Đảm bảo triệt để phân cấp, phân quyền cho cơ sở trong sửa đổi, bổ sung quy định về tài sản công

Gia Hân

Ngày 29/8, tại trụ sở Bộ Tài chính, Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) tổ chức Hội nghị lấy ý kiến nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (TSC).

Quang cảnh Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị.

Tập trung vào những vấn đề có tính chất cấp bách, tác động tức thì

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Tân Thịnh – Cục trưởng Cục Quản lý công sản cho biết, Luật Quản lý, sử dụng TSC số 15/2017/QH14 được Quốc hội khoá XIV thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018. Qua hơn 06 năm thực hiện, Luật Quản lý, sử dụng TSC và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật đã tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý, sử dụng TSC, góp phần thực hiện mục tiêu quản lý, sử dụng TSC tiết kiệm, hiệu quả, phòng, chống thất thoát, lãng phí TSC.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, do sự biến động nhanh, khó lường của kinh tế - chính trị thế giới tác động đến nền kinh tế Việt Nam nên yêu cầu về việc quản lý, sử dụng TSC cũng có sự thay đổi dẫn đến một số quy định tại Luật đã bộc lộ những điểm không còn phù hợp với bối cảnh mới, đặt ra yêu cầu cần phải được sửa đổi, bổ sung để đáp ứng với yêu cầu quản lý và khắc phục các vướng mắc nảy sinh trong thực tiễn.

Do đó, Bộ Tài chính đề xuất các nội dung sửa đổi bổ sung đối với Luật này và đã soạn dự thảo Luật xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương để hoàn thiện dự thảo trình cấp có thẩm quyền.

Cục trưởng Nguyễn Tân Thịnh cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Quản lý, sử dụng TSC sẽ tập trung vào những vấn đề có tính chất cấp bách nhất, tác động tức thì tới thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Trên cơ sở đó, lãnh đạo Cục Quản lý công sản cho biết, quan điểm sửa đổi, bổ sung lần này là tăng cường phân cấp, phân quyền triệt để, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng tính chủ động, tự chịu trách cho các đơn vị cơ sở thực hiện nhiệm vụ được giao. Bộ Tài chính chủ yếu xử lý các vấn đề liên bộ. Cùng với đó, gắn phân cấp phân quyền với tăng cường kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng.

Bên cạnh đó, sửa đổi, bổ sung các nội dung trong Luật phải đảm bảo kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật Quản lý, sử dụng TSC thời gian qua. Đặc biệt là tháo gỡ bất cập, chồng chéo trong hệ thống pháp luật liên quan đến quản lý, sử dụng TSC và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các pháp luật liên quan; bảo đảm khơi thông, sử dụng hiệu quả nguồn lực từ TSC cho phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục truởng Cục Quản lý công sản phát biểu tại Hội nghị.
Ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục truởng Cục Quản lý công sản phát biểu tại Hội nghị.

“Những nội dung dự kiến sửa đổi đã hợp lý chưa, mong các đồng chí đóng góp thêm về cơ sở pháp lý, thực tiễn để Bộ Tài chính tiếp thu, hoàn thiện dự thảo và báo cáo cấp có thẩm quyền. Đồng thời, các đồng chí cũng lưu ý thêm về vấn đề đánh giá tác động đối với những nội dung sửa đổi, bổ sung lần này", ông Nguyễn Tân Thịnh đề nghị.

Nghiên cứu thêm quy định về xác lập quyền sở hữu toàn dân

Nêu ý kiến tại Hội nghị, tán thành các nội dung tại dự thảo của Bộ Tài chính, đại diện Thanh tra Chính phủ cho biết, việc sửa đổi theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền triệt để cho cơ sở đảm bảo phù hợp và đồng bộ với các luật khác nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình quản lý, sử dụng TSC của các bộ, ngành trong thời gian qua.

Đại diện Thanh tra Chính phủ cho biết, theo quy định tại Luật hiện hành, thẩm quyền quyết định mua sắm TSC là HĐND tỉnh. Tại một số địa phương đã phân cấp rất mạnh, nên công tác mua sắm TSC gần như không gặp khó khăn. Tuy nhiên, đối với những địa phương do lo ngại trách nhiệm, nên việc mua sắm TSC chỉ phân cấp cho UBND tỉnh, mà “bỏ qua” cấp dưới. Do đó, nếu không đưa vào quy định tại Luật, thì các tỉnh sẽ không đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, hay nói cách khác, vấn đề phân cấp, phân quyền không được xử lý triệt để.

Cũng về nội dung phân cấp, phân quyền trong sửa đổi, bổ sung Luật, song ở góc độ khác, đại diện Bộ Y tế góp ý, nếu coi thuốc và vật tư tiêu hao là TSC, thì mọi quy trình mua sắm, quản lý và sử dụng… phải thực hiện đầy đủ theo các quy định của Luật Quản lý và sử dụng TSC. Điều này không chỉ khiến TSC rất ”nhỏ nhặt”, mà còn gây nhiều khó khăn cho các bệnh viện và cơ sở y tế.

Do vậy, nên bỏ thuốc và vật tư tiêu hao ra khỏi danh mục TSC, trường hợp vẫn đưa vào danh mục TSC, thì cần phải có điều chỉnh riêng, cụ thể. Bên cạnh đó, nếu như ở cấp địa phương, HĐND phân cấp trên cơ sở ban hành các nghị quyết, quyết định, vậy ở cấp bộ, bộ trưởng sẽ phân cấp, phân quyền dưới dạng quyết định, hay thông tư? 

Cũng theo Bộ Y tế, thực tế việc liên doanh, liên kết ở đơn vị sự nghiệp công lập là các bệnh viện sẽ giúp cho việc huy động nguồn lực trong đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng nhanh chóng, qua đó nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Tuy nhiên, một trong những vướng mắc hiện nay của các bệnh viện đó là có được dùng đất của bệnh viện vào liên doanh liên kết hay không? Do đó, dự thảo cần làm rõ nội dung này theo hướng cho phép đơn vị sự nghiệp công lập được dùng quyền sử dụng đất vào liên doanh, liên kết hay không?

Ngoài ra, đối với vấn đề xác lập quyền sở hữu toàn dân, đại diện Kho bạc Nhà nước cho biết, trước đây TSC của Nhà nước giao cho doanh nghiệp và được theo dõi trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp, sau đó tổng hợp vào báo cáo tài chính nhà nước để báo cáo Chính phủ. Tuy nhiên, sau khi doanh nghiệp cổ phần hóa, thì phần đất lại không được tính vào phần vốn của doanh nghiệp mà chuyển sang cho thuê. Quy định này khiến doanh nghiệp không thể tính được giá trị quyền sử dụng đất. Trong khi cũng chưa có quy định bàn giao cho cơ quan, đơn vị trong lĩnh vực nhà nước để quản lý giá trị đất, nên trong báo cáo tài chính nhà nước chưa phản ánh đầy đủ giá trị TSC. Theo Luật Quản lý, sử dụng TSC, thì TSC của Nhà nước đều được kế toán theo cả giá trị và hiện vật. Do đó, dự thảo cần phải nghiên cứu thêm nội dung này để Chính phủ điều hành TSC được chính xác.