Đảm bảo lương hưu của người lao động đáp ứng nhu cầu chi tiêu cho cuộc sống

An Lâm

Góp ý vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi, mới đây, các hiệp hội doanh nghiệp đã đề xuất giảm tỷ lệ đóng BHXH bắt buộc, nhưng vẫn đảm bảo lương hưu thực tế của người lao động đáp ứng được nhu cầu chi tiêu cho cuộc sống.

Mức đóng BHXH của người lao động đã được tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng, toàn diện trong mối quan hệ tương quan phù hợp với mức hưởng.
Mức đóng BHXH của người lao động đã được tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng, toàn diện trong mối quan hệ tương quan phù hợp với mức hưởng.

Đề xuất giảm mức đóng BHXH

13 hiệp hội doanh nghiệp như: Hiệp hội sữa, dệt may, da giày, chế biến và xuất khẩu thủy sản... vừa đề xuất giảm tỷ lệ đóng BHXH bắt buộc. Theo các hiệp hội, hiện nay, tỷ lệ đóng bảo hiểm bắt buộc đối với người lao động là 10,5% trong đó BHXH 8%, bảo hiểm y tế (BHYT) 1,5%, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) 1%, người sử dụng lao động đóng 21,5%, trong đó BHXH 17,5%, BHYT 3% và BHTN 1%).

Qua tính toán các mức đóng trên cho thấy, tổng tỷ lệ đóng của cả người lao động và người sử dụng lao động là 32%. Với mức đóng này, các hiệp hội doanh nghiệp cho rằng là cao so với khu vực và thế giới.

Trên cơ sở đó, 13 hiệp hội đề nghị đưa tỷ lệ đóng BHXH bắt buộc của người lao động và người sử dụng lao động về mức đóng của năm 2009. Tức là, người lao động đóng 5%, người sử dụng lao động đóng 15%, tổng là 20%. Trong đó, người sử dụng lao động đóng 17,5%, bao gồm 3% quỹ ốm đau thai sản, 14% quỹ hưu trí và tử tuất và 0,5% bảo hiểm tai nan lao động, bệnh nghề nghiệp và người lao động đóng 8%.

Về tỷ lệ đóng BHTN, các hiệp hội doanh nghiệp cho rằng, hiện Quỹ BHTN đã kết dư nhiều, cần giảm mức đóng để điều chỉnh quỹ về mức cân bằng.

Vì vậy, các doanh nghiệp đề xuất giảm tỷ lệ đóng vào quỹ của cả người lao động và người sử dụng lao động còn 0,5%, đồng thời, có lộ trình giảm tiếp cho phù hợp với điều kiện thực tế. Về BHYT, đề xuất giảm mức đóng còn 1% đối với người lao động và còn 2% đối với người sử dụng lao động.

Với mức đề xuất giảm như trên, tỷ lệ đóng BHXH bắt buộc của người lao động sẽ là 6,5% và người sử dụng lao động là 17,5%. Các hiệp hội doanh nghiệp đề xuất, tuy giảm tỷ lệ đóng BHXH, nhưng vẫn đảm bảo lương hưu thực tế của người lao động đáp ứng được nhu cầu chi tiêu cho cuộc sống.

Lương hưu bình quân của người hưởng không cao

Về đề xuất giảm mức đóng BHXH của các hiệp hội doanh nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, mức đóng BHXH đã được tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng, toàn diện trong mối quan hệ tương quan phù hợp với mức hưởng.

Mức đóng này còn tương quan với giá trị thực tế của mức đóng, mức hưởng các chế độ BHXH; tương quan giữa thời gian đóng và thời gian hưởng, mức độ bao phủ của các chế độ BHXH.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ đóng BHXH cao. Tuy nhiên, tỷ lệ hưởng lương hưu ở Việt Nam cũng cao nhất khu vực, thậm chí cao nhất thế giới.

Hiện nay, tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa của Việt Nam là 75%, tương ứng với thời gian đóng BHXH 30 năm đối với nữ, 35 năm đối với nam, trong khi các nước chỉ khoảng 40% (Trung Quốc, Hàn Quốc).

Tỷ lệ tích lũy hiện nay bình quân là 2,14% đối với nam và 2,5% đối với nữ, trong khi các nước như Trung Quốc và Hàn Quốc tỷ lệ này chỉ là 1%; bình quân của thế giới cũng chỉ khoảng 1,7%.

Chính vì vậy, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, việc giảm tỷ lệ đóng BHXH đồng nghĩa với việc phải giảm tỷ lệ hưởng các chế độ BHXH (lương hưu) dẫn đến giá trị thực mức hưởng các chế độ BHXH của người lao động còn thấp hơn so với hiện hành. Do đó, đề xuất giảm tỷ lệ đóng BHXH không phù hợp với điều kiện, bối cảnh thực tiễn của Việt Nam hiện nay.

Mặc dù tỷ lệ đóng, tỷ lệ hưởng lương hưu cao nhưng tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc tại Việt Nam không cao. Bình quân năm 2022, tiền lương đóng BHXH chỉ 5,73 triệu đồng/tháng. Vì vậy, mức lương hưu bình quân của người hưởng lương hưu hiện nay cũng chỉ khoảng 5,4 triệu đồng/người/tháng.

Trên thực tế, tại một số doanh nghiệp vẫn còn tình trạng tách các khoản phụ cấp, các khoản bổ sung khác ra nhằm mục tiêu né đóng BHXH bắt buộc cho người lao động, dẫn đến mức hưởng bình quân của người lao động sẽ thấp khi nghỉ hưu.

Tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) vừa được Chính phủ hoàn thiện đã đề xuất tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc đối với khu vực ngoài nhà nước cơ bản kế thừa quy định hiện hành, song quy định cụ thể hơn theo hướng tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương tháng, bao gồm mức lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác, được trả thường xuyên và ổn định trong mỗi kỳ trả lương.

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật bổ sung quy định trách nhiệm của các cơ quan trong xác định và quản lý đối tượng thuộc diện tham gia BHXH (Điều 29); đồng thời, đã sửa đổi, bổ sung nhiều biện pháp xử lý, chế tài xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH (Điều 36 và Điều 37).

Ngoài ra, để đảm bảo quyền lợi của người lao động, dự thảo Luật đã bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia BHXH bắt buộc không đầy đủ, kịp thời mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.

 

Tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) vừa được Chính phủ hoàn thiện đã đề xuất tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc đối với khu vực ngoài nhà nước cơ bản kế thừa quy định hiện hành, song quy định cụ thể hơn theo hướng tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương tháng, bao gồm mức lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác, được trả thường xuyên và ổn định trong mỗi kỳ trả lương.