Xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng tại một số nước và hàm ý chính sách cho Việt Nam

TS. Nguyễn Thị Hệ - Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp

Nhằm tạo “điểm tựa” an sinh vững chắc cho người dân khi về già, nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội theo hướng mở rộng, linh hoạt phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của người dân. Bài viết phân tích hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng của Trung Quốc, Hàn Quốc, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong xây dựng hệ thống này trong thời gian tới.

Đến tháng 5/2023, cơ quan BHXH đã phát triển đối tượng đạt khoảng 17,47 triệu người.
Đến tháng 5/2023, cơ quan BHXH đã phát triển đối tượng đạt khoảng 17,47 triệu người.

Kinh nghiệm xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng của một số nước

Hiện nay, một số quốc gia trên thế giới đã triển khai chính sách mở rộng đối tượng bao phủ bảo hiểm xã hội (BHXH) dựa vào hệ thống hưu trí đa tầng.

Tầng 1: Lương hưu, do Chính phủ hỗ trợ từ các nguồn thu công để đảm bảo an sinh tuổi già cho mọi người.

Tầng 2: Hưu trí bắt buộc dựa trên đóng góp của người lao động, người dân tham gia (như hệ thống hưu trí hiện nay của BHXH Việt Nam.

Tầng 3: Hưu trí bổ sung với mức đóng được xác định, theo đó người dân được hưởng mức hưu trí cao hơn tùy theo mức đóng tiền hàng tháng. Cụ thể:

Trung Quốc

Trong những năm qua, Trung Quốc đã thực hiện cải cách mạnh mẽ chính sách BHXH để mở rộng đối tượng tham gia BHXH. Nước này xây dựng hệ thống hưu trí bắt buộc cho mọi người dân, gồm: Lương hưu BHXH cơ bản; Chương trình hưu trí không đóng góp; Chương trình hưu trí cho người dân nông thôn và người dân thành thị không có việc làm hưởng lương (tài khoản hưu trí cá nhân).

Đối với chế độ lương hưu BHXH cơ bản: Trung Quốc thực hiện chính sách chi trả lương hưu hàng tháng tính bằng tổng số tiền đóng BHXH của người lao động, cộng với lãi suất dồn tích, chia cho số tháng được ghi nhận có tham gia đóng bảo hiểm.

Số tháng được ghi nhận có đóng bảo hiểm của người lao động nghỉ hưu khi đủ 60 tuổi là 139 tháng.

Lương hưu tối thiểu (kết hợp giữa BHXH và tài khoản hưu trí cá nhân bắt buộc theo luật định) thường dao động trong khoảng 40% - 60% mức bình quân tiền lương tháng trên địa bàn trong năm trước liền kề, tùy thuộc vào khu vực.

Đối với trường hợp hưởng lương hưu sớm: Nước này áp dụng phương thức tính lương hưu hàng tháng căn cứ trên tổng số tiền đóng BHXH của người lao động, cộng với lãi dồn tích, chia cho số tháng đóng bảo hiểm.

Trường hợp người lao động đóng BHXH không đủ 15 năm vẫn được hưởng BHXH một lần bằng với số dư tài khoản hưu trí cá nhân (trừ trường hợp chuyển số tiền này sang chương trình hưu trí cho người dân nông thôn và người dân thành thị không có việc làm hưởng lương).

Đối với chương trình hưu trí cho người dân nông thôn và người dân thành thị không có việc làm hưởng lương (chương trình hưu trí không đóng góp): Mức hưởng lương hưu hàng tháng thấp nhấp là 70 Nhân dân tệ. Tại một số địa bàn, mức hưởng lương hưu được điều chỉnh tăng theo độ tuổi.

Đối với chương trình hưu trí cho người dân nông thôn và người dân thành thị không có việc làm hưởng lương (tài khoản hưu trí cá nhân): Lương hưu hàng tháng được tính bằng tổng số tiền đóng BHXH của người lao động, của Chính phủ/chính quyền, cộng với lãi dồn tích, chia cho số tháng có đóng bảo hiểm.

Sau khi dùng hết số tiền từ tài khoản hưu trí cá nhân theo luật định, để trả lương hưu hàng tháng cho người lao động, thì nguồn quỹ chung trên địa bàn sẽ được sử dụng để trả lương hưu…

Hàn Quốc

Hàn Quốc là nước xây dựng hệ thống hưu trí theo các chế độ trợ cấp khác nhau. Để được hưởng lương hưu, theo quy định, người sử dụng lao động và người lao động bắt buộc phải đóng góp lần lượt 4,5% tổng lương vào hệ thống hưu trí.

Quốc gia này có hệ thống trợ cấp thôi việc đứng đầu trong hệ thống hưu trí quốc gia và áp dụng bắt buộc đối với các doanh nghiệp có từ 5 năm nhân viên trở lên.

Nhân viên được hưởng trợ cấp thôi việc sau khi có khoảng thời gian làm việc liên tục một năm. Khoản chi trả này được thực hiện một lần ứng với số năm công tác, nhân trung bình lương hàng tháng của ba tháng cuối cùng.

Bên cạnh chế độ hưu trí trên, Hàn Quốc còn có các chương trình hưu trí cá nhân và tiết kiệm thực hiện trên cơ sở tự nguyện. Các chương trình này hình thành trụ cột thứ ba trong hệ thống hưu trí.

