Dân Trung Quốc chi tiêu khủng cho du lịch quốc tế

Theo Khánh Ly/Trí thức trẻ

Hiện chỉ có 5% người dân Trung Quốc có hộ chiếu, trong khi con số này của Mỹ là 40%, qua đó cho thấy hoạt động du lịch ra nước ngoài của người dân nước này vẫn còn có khả năng bùng nổ hơn nữa.

Nếu dư luận ở Mỹ quan tâm đến những vấn đề như giá thép và hàng hóa sản xuất giá rẻ, thì chủ đề kinh tế thực sự nổi trội ở Trung Quốc lại là sức chi tiêu tiêu dùng và dịch vụ. Ban đầu đây chỉ là một hiện tượng trong nước song giờ đây đã vượt ra khỏi biên giới quốc gia.

Theo Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hợp quốc, chi tiêu cho hoạt động du lịch ra nước ngoài (outbound) của người Trung Quốc đã tăng lên đến 261 tỷ USD trong năm 2016, tăng 12% so với năm 2015 và tăng gấp 11 lần con số ghi nhận 10 năm trước.

Cũng trong năm 2016, số du khách Trung Quốc đi du lịch nước ngoài đã tăng 6% lên 135 triệu người. Những con số thống kê ấn tượng này đã củng cố vị trí số một thế giới của Trung Quốc từ năm 2012 đến nay trong hoạt động du lịch nước ngoài.

Dân Trung Quốc chi tiêu khủng cho du lịch quốc tế - Ảnh 1

Vậy sự bùng nổ này do đâu mà có? Cũng như nhiều sự thay đổi khác diễn ra trên đất nước này, chúng ta có thể lần tìm về những năm 1980 khi Đặng Tiểu Bình mở cửa nền kinh tế Trung Quốc. Thế nhưng phải đến năm 1995 khi Bắc Kinh khởi xướng chương trình Điểm đến được cấp phép (Approved Destination Status - ADS) thì hoạt động du lịch ra nước ngoài mới thực sự khởi sắc. Chương trình này cấp phép cho tổ chức các tour đến một số ít nước nhưng số lượng đang ngày càng tăng lên.

Ngành du lịch outbound của Trung Quốc được chia làm ba giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất, từ giữa những năm 1980 đến đầu những năm 1990, hoạt động du lịch nước ngoài diễn ra nhỏ giọt và chỉ được thực hiện dưới hình thức các chuyên thăm thân đến một vài quốc gia láng giềng châu Á. Bên cạnh đó, các cán bộ đi công tác do chính phủ hoặc công ty chi trả và các học giả hay đại biểu tham dự hội thảo đi giao lưu văn hóa cũng được cho phép xuất ngoại.

Giai đoạn tiếp theo, từ giữa những năm 1990 đến năm 2010, theo chính sách ADS, nhiều công ty du lịch được cấp phép đã tổ chức các tour du lịch nhóm tự chi trả trọn gói và thường đến nhiều địa điểm khác nhau. Giai đoạn này chỉ dừng lại ở những chuyến viếng thăm "cưỡi ngựa xem hoa" với những hoạt động như tham quan các thành phố mang tính biểu tượng, chụp ảnh, mua quà lưu niệm cho gia đình và bạn bè. Ngoài ra, du khách vẫn chưa có nhiều sự tương tác với cuộc sống ở nước bản địa, do mức thu nhập thấp, lịch trình tour cứng nhắc và dày đặc, rào cản ngôn ngữ và thiếu kinh nghiệm du lịch nước ngoài.

Giai đoạn cuối cùng, từ năm 2010 đến nay, thu nhập và kinh nghiệm du lịch cải thiện, các quy định về visa dễ thở hơn và những nỗ lực quảng bá của các nước đã khiến cho mọi việc "thuận buồm xuôi gió" hơn nhiều. Thêm vào đó, giai đoạn này còn có hình thức du lịch tự túc và những điểm đến độc lạ với các trải nghiệm đi sâu vào cuộc sống bản địa.

Du khách Trung Quốc đã để lại dấu chân mình trên khắp Đông Nam Á, châu Phi, Bắc Mỹ, Nam Mỹ và thậm chí là cả hai cực. Du lịch tự túc là hình thức ưa chuộng của giới trẻ, những người không chỉ quan tâm đến việc tham quan, mua sắm mà còn thích thú với việc học hỏi về lịch sử và trải nghiệm văn hóa bản địa.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày càng khuyến khích hoạt động du lịch outbound vì đây là một cách để lan toả quyền lực mềm của Bắc Kinh ra thế giới. Giới chức Trung Quốc còn được cho là thao túng luồng khách du lịch đến các nước dựa trên mức độ thân sơ trong quan hệ chính trị. Bao giờ cũng thế, thu nhập của người dân Trung Quốc gia tăng đồng nghĩa với việc họ sẽ chi tiêu nhiều hơn trong mỗi chuyến du lịch của mình.

Sự bùng nổ trong hoạt động du lịch ra nước ngoài của Trung Quốc chỉ mới bắt đầu. Giới đầu tư nên "nhắm" những điểm đến, các ngành và doanh nghiệp có khả năng thu hút du khách Trung Quốc. Các chuỗi khách sạn đa quốc gia như Marriott, các công ty du lịch trực tuyến như Ctrip, các hãng hàng không và các hệ thống bán lẻ hàng hiệu cao cấp của nước ngoài đều cần phải tận dụng xu hướng này.

Hoạt động du lịch ra nước ngoài của Trung Quốc sẽ kéo theo hoạt động tiêu dùng và đầu tư ra nước ngoài, qua đó góp phần tạo công ăn việc làm tại nước sở tại. Theo CEO của Ctrip, "ông lớn" dịch vụ du lịch trưc tuyến này là lựa chọn của khoảng 15 triệu du khách Trung Quốc đi du lịch nước ngoài mỗi năm. Hoạt động du lịch nước ngoài của người Trung Quốc đã tạo ra đến 100 triệu việc làm trên toàn thế giới và gây được tiếng vang lớn nhất là ở các nước nhỏ như Campuchia.

Dù giới đầu tư có hoài nghi các số liệu kinh tế chính thức của Trung Quốc thì cuộc sống ngày càng khá giả của người dân nơi đây đã được thể hiện ở sự bùng nổ trong hoạt động du lịch nước ