Đảm bảo nhiệm vụ chi trong bối cảnh thu ngân sách nhà nước giảm mạnh


Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, thu ngân sách nhà nước (NSNN) khó khăn, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, điều hành chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm trong phạm vi dự toán được Quốc hội quyết định, đảm bảo nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn và các nhiệm vụ chi quan trọng, cấp bách, đột xuất.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo tại phiên họp chiều ngày 20/10. Nguồn: internet
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo tại phiên họp chiều ngày 20/10. Nguồn: internet

Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIV, chiều 20/10, Quốc hội nghe Báo cáo kết quả thực hiện NSNN năm 2020, dự toán và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021; kết quả thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020; dự kiến kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025 và Báo cáo thẩm tra nội dung này của Ủy ban Tài chính - Ngân sách.

Tăng cường quản lý thu, phân bổ, sử dụng ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trình bày Báo cáo kết quả thực hiện NSNN năm 2020, dự toán và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021; kết quả thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020; dự kiến kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Theo Bộ trưởng, năm 2020, do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, cùng với đó là tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ làm ảnh hưởng hầu hết đến các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội và ảnh hưởng lớn đến công tác thực hiện nhiệm vụ NSNN. Song với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự cố gắng, nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương và của cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân, cùng với sự phối hợp của các cơ quan trong hệ thống chính trị đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp tăng cường quản lý thu, phân bổ, sử dụng NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, bảo đảm nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ cấp thiết... góp phần quan trọng trong khống chế, kiểm soát dịch bệnh, từng bước phục hồi và phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.

Về dự toán NSNN năm 2021, Bộ trưởng cho biết, do thay đổi chỉ tiêu kinh tế tổng hợp GDP điều chỉnh để xây dựng dự toán NSNN năm 2021; GDP điều chỉnh dự kiến tăng 25,4%, theo  đó, điều chỉnh giảm tỷ lệ các chỉ tiêu về thu, chi NSNN, bội chi, nợ công trên GDP từ năm 2021 trở đi. Như vậy, về số tương đối sẽ giảm so với hiện hành nhưng số tuyệt đối vẫn tăng lên.

Chính phủ cũng kiến nghị một số nội trong dự toán NSNN năm 2021 như: Đề nghị cho phép sử dụng nguồn thu từ hoạt động xổ số kiến thiết để thực hiện Đề án đầu tư mua sắm thiết bị dạy học phục vụ chương trình đổi mới sách giáo khoa giáo dục phổ thông; chưa điều chỉnh tiền lương cơ sở và điều chỉnh chuẩn nghèo trong năm 2021 để tập trung dành nguồn lực phòng chống dịch bệnh Covid-19 và một số vấn đề cấp bách khác; cho phép loại trừ thêm khoản thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải khi tính số tăng thu ngân sách địa phương thực hiện năm 2020 và dự toán năm 2021 dành để tạo nguồn cải cách tiền lương; loại trừ thêm khoản thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải khi tính số tăng thu ngân sách địa phương thực hiện năm 2020 và dự toán năm 2021 dành để tạo nguồn cải cách tiền lương; Thực hiện cơ chế tài chính đặc thù đối với một số cơ quan, đơn vị.

Thu ngân sách giảm mạnh nhưng nhiệm vụ chi ngân sách vẫn được bảo đảm

Báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện NSNN năm 2020, dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021; kết quả thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020; dự kiến kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cơ bản thống nhất với các báo cáo của Chính phủ về NSNN, ước cả năm thu NSNN đạt 1.323,1 nghìn tỷ đồng, hụt 189,2 nghìn tỷ đồng (giảm 12,5%) so với dự toán.

Mặc dù cơ quan quản lý thu đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và nợ đọng thuế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện đầy đủ các giải pháp thực hiện chính sách thu đã đề ra, song do tác động của đại dịch Covid-19 nên các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí và thu từ dầu thô đều không đạt dự toán đã được Quốc hội quyết định, nợ đọng thuế còn cao, nhiều địa phương trọng điểm thu đạt tỷ lệ thấp so với dự toán.

Về chi NSNN, ước thực hiện tổng chi NSNN năm 2020 là 1.686,2 nghìn tỷ đồng, giảm 60,89 nghìn tỷ đồng (giảm 3,5%) so với dự toán. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, thu NSNN khó khăn, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, điều hành chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm trong phạm vi dự toán được Quốc hội quyết định, tăng cường kỷ luật tài chính, tập trung nguồn lực đảm bảo cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn, khắc phục kịp thời hậu quả bão lũ, thiên tai, dịch bệnh và các nhiệm vụ chi quan trọng, cấp bách, đột xuất phát sinh, góp phần duy trì và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Toàn cảnh phiên họp. Nguồn: internet
Toàn cảnh phiên họp. Nguồn: internet

Theo báo cáo của Chính phủ, bội chi NSNN năm 2020 ước khoảng 4,99% GDP, tăng 1,55% so với dự toán. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, do ảnh hưởng của dịch Covid- 19, các nguồn thu ngân sách giảm mạnh, nhưng nhiệm vụ chi ngân sách vẫn cần được bảo đảm, dẫn đến việc cân đối ngân sách không đạt được dự toán Quốc hội giao. Vì vậy, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng mức bội chi tăng cao hơn là hợp lý. Tuy nhiên, nhiều khả năng bội chi NSNN sẽ tăng thêm 38,5 nghìn tỷ đồng do không thu được tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp, dẫn đến bội chi NSNN vượt dự toán cao (khoảng 357,96 nghìn tỷ đồng), bằng 5,59% GDP.

Thống nhất đề nghị bổ sung dự toán thu, chi ngân sách năm 2020

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải, tại phiên họp thứ 47, 48, 49, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí đề nghị Quốc hội bổ sung dự toán thu, chi NSNN năm 2020 theo các Tờ trình của Chính phủ. Ủy ban Tài chính, Ngân sách thống nhất đề nghị Quốc hội chấp thuận bổ sung dự toán thu, chi ngân sách và một số vấn đề phát sinh trong điều hành NSNN năm 2020 vì đây là các khoản thu, chi NSNN phát sinh, cần thiết và phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.

Trong đó, điều chỉnh tăng bội chi NSNN năm 2020 để bảo đảm nguồn đáp ứng nhiệm vụ chi của NSNN trong trường hợp ngân sách trung ương bị hụt thu so với dự toán do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng theo nguyên tắc chỉ tăng bội chi cho đầu tư phát triển và chỉ huy động vay bù đắp bội chi theo khả năng thực tế giải ngân của năm 2020. Trường hợp thu ngân sách địa phương giảm so với dự toán, các địa phương phải chủ động sử dụng nguồn lực hợp pháp để xử lý cân đối ngân sách địa phương, thực hiện việc cắt giảm, giãn các nhiệm vụ chi năm 2020 sang năm 2021.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng thống nhất đề xuất cho phép sử dụng 3.233 tỷ đồng để thực hiện chính sách phát triển thủy sản tiếp tục chuyển nguồn để sử dụng đến hết năm 2021 và cho phép các khoản chi của doanh nghiệp, tổ chức để ủng hộ, tài trợ cho hoạt động phòng, chống đại dịch Covid-19 được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp, áp dụng từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020.

Điều hành ngân sách nhà nước năm 2021 thận trọng, an toàn, chủ động

Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cơ bản thống nhất với các chỉ tiêu tổng hợp về dự toán NSNN năm 2021. Trong đó, về dự toán thu NSNN, Chính phủ đề nghị tăng tổng thu NSNN 1,5% so với ước thực hiện năm 2020 (giảm 11,1% so với dự toán năm 2020), đây là mức tăng thận trọng, nhưng khá thấp so với tính toán trong kịch bản tăng trưởng kinh tế ở mức tương đối cao (6-6,5%). Tuy nhiên, để an toàn, chủ động trong điều hành NSNN, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cơ bản đồng ý với đề xuất của Chính phủ.

Về dự toán chi NSNN năm 2021, theo báo cáo của Chính phủ giảm 3,4% (giảm 60,1 nghìn tỷ đồng) là phù hợp với tốc độ giảm thu cân đối NSNN. Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị về nguyên tắc chi, cần tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm quy định của Hiến pháp và Luật NSNN hiện hành. Về bội chi NSNN và nợ công năm 2021, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, đề xuất bội chi khoảng 4%GDP của Chính phủ là chấp nhận được.

Về đề nghị chưa điều chỉnh tiền lương cơ sở và điều chỉnh chuẩn nghèo trong năm 2021 để tập trung dành nguồn lực phòng chống dịch bệnh Covid-19 và một số vấn đề cấp bách khác. Đa số ý kiến Ủy ban Tài chính - Ngân sách cơ bản đồng ý với đề nghị của Chính phủ.

Về đề nghị cho phép loại trừ thêm khoản thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải khi tính số tăng thu Ngân sách địa phương thực hiện năm 2020 và dự toán năm 2021 dành để tạo nguồn cải cách tiền lương. Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận thấy, trong năm 2020, theo đề nghị của Chính phủ, Quốc hội đã cho phép loại trừ 8 khoản thu khi tính số tăng thu ngân sách địa phương thực hiện dành để tạo nguồn cải cách tiền lương. Việc sử dụng nguồn thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải cũng đã có một số nhiệm vụ chi cụ thể, do đó, thống nhất với đề nghị của Chính phủ.