Đảm bảo tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhằm tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước
Để hoàn thành công tác cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tại Việt Nam, trọng tâm là cổ phần hóa, thoái vốn theo chỉ đạo, phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty, DNNN triển khai 06 nội dung trọng tâm trong giai đoạn từ nay đến năm 2020.
Mục tiêu cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước
Về cơ bản, cổ phần hóa đã đạt được mục tiêu chuyển đổi các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần giữ 100% vốn, sang loại hình doanh nghiệp có nhiều chủ sở hữu để nâng cao năng lực tài chính. Qua đó, đạt được mục tiêu bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, nhà đầu tư và người lao động trong doanh nghiệp.
Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tiến hành cổ phần hóa thành công một số Tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, nhiều doanh nghiệp nhà nước (DNNN) quy mô lớn như: Tập đoàn Cao su Việt Nam, Tổng công ty Dầu Việt Nam, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam, Công ty TNHH MTV Lọc hóa Dầu Việt Nam... và nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích.
Cổ phần hóa đã đạt được mục tiêu chuyển đổi các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần giữ 100% vốn, sang loại hình doanh nghiệp có nhiều chủ sở hữu để nâng cao năng lực tài chính.
Bênh cạnh đó, công tác cổ phần hóa DNNN đã tác động tích cực tới sự phát triển của thị trường chứng khoán, thông qua việc bán đấu giá cổ phần và niêm yết trên thị trường chứng khoán. Đặc biệt, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và doanh nghiệp quy mô lớn được đẩy mạnh đã cung cấp cho thị trường chứng khoán hàng hóa có chất lượng, tác động mạnh mẽ đến phát triển thị trường vốn. Đồng thời, cổ phần hóa DNNN tăng cường tính công khai, minh bạch và kiểm soát của xã hội đối với hoạt động của doanh nghiệp.
Cổ phần hóa DNNN đã nâng cao quyền lợi chính đáng của người lao động. Thông qua cơ chế bán cổ phần ưu đãi, người lao động được tạo điều kiện để sở hữu cổ phần và trở thành cổ đông của công ty. Việc kiểm tra, giám sát của người lao động với tư cách là cổ đông làm cho hoạt động của công ty cổ phần được minh bạch, công khai, tạo điều kiện cho việc thực hiện quy chế dân chủ trong doanh nghiệp một cách thực chất hơn...
Từ đó, hầu hết các DNNN sau cổ phần hóa đều sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, nộp ngân sách và thu nhập của người lao động được nâng lên.
06 nội dung triển khai hiệu quả cơ cấu lại DNNN
Để hoàn thành công tác cơ cấu lại DNNN, theo Bộ Tài chính, cần tập trung trọng tâm vào công tác cổ phần hóa, thoái vốn theo chỉ đạo, phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 02/10/2017, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2019, Nghị quyết số 73/ND-CP ngày 23/9/2019 và Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 05/01/2019, trong giai đoạn từ nay đến 2020 đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty, DNNN triển khai một số nội dung sau:
Một là, các địa phương phối hợp với các cơ quan liên quan kịp thời, rà soát, cho ý kiến, phê duyệt Phương án sử dụng đất đối với các DNNN trực thuộc, các doanh nghiệp cổ phần hóa có đất đai trên địa bàn theo quy định tại Nghị định số 167/NĐ-CP và các văn bản có liên quan; chủ động tháo gỡ, khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn.
Hai là, cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước đôn đốc các doanh nghiệp đã cổ phần hóa: Thực hiện nghiêm việc đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán; bàn giao các doanh nghiệp thuộc diện phải bàn giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước theo đúng quy định của pháp luật; hoàn thành quyết toán công tác cổ phần hóa; xác định số phải nộp/tạm nộp và thực hiện nộp tiền thu từ cổ phần hóa theo quy định. Trong trường hợp không đảm bảo thời gian thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ, giải trình rõ nguyên nhân và chịu trách nhiệm về sự chậm trễ này.
Ba là, nâng cao vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN, gắn kết quả việc thực hiện sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN với việc đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu; đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật, tuân thủ nguyên tắc thị trường, không để xảy ra hiện tượng lợi ích nhóm trong việc triển khai cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN.
Bốn là, các bộ, ngành tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát tình hình triển khai thực hiện công tác cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Năm là, rà soát, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành các luật sửa đổi, bổ sung liên quan đến DNNN như: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; Luật Cán bộ, công chức; Luật Phá sản; Luật Xây dựng.
Sáu là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý về tổ chức quản lý và hoạt động của DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước về cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp theo chỉ đạo, phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.