TP. Hồ Chí Minh:
Đảm bảo mặt hàng bình ổn thấp hơn hàng cùng chủng loại từ 5-10%
Chương trình bình ổn thị trường chính thức được triển khai tại TP. Hồ Chí Minh bắt đầu từ ngày 01/4/2020 và kéo dài đến hết 31/3/2021. Tiêu chí hàng đầu được Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh đặt ra là phải đảm bảo giá các mặt hàng bình ổn thấp hơn mặt hàng cùng chủng loại trên thị trường tối thiểu 5-10%.
Nhằm đảm bảo giá cả thị trường được ổn định, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán, Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành có liên quan, UBND của 24 quận, huyện và Ban quản lý các chợ triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác đảm bảo đầy đủ hàng hóa phục vụ nhân dân.
Theo đó, đối với công tác quản lý giá các mặt hàng lương thực thiết yếu trong Chương trình bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên Đán, Sở Tài chính luôn theo dõi sát tình hình giá cả thị trường, giá nguyên liệu đầu vào của các mặt hàng tham gia chương trình bình ổn.
Từ nay đến hết ngày 12/01/2021 khi phát hiện có biến động kịp thời đề xuất, điều chỉnh giá đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và thực hiện đúng tiêu chí của chương trình là thấp hơn thị trường 5%-10%.
Hiện đã có 39 doanh nghiệp trên địa bàn tham gia chương trình bình ổn thị trường với 10 nhóm hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu gồm gạo, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm (làm sẵn), trứng gia cầm, rau củ quả, thủy hải sản, thực phẩm chế biến (chả lụa, lạp xưởng, thực phẩm đóng hộp, nước mắm đóng chai, thực phẩm chế biến khác), lương thực khác.
Tiêu biểu như: Vissan, Sagrifood (thịt gia súc), Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt (trứng gia cầm); Foodcosa, Vinh Phát, Tấn Vương (gạo); Thành Thành Công (đường); Colusa – Miliket, Bình Tây (mì, bún, phở khô); San Hà, Long Bình, Feddy (thịt gia cầm); Phong Thúy, Thảo Nguyên, Phước An (rau củ quả); Liên Thành (nước mắm)…
Bắt đầu từ ngày 13/01/2021 đến 13/3/2021, giá các mặt hàng trong chương trình sẽ giữ ổn định và không điều chỉnh tăng. Trường hợp giá nguyên liệu đầu vào, giá thị trường có xu hướng giảm, Sở Tài chính sẽ yêu cầu các đơn vị trong chương trình thực hiện giảm giá hoặc khuyến mãi; nhằm đảm bảo đúng nguyên tắc của Chương trình: Giá bán hàng hóa tham gia Chương trình Bình ổn thị trường Tết Tân Sửu năm 2021 đảm bảo ổn định, không tăng giá trong 2 tháng Tết (01 tháng trước Tết và 01 tháng sau Tết).
Đồng thời, các đơn vị tham gia Chương trình bình ổn thị trường của Thành phố chủ động thực hiện giảm giá sâu trong 02 ngày cận Tết đối với các mặt hàng thiết yếu như: thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm... Bên cạnh đó, các hệ thống lớn như: Sài Gòn Co.op, Satra, Aeon – Citimart, BigC tổ chức nhiều Chương trình khuyến mại giảm giá từ 5%-49% cho hàng ngàn mặt hàng phục vụ Tết như: nước giải khát, bánh, kẹo, mứt....
Ghi nhận tại các chuỗi siêu thị, tại ba chợ đầu mối là Thủ Ðức, Hóc Môn và Bình Ðiền cho thấy, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến bất thường cộng thêm nhiều yếu tố khách quan của thị trường sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ hàng hóa tại địa bàn TP.Hồ Chí Minh với các tỉnh và ngược lại, trong nhiều tháng qua, tình hình giá cả các mặt hàng thiết yếu lương thực, thực phẩm được cho là khá ổn định, hầu như không có sự biến động nào lớn, phức tạp…
Theo đại diện Phòng quản lý giá thuộc Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh, thời gian qua, giá bán các mặt hàng lương thực, thực phẩm đều đảm bảo thấp hơn giá thị trường của sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng ít nhất từ 5% đến 10%. Cụ thể: giá gạo thấp hơn giá thị trường 11,8%-13,3%; đường ăn thấp hơn 17%; dầu ăn thấp hơn 12%; thịt gia cầm thấp hơn 15%-26%, thịt heo thấp hơn 5,3%-30,6%; trứng gia cầm thấp hơn 7%-8%.
Những sản phẩm truyền thống như bia, rượu, nước ngọt, các loại trà, bánh, mứt, hạt sấy khô...dự báo, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng bia, nước giải khát của người dân Thành phố sẽ vào khoảng 48,5 triệu lít/tháng Tết, tăng khoảng 20% so với các tháng trong năm. Theo ghi nhận hiện nay, các sản phẩm giá ổn định như Heineken 405.000 đồng/thùng, Tiger 335.000 đồng/thùng, bia 333 Sài gòn, 255.000 đồng/thùng, bia Budweiser 320.000 đồng/thùng (loại 20 lon), coca cola 180.000 đồng/thùng.
Theo Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường của Thành phố đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng để cung ứng cho thị trường hai tháng trước và sau Tết Nguyên đán với tổng nguồn vốn 19.679 tỷ đồng, tăng 652 tỷ đồng so Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Riêng tổng vốn chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường là 7.132 tỷ đồng. Trong tháng cao điểm phục vụ nhu cầu mua sắm Tết, các doanh nghiệp chuẩn bị 10.425 tỷ đồng, hàng bình ổn chiếm 4.172 tỷ đồng.