Đảm bảo quyền lợi cho người dân tham gia BHYT khám, chữa bệnh từ tuyến cơ sở
Trong thời gian qua, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đã và đang triển khai nhiều biện pháp nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) khám, chữa bệnh tại tuyến cơ sở, đồng thời giúp người dân thấy được vai trò thiết thực của BHYT với bản thân, gia đình và xã hội.
Gần 87% dân số tham gia BHYT
Theo BHXH Việt Nam, trong 5 năm gần đây, tốc độ bao phủ BHYT đã đạt kết quả tích cực. Nếu cuối năm 2012, tỷ lệ bao phủ BHYT chỉ đạt 66,8% dân số thì đến hết năm 2017 đạt 85,6% và hiện nay đạt gần 87%.
Số người tham gia BHYT theo hộ gia đình - nhóm thuộc diện khó vận động tham gia nhất cũng đã có bước tăng trưởng đáng kể liên tục trong khoảng 10 năm trở lại đây, năm sau luôn cao hơn năm trước. Năm 2008, số tham gia BHYT hộ gia đình chỉ đạt 3,67% dân số (tương ứng khoảng 3,1 triệu người tham gia) nhưng đến năm 2017, tỷ lệ tham gia đã đạt gần 16% dân số (tương ứng khoảng 14,9 triệu người). Tính đến tháng 3/2018, số tham gia ở nhóm này là gần 15,4 triệu người.
Quyền lợi BHYT của người dân ngày càng được bảo đảm, giúp người dân thấy được vai trò thiết thực của BHYT với an sinh của bản thân, gia đình và xã hội. Điều này được thể hiện qua số lượt khám, chữa bệnh (KCB) BHYT liên tục tăng qua các năm.
Năm 2017 có 168 triệu lượt KCB BHYT, tăng 14% so với năm 2016, trong đó số lượt KCB ngoại trú là 152,8 triệu lượt, tăng 15% so với năm 2016 và số lượt KCB nội trú là 15,3 triệu lượt, tăng 9% so với năm 2016. Số chi KCB BHYT tăng thêm 30% so với năm 2016. Năm 2016 tần suất KCB là 1,9 lượt khám/thẻ/năm, năm 2017 là 2,1 lượt khám/thẻ/năm.
Hỗ trợ tốt nhất người tham gia BHYT
Để phục vụ tốt nhất người tham gia BHYT, thời gian qua, ngành BHXH đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Số thủ tục hành chính đã giảm từ 115 thủ tục xuống còn 28 thủ tục.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chỉ số đo lường về thủ tục nộp thuế và BHXH tại Việt Nam đã có nhiều cải thiện, tăng điểm và tăng hạng nhiều nhất so với năm trước, tương ứng tăng 14,78 điểm và tăng 81 bậc, đạt vị trí thứ 86/190 (năm trước xếp ở vị trí 167).
Hệ thống công nghệ thông tin quản lý của ngành BHXH cũng từng bước được xây dựng đồng bộ, hiện đại; Kho dữ liệu lớn về người tham gia, quá trình đóng, hưởng BHXH, KCB BHYT được xây dựng và quản lý tập trung với thông tin từ hơn 92 triệu dân, 24 triệu hộ gia đình thuộc diện tham gia BHYT, 13 triệu người tham gia BHXH.
Dữ liệu thu, cấp sổ, thẻ, tài chính, hồ sơ, thủ tục hành chính giao dịch giữa cơ quan BHXH và các đơn vị kết nối với khoảng 13.000 cơ sở y tế và các đơn sử dụng lao động. Đến nay, BHXH Việt Nam đã cung cấp 14 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; số đăng ký và thực hiện giao dịch điện tử là trên 236 nghìn đơn vị, doanh nghiệp; hoàn thành tin học hóa việc quản lý và lưu trữ đối với 4,5 triệu hồ sơ hưởng BHXH.
Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, BHXH Việt Nam đã tổ chức đấu thầu thuốc tập trung trong toàn quốc, qua đó đã lựa chọn được các nhà cung cấp thuốc uy tín, chất lượng, góp phần giảm giá thuốc hàng nghìn tỷ đồng, phát huy hiệu quả sử dụng Quỹ BHYT, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHYT.
Ngày BHYT Việt Nam năm nay (1/7/2018) với chủ đề truyền thông “Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT tuyến cơ sở”, BHXH Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông BHYT, hướng người tham gia BHYT KCB tại tuyến y tế cơ sở để được chăm sóc sức khỏe kịp thời, giảm các chi phí hành chính; đồng thời, phối hợp với ngành Y tế nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ y tế tuyến cơ sở, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước thực hiện cấp thẻ BHYT điện tử...