Đảm bảo phát triển điện hạt nhân bền vững toàn cầu
(Taichinh) - Việc tham gia phát triển điện hạt nhân ở các nước trên thế giới không chỉ tuân thủ những nguyên tắc riêng của từng quốc gia mà còn phải thực hiện đầy đủ những công ước quốc tế để đảm bảo tính an toàn điện hạt nhân toàn cầu.
Một trong số đó là Công ước bổ sung về bồi thường thiệt hại hạt nhân (CSC) bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15/ 4 / 2015. CSC đã được thông qua vào ngày 12 / 9/ 1997 cùng với Nghị định thư sửa đổi Công ước Viên về trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại hạt nhân. CSC quy định phải có ít nhất 5 quốc gia lắp đặt công suất hạt nhân tối thiểu là 400.000 MWs phê chuẩn để có thể đưa Công ước đi vào có hiệu lực. Ngoài Nhật Bản, 5 nước thành viên phê chuẩn tham gia Công ước gồm có: Argentina, Morocco, Romania, Các tiểu vương quốc Ả rập và Hoa Kỳ.
CSC nhằm mục đích tăng số tiền bồi thường hiện có trong trường hợp xảy ra sự cố hạt nhân bằng cách thiết lập một số tiền bồi thường tối thiểu cấp quốc gia và một quỹ quốc tế mà ở đó, các bên ký kết dự kiến sẽ đóng góp khi xảy ra tai nạn hạt nhân.
Tỉ lệ đóng góp của các quốc gia thành viên CSC cho Quỹ bồi thường 90% dựa trên tổng công suất của các nhà máy điện hạt nhân đang vận hành tại mỗi quốc gia và 10% dựa trên tỉ lệ đánh giá của Liên Hiệp Quốc (UN)
Công ước cũng xây dựng một chế độ trách nhiệm trên toàn cầu mà tất cả các nước đều có thể tham gia. Theo đó, CSC không chỉ dành cho các quốc gia tham gia Công ước Viên và Công ước Pari mà còn cho các quốc gia khác với điều kiện luật pháp của họ phù hợp với các quy tắc thống nhất về trách nhiệm dân sự quy định tại Phụ lục của Công ước.
Từ năm 2009, trong báo cáo kết quả dịch vụ đánh giá pháp quy tích hợp gửi Chính phủ Việt Nam, IAEA đã khuyến cáo Việt Nam nên xem xét tham gia Công ước quốc tế về bồi thường thiệt hại hạt nhân. Tháng 9/2013, lần đầu tiên trong lịch sử kể từ khi trở thành thành viên chính thức của IAEA, Việt Nam được đề cử giữ vai trò chủ tịch Hội đồng thống đốc IAEA.
Trong những năm quan, Việt Nam đã cam kết ủng hộ mạnh mẽ việc thực hiện các công ước quốc tế liên quan đến hạt nhân. Đến nay, Việt Nam đã tham gia đủ các công ước quốc tế về an toàn, an ninh và không phổ biến vũ khí hạt nhân. Công ước quốc tế về bồi thường thiệt hại hạt nhân là một trong số rất ít công ước, điều ước quốc tế trong lĩnh vực hạt nhân Việt Nam chưa tham gia. Do vậy, Việt Nam cần xem xét khả năng sớm tham gia cơ chế quốc tế về bồi thường thiệt hại hạt nhân.
Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đang tích cực phối hợp với các Bộ, ngành triển khai Đề án sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử. Việc sửa đổi các quy định về thường thiệt hại hạt nhân phù hợp với quy định quốc tế là hết sức cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham gia thực hiện các quy định pháp luật quốc tế khi Việt Nam gia nhập công ước quốc tế về bồi thường thiệt hại hạt nhân cũng như tạo sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế đối với chương trình phát triển điện hạt nhân của Việt Nam.