Đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật

Bảo Thương

Tại phiên họp ngày 10/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Trong đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, tuy phải đảm bảo bám sát các vấn đề quan trọng, cấp bách, bức thiết, nhưng cũng phải đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Đề nghị bổ sung vào Chương trình năm 2023 đối với 13 dự án luật

Cụ thể, với Chương trình Kỳ họp thứ 5, đề nghị bổ sung trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua theo quy trình 1 kỳ họp đối với 2 dự án, dự thảo: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân và Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh. Đồng thời, trình Quốc hội cho ý kiến đối với 6 dự án: Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật Đường bộ; Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi).

Đồng thời, với Chương trình Kỳ họp thứ 6, bổ sung trình Quốc hội thông qua 6 dự án đã đề nghị cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 như trên; trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua theo quy trình 1 kỳ họp đối với 2 dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Đồng thời, trình Quốc hội cho ý kiến đối với 3 dự án: Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản và Luật Thủ đô (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đề nghị Chương trình năm 2024 gồm 14 dự án. Cụ thể, tại Kỳ họp thứ 7, trình Quốc hội thông qua 5 dự án, là các dự án Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6; trình Quốc hội cho ý kiến 7 dự án, bao gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật Công chứng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật Địa chất và Khoáng sản; Luật Phòng không nhân dân.

Tại Kỳ họp thứ 8, trình Quốc hội thông qua: 07 dự án, là các dự án được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7; trình Quốc hội cho ý kiến: 02 dự án (Luật Dân số (sửa đổi) và Luật Việc làm (sửa đổi).

Hạn chế tối đa ban hành các Nghị quyết sửa đổi quy định của pháp luật

Trình bày tóm tắt thẩm tra về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng khẳng định, khối lượng công tác lập pháp cần hoàn thành trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV theo Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 rất lớn, chưa kể còn có thể bổ sung các nhiệm vụ lập pháp mới theo yêu cầu tại các văn kiện của Đảng và để đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, nhưng thời gian còn lại của nhiệm kỳ sau khi Quốc hội thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 cơ bản chỉ còn năm 2025.

Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị các cơ quan tiếp tục nỗ lực tối đa, tập trung chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện thể chế, bảo đảm chất lượng, tiến độ các dự án được giao chủ trì, đề xuất sáng kiến, giải pháp để Quốc hội có thể cơ bản hoàn thành Chương trình công tác lập pháp của nhiệm kỳ, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cần tổng kết việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong thời gian qua để rút ra bài học và có điều chỉnh phù hợp. Thời gian qua, tuy có nhiều khó khăn, khối lượng công việc lớn, Quốc hội, UBTVQH đã có nỗ lực lớn để hoàn thành được nhiều công việc, nhiệm vụ quan trọng. Ủy ban Pháp luật và các cơ quan khác của Quốc hội cũng đã rất khẩn trương, tích cực trong triển khai nhiệm vụ. Nhờ đó, việc xây dựng pháp luật được tiến hành khẩn trương, đạt yêu cầu về cả chất lượng và tiến độ. Tiêu biểu như dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đang được đánh giá cao, hoàn thiện hơn nhiều so với khi trình tại Kỳ họp thứ 4.

Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng lưu ý, cần hạn chế tối đa việc ban hành các Nghị quyết sửa đổi quy định của pháp luật, tránh tình trạng vừa có Luật, vừa có một Nghị quyết tồn tại song song, dẫn đến tình trạng pháp luật bị phân tán. Tuy phải đảm bảo bám sát các vấn đề quan trọng, cấp bách, bức thiết, nhưng cũng phải đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.