Để khuyến khích người dân tham gia hệ thống hưu trí, nước này áp dụng quy định miễn, giảm thuế cho các đối tượng tham gia hệ thống này.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD)

Các quốc gia thành viên OECD xây dựng hệ thống BHXH đa tầng gồm:

Tầng 1: Mang tính chất bắt buộc. Ngân sách nhà nước bảo đảm thu nhập ở mức thích hợp đối với người hết tuổi lao động. Mỗi quốc gia thành viên OECD thiết kế chính sách theo các mô hình: Lương hưu cơ bản; Lương hưu xã hội dựa trên xác minh thu nhập; Lương hưu tối thiểu.

Tầng 2: Mang tính chất bắt buộc. Sự đóng góp bắt buộc của người dân vào chế độ hưu trí để tích lũy cho tuổi già. Chế độ hưu trí này được cung cấp bởi Nhà nước hoặc tư nhân.

Nếu chế độ hưu trí này do Nhà nước cung cấp thì thực hiện theo 3 mô hình: Mức hưởng xác định; Tích điểm; Tài khoản cá nhân tượng trưng. Nếu chế độ hưu trí do tư nhân cung cấp, thì thực hiện theo 2 mô hình: Mức hưởng xác định; Mức đóng xác định.

Tầng 3: Mang tính chất tự nguyện. Sự đóng góp tự nguyện của người dân vào chế độ hưu trí để tích lũy cho tuổi già do tư nhân cung cấp, thì thực hiện theo 2 mô hình: Mức hưởng xác định; Mức đóng xác định.

Thực tiễn tại Việt Nam

Đối chiếu với hệ thống BHXH của các quốc gia nêu trên, đặc biệt là mô hình của OECD, có thể thấy, Việt Nam đã manh nha xây dựng hệ thống hưu trí đa tầng, cụ thể:

Tầng 1: Lương hưu xã hội dựa trên xác minh thu nhập, hay gọi là chính sách trợ cấp xã hội cho người cao tuổi theo Nghị định số 136/2013/NĐ-CP của Chính phủ.

Cơ quan BHXH luôn đảm bảo quyền lợi chi trả kịp thời lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng cho người tham gia trong thời gian quan. 5 tháng đầu năm 2023, BHXH Việt Nam đã giải quyết cho 26.014 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng; 547.989 người hưởng các chế độ BHXH một lần (BHXH Việt Nam, 2023).

Tầng 2: Chế độ BHXH bắt buộc do cơ quan BHXH tổ chức thực hiện. Thời gian qua, cơ quan BHXH các cấp đã triển khai đồng bộ, linh hoạt nhiều giải pháp nhằm phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và đạt được những kết quả tích cực.

Theo thống kê, đến tháng 5/2023, cơ quan BHXH đã phát triển đối tượng đạt khoảng 17,47 triệu người, chiếm 37,48% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2022 (BHXH Việt Nam, 2023).

Tầng 3: Chế độ bảo hiểm hưu trí bổ sung theo Nghị định số 88/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Hiện nay, ở nước ta, chế độ bảo hiểm hưu trí bổ sung chưa thu hút được người tham gia…

Hàm ý chính sách cho Việt Nam

Qua nghiên cứu hệ thống BHXH đa tầng của Trung Quốc, Hàn Quốc và OECD có thể thấy, việc xây dựng và hình thành hệ thống BHXH đa tầng được Chính phủ các nước này chú trọng triển khai để đảm bảo kịp thời quyền lợi an sinh xã hội cho các đối tượng thụ hưởng.

Tuy nhiên, do điều kiện, hoàn cảnh kinh tế - xã hội của mỗi nước khác nhau, nên tác giả đưa ra một số hàm ý chính sách cho Việt Nam như sau:

Một là, xây dựng, hoàn thiện hệ thống hưu trí đa tầng hướng tới bảo hiểm hưu trí toàn dân, nghĩa là mọi người dân hết tuổi lao động đều có lương hưu giống như mô hình của Trung Quốc và Hàn Quốc.

Hai là, có chính sách đối với nhiều việc làm không chính thức để khuyến khích người lao động tham gia BHXH ngày càng cao, qua đó nâng số người cao tuổi nhận lương hưu BHXH (tầng thứ 2), như mô hình của OECD.

Ba là, nghiên cứu áp dụng chính sách giảm thời gian đóng BHXH từ 20 năm xuống còn 15 năm để được nhận lương hưu đối với cả nhóm người tham gia BHXH theo hình thức tự nguyện và bắt buộc (như trường hợp của Trung Quốc).

Đồng thời, đề xuất áp dụng quy định người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hưởng 3 chế độ (lương hưu, thai sản và tử tuất). Trợ cấp thai sản do ngân sách nhà nước đảm bảo.

Bốn là, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về chế độ hưu trí nghề nghiệp hoặc các chế độ hưu trí tư nhân trên cơ sở đóng góp tự nguyện.

Tài khoản hưu trí cá nhân có tác dụng bổ trợ cho chương trình hưu trí bắt buộc, do Nhà nước quản lý hướng tới những người mong muốn có tỷ lệ hưởng lương hưu cao hơn (mô hình của OECD).Xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng tại một số nước và hàm ý chính sách cho Việt Nam - Ảnh 1