thành phố gồm: Các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu (gạo, thịt bò, lợn, gà, thủy hải sản trứng gà, vịt, thực phẩm chế biến, rau củ tươi); các mặt hàng nông lâm sản khô (măng, miến, mộc nhĩ, nấm hương); các mặt hàng bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát; mặt hàng hoa quả tươi, cây cảnh, xăng dầu…
Dự kiến số lượng hàng hóa chuẩn bị để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết (tính cho 2 tháng từ 1/1/2018 đến 28/2/2018) gồm: Gạo 193.600 tấn; thịt lợn 50.000 tấn; thịt gà 14.000 tấn; thịt bò 13.800 tấn; 220.000 tấn rau củ; thực phẩm chế biến 12.000 tấn; 3.000 tấn bánh mứt kẹo; 200 triệu lít rượu, bia, nước giải khát; 12.000 m3 xăng dầu, đặc biệt là xăng sinh học E5 và các mặt hàng may mặc, điện máy.
Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố đạt khoảng 26.000 tỉ đồng, tăng khoảng 10% so với kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết năm 2017. Đến nay các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đã triển khai các hoạt động sản xuất, ký kết hợp đồng khai thác hàng hóa dự trữ để đảm bảo phục vụ nhu cầu đa dạng của nhân dân trong dịp Tết 2018.
Để cung ứng hàng hóa phục vụ nhân dân, Sở Công thương Hà Nội đã hỗ trợ các doanh nghiệp tổ chức các chuyến bán hàng lưu động phục vụ nhân dân khu vực các huyện ngoại thành, đặc biệt trong dịp cuối năm. Dự kiến Tết năm nay, thành phố sẽ tổ chức 4 phiên chợ Việt, khoảng 200 chuyến bán hàng lưu động về khu vực nông thôn, ngoại thành Hà Nội, các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Theo Sở Công thương, với số dân trên 10 triệu người, trong dịp lễ, Tết sắp tới, nhu cầu các mặt hàng thịt, thủy hải sản, nông lâm sản khô, bánh mứt kẹo, nước giải khát, hoa quả sẽ tăng cao.
Để đáp ứng nhu cầu của người dân, Sở sẽ chỉ đạo và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức tốt nguồn hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết. Trong đó chú trọng tìm kiếm, khai thác hàng hóa của các doanh nghiệp, hộ sản xuất thuộc các quận, huyện, thị xã của thành phố, đồng thời tổ chức khai thác nguồn hàng hóa đa dạng, bảo đảm chất lượng từ các tỉnh, thành phố đưa về Hà Nội phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết.
Về công tác triển khai thực hiện lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống trên địa bàn thành phố, theo lộ trình đã được duyệt, từ ngày 1/1/2015 các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thành phố tham gia phân phối xăng sinh học E5, có tất cả 159/489 cửa hàng triển khai kinh doanh xăng E5.
Đến ngày 15/12/2017 toàn bộ các cửa hàng thuộc xăng dầu KV1, PVOIL đã triển khai bán xăng E5. Theo ước tính sản lượng tiêu thụ xăng trên địa bàn thành phố khoảng 110.000 m3/tháng. Để đảm bảo nguồn cung xăng E5, thành phố có 4 trạm trộn xăng của các thương nhân đầu mối cung cấp cho thị trường.
Các đơn vị này đều đã cam kết đảm bảo nguồn cung xăng E5, đảm bảo từ ngày 1/1/2018 có đủ nguồn hàng cho thị trường. Bên cạnh đó sở Công thương cũng chuẩn bị sẵn các phương án đề phòng để việc triển khai bán xăng sinh học E5 trên địa bàn thành phố diễn ra suôn sẻ, đúng kế hoạch.
Về công tác đảm bảo hàng hóa từ nay đến dịp Tết, lãnh đạo Sở Công thương yêu cầu các cơ quan liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, trong đó tập trung vào công tác kiểm tra chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, các hành vi đầu cơ, găm hàng đẩy giá lên cao.
Sở Công thương cũng yêu cầu các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực Công thương trên địa bàn tập trung vào các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ.