Những lợi ích từ phát triển điện hạt nhân

PV. (Tổng hợp)

(Tài chính) Việc nghiên cứu phát triển điện hạt nhân đã được các cơ quan có liên quan thực hiện trong nhiều năm, kết quả nghiên cứu đã khẳng định sự cần thiết và tính khả thi của việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam.

Phối cảnh Nhà máy Điện hạt nhân đầu tiên tại Việt Nam. Nguồn: internet
Phối cảnh Nhà máy Điện hạt nhân đầu tiên tại Việt Nam. Nguồn: internet

Việt Nam đang tiến hành công cuộc CNH - HĐH, việc phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là công nghiệp công nghệ hạt nhân, là cơ hội, điều kiện để thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ truyền thống, góp phần tạo ra sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của đất nước, thúc đẩy tăng trưởng GDP và hội nhập quốc tế.

Việc phát triển điện hạt nhân sẽ góp phần đáp ứng về cơ bản nhu cầu sử dụng điện năng ngày càng tăng, bảo đảm an ninh năng lượng và dự trữ nguồn tài nguyên của đất nước.

Có thể chỉ rõ những lợi ích thiết thực từ việc phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam, cụ thể:

Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và chăm sóc sức khoẻ con người

Ứng dụng năng lượng bức xạ là một lĩnh vực có nhiều ưu việt, đóng góp tích cực cho tăng trưởng GDP thông qua việc nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm trong các ngành kinh tế. ứng dụng năng lượng bức xạ sẽ được triển khai rộng rãi trong chẩn đoán và điều trị bệnh góp phần phục vụ tốt hơn công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

Đáp ứng nhu cầu điện năng và góp phần đảm bảo an ninh năng lượng

Với các ưu thế về cạnh tranh kinh tế, khả năng cung cấp điện với số lượng lớn và ổn định, chi phí nhiên liệu và chi phí vận hành bảo dưỡng thấp, lượng nhiên liệu cần ít, có thể làm chủ được công nghệ, việc phát triển điện hạt nhân sẽ đáp ứng nhu cầu điện năng, đa dạng hoá nguồn cung cấp điện và góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước.

Trong giai đoạn đầu phát triển điện hạt nhân, do lượng nhiên liệu tiêu thụ hàng năm không lớn, nên chúng ta có thể nhập và dự trữ trong nhiều năm, trong khi các dạng năng lượng khác thì không thể dự trữ dài hạn được.

Trong tương lai xa hơn, Việt Nam cần và có thể từng bước tiến tới làm chủ việc sản xuất nhiên liệu và sử dụng nguồn tài nguyên urani trong nước. Các ngành công nghiệp trong nước sẽ được phát triển, hiện đại hoá và từng bước tiến tới làm chủ công nghệ điện hạt nhân như kinh nghiệm của nhiều nước.

Góp phần nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ và tiềm lực công nghiệp quốc gia.

Phát triển điện hạt nhân và ứng dụng năng lượng bức xạ sẽ thúc đẩy phát triển nghiên cứu cơ bản về năng lượng nguyên tử và một số lĩnh vực khoa học có liên quan khác như khoa học sự sống, tế bào học, sinh học, vật liệu học.

Phát triển điện hạt nhân sẽ tạo điều kiện phát triển các lĩnh vực công nghệ như quản lý dự án, thiết bị điều khiển tự động, kiểm tra không phá huỷ, thiết kế chịu động đất, công nghệ vật liệu, công nghệ thông tin hiện đại, phân tích an toàn, quản lý chất lượng và đảm bảo chất lượng.

Phát triển điện hạt nhân sẽ thúc đẩy các lĩnh vực công nghiệp khác như cơ khí, chế tạo máy, tự động hoá, hoá chất, xây dựng, điện, điện tử, công nghệ thông tin, viễn thông phát triển và hiện đại hoá.

Việc phát triển công nghiệp công nghệ hạt nhân sẽ góp phần nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ và tiềm lực công nghiệp của quốc gia phục vụ cho sự nghiệp CNH - HĐH đất nước như kinh nghiệm của một số nước trong phát triển điện hạt nhân.

Góp phần bảo vệ môi trường

Chiến lược phát triển năng lượng bền vững ở mỗi quốc gia luôn gắn chặt với chiến lược bảo vệ môi trường. Cùng với các dạng năng lượng mới và tái tạo khác, ĐHN được xem là một nguồn năng lượng sạch, không phát thải khí CO2 và các khí gây hiệu ứng nhà kính, đóng vai trò quan trọng góp phần bảo vệ môi trường.

Các kỹ thuật bức xạ được sử dụng để khử trùng dụng cụ y tế, phòng trừ sâu bệnh, lưu hoá cao su, xử lý chất thải, chế tạo các chế phẩm sinh học, chế tạo vật liệu mới,... sẽ góp phần giải quyết vấn đề môi trường trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Các chất thải phóng xạ của điện hạt nhân nhỏ về thể tích và khối lượng và hoàn toàn có thể kiểm soát được bằng các công nghệ và thiết bị hiện đại.