Quản lý chặt chẽ, tiết kiệm việc sử dụng ngân sách nhà nước và tài sản công

PV.

Việc tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó có quản lý chặt chẽ việc sử dụng ngân sách, tài sản công luôn được Chính phủ xác định là một trong những biện pháp quan trọng nhằm hoàn thành cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo các Nghị quyết của Quốc hội.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài

Đó là khẳng định của Bộ Tài chính trả lời cử tri tỉnh Hòa Bình tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV về việc tăng cường quản lý chặt chẽ việc sử dụng ngân sách, tài sản công, nâng cao trách nhiệm, ý thức của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Trong Công văn số 8924/CV-TTr gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình, Bộ Tài chính cho biết, trong những năm qua, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, chỉ đạo. Đồng thời, xác định rõ công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, trọng tâm, xuyên suốt trong chỉ đạo, điều hành thực hiện các mục tiêu phát triển - kinh tế xã hội của đất nước.

Theo đó, Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) và Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/5/2012 (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) ban hành Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 21/12/2012 về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Bộ Chính trị (khóa XII) ban hành Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (Khóa X). Trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, việc tăng cường thực hành tiết kiệm chống lãng phí luôn được xác định là một trong những biện pháp quan trọng nhằm hoàn thành cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo các Nghị quyết của Quốc hội.

Công tác thanh tra, kiểm tra tài chính-NSNN được đẩy mạnh, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, chống thất thu, thất thoát, lãng phí NSNN. Năm 2019, qua thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, các cơ quan của Bộ Tài chính kiến nghị xử lý tài chính 71,7 nghìn tỷ đồng, trong đó tăng thu NSNN 25,1 nghìn tỷ đồng; chống chuyển giá, giảm lỗ 41,6 nghìn tỷ đồng, giảm khấu trừ gần 2,6 nghìn tỷ đồng, giảm dự toán, giảm thanh quyết toán 95,8 tỷ đồng...

Thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2020 (theo Quyết định số 2544/QĐ-TTg ngày 30/12/2016); Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019 (Quyết định số 213/QĐ-TTg ngày 21/02/2019 ) với phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng, nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và các nhiệm vụ, giải pháp tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên tất cả các lĩnh vực đã được đề ra từ đầu năm 2019.

Thực hành tiết, kiệm chống lãng phí trong quản lý sử dụng ngân sách, tài sản công

Năm 2019, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành giao nhiệm vụ, dự toán NSNN đúng thời hạn; điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ, triệt để tiết kiệm, hiệu quả; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - NSNN; tăng cường minh bạch trong thu, chi NSNN; ban hành theo thẩm quyền và trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung nhiều chính sách về tài chính, thuế phù hợp với tình hình thực tế và các cam kết hội nhập quốc tế.

Các nhiệm vụ chi NSNN được bảo đảm theo dự toán, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh. Công tác quản lý chi NSNN tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH. Bộ Tài chính cũng đã có văn bản hướng dẫn các bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện dự toán chi NSNN với những yêu cầu chặt chẽ về thời gian, nội dung phân bổ và tổ chức thực hiện dự toán, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.

Cơ cấu chi tiếp tục chuyển dịch tích cực, đạt mục tiêu đề ra. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sát sao các bộ, ngành, địa phương triệt để tiết kiệm kinh phí NSNN, rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết; hạn chế chi mua sắm xe ô tô công, thiết bị đắt tiền, tổ chức hội nghị, hội thảo, lễ hội, khánh tiết, công tác nước ngoài; sử dụng dự phòng ngân sách các cấp đúng mục đích...

Công tác thanh tra, kiểm tra tài chính-NSNN được đẩy mạnh, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, chống thất thu, thất thoát, lãng phí NSNN. Năm 2019, qua thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, các cơ quan của Bộ Tài chính kiến nghị xử lý tài chính 71,7 nghìn tỷ đồng, trong đó tăng thu NSNN 25,1 nghìn tỷ đồng; chống chuyển giá, giảm lỗ 41,6 nghìn tỷ đồng, giảm khấu trừ gần 2,6 nghìn tỷ đồng, giảm dự toán, giảm thanh quyết toán 95,8 tỷ đồng…

Kho bạc Nhà nước tăng cường kiểm soát chi NSNN, bảo đảm tuân thủ tiêu chuẩn, định mức, chế độ. Kết quả kiểm soát chi năm 2019 qua hệ thống Kho bạc Nhà nước phát hiện khoảng 25.525 khoản chi thường xuyên chưa đủ thủ tục, từ chối thanh toán 102,8 tỷ đồng; 4.079 khoản thanh toán vốn đầu tư chưa đủ hồ sơ, từ chối thanh toán 123,7 tỷ đồng...

Về quản lý tài sản công, trong năm 2019, Chính phủ ban hành 05 nghị định, Bộ Tài chính ban hành 01 thông tư về quản lý tài sản công (trong đó có quy định việc khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công đối với các chức danh có tiêu chuẩn); hệ thống văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã được ban hành đầy đủ, đồng bộ, tạo lập hệ thống cơ sở pháp lý quan trọng để quản lý, sử dụng tài sản công tiết kiệm, hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 63/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước, trong đó quy định rõ tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính không được sử dụng tiền NSNN hoặc tiền có nguồn gốc từ NSNN để nộp phạt và khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm của mình gây ra.

Ngày 10/12/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 32/CT-TTg về đẩy mạnh triển khai thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật. Nhiều bộ, ngành, địa phương đã cơ bản hoàn thành việc ban hành quy định về phân cấp trong quản lý, sử dụng tài sản công và triển khai xây dựng tiêu chuẩn, định mức máy móc, thiết bị chuyên dùng, diện tích chuyên dùng, diện tích công trình sự nghiệp trong cơ sở hoạt động sự nghiệp. Tổ chức xác định số lượng xe ô tô được sử dụng theo đúng tiêu chuẩn, định mức và xử lý số xe dôi dư theo quy định tại Nghị định số 04/2019/NĐ-CP của Chính phủ; rà soát danh mục mua sắm tập trung để sửa đổi, bổ sung, bảo đảm thực hiện đúng quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc mua sắm tập trung tài sản công, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm.

Công tác cập nhật, chuẩn hoá dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công được thực hiện tương đối đầy đủ. Tổng giá trị tài sản tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công ngày 31/12/2019 là 1.398.748 tỷ đồng (tài sản là quyền sử dụng đất: 890.558 tỷ đồng; nhà 365.967 tỷ đồng; ô tô 25.420 tỷ đồng; tài sản khác có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên/01 đơn vị tài sản 116.545 tỷ đồng). Hạ tầng giao thông đường bộ đã cập nhật vào Danh mục tài sản 54.136 tuyến đường... Các cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý tài sản công đã thực hiện mở tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước để quản lý số tiền thu được từ xử lý tài sản công.

Công tác quản lý trụ sở làm việc, nhà, đất công tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương thực hiện theo quy định của pháp luật. Các cơ quan, đơn vị đã thực hiện báo cáo kê khai, đề xuất phương án sắp xếp lại, xử lý đối với các cơ sở nhà, đất, công trình và các tài sản khác gắn liền với đất, qua đó đã cơ bản nắm được tổng thể nhà, đất đang quản lý; góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trong việc quản lý, sử dụng nhà, đất được Nhà nước giao, cho thuê đúng mục đích, đúng công năng, tiết kiệm và hiệu quả.

Trong đó, năm 2019, Bộ Tài chính đã tích cực phối hợp, đôn đốc các bộ, ngành ở Trung ương khẩn trương rà soát, sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất của các tổ chức, đơn vị trực thuộc. Đã phê duyệt mới 144 cơ sở, phê duyệt phương án sắp xếp lại 2.623 cơ sở, phê duyệt điều chỉnh phương án 125 cơ sở nhà, đất công. Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công, theo hướng phân cấp thẩm quyền quyết định thu hồi, bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất; xây dựng Nghị định về quản lý, sử dụng nhà, đất thuộc, sở hữu nhà nước phục vụ hoạt động đối ngoại của Nhà nước...

Tăng cường quản lý sử dụng ngân sách, tài sản công trong năm 2020

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2020 theo nghị quyết của Trung ương Đảng và Quốc hội, Chính phủ đề ra phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả”; nỗ lực phấn đấu cao nhất để đạt được mục tiêu tăng trưởng và các chỉ tiêu KT-XH đã đề ra. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 theo Quyết định số 166/QĐ-TTg ngày 23/01/2020, với những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, trong đó về quản lý, sử dụng  ngân sách, tài sản công như sau:

Một là, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính-NSNN; kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN. Tiếp tục cơ cấu lại chi NSNN, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng chi thường xuyên; công khai, minh bạch và thực hiện triệt để tiết kiệm ngay từ khâu xác định nhiệm vụ.

Hai là, điều hành dự toán NSNN chủ động, chặt chẽ, bảo đảm kỷ cương, kỷ luật tài chính - NSNN; quản lý chi trong phạm vi dự toán được giao, đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ, triệt để tiết kiệm toàn diện trên các nội dung chi. Chỉ ban hành mới chính sách, đề án, nhiệm vụ mới khi thực sự cần thiết và có nguồn đảm bảo. Không bố trí đoàn ra trong chi thường xuyên các Chương trình mục tiêu quốc gia. Không đề xuất, phê duyệt các đề tài khoa học có nội dung trùng lặp, thiếu tính khả thi, chưa xác định được nguồn kinh phí. Từng bước thực hiện phương thức Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ nghiên cứu, khoán kinh phí nghiên cứu khoa học đến sản phẩm cuối cùng. Tiếp tục cải cách công tác kiểm soát chi NSNN theo hướng thống nhất quy trình, tập trung đầu mối, phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan tài chính, Kho bạc Nhà nước, đơn vị sử dụng NSNN; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm soát chi, quản lý thu NSNN.

Ba là, thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên dự toán NSNN. Phấn đấu tiết kiệm 12% kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, họp, công tác phí, chi tiếp khách, khánh tiết, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm và tiết kiệm 15% chi đoàn ra, đoàn vào so với dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Bốn là, thực hiện đồng bộ, có hiệu quả mua sắm tài sản công theo phương thức mua sắm tập trung, mua sắm qua hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Năm là, chấm dứt việc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết không đúng quy định. Thu hồi 100% nhà công vụ sử dụng không đúng mục đích, đối tượng, hết thời gian sử dụng theo quy định.

Sáu là, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc quản lý, sử dụng tài sản công; thanh tra việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý; triển khai quyết liệt Nghị định số 63/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 của Chính phủ và Thông tư số 29/2020/TT-BTC ngày 17/4/2020 của Bộ Tài chính. Xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật liên quan đối với các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý có hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công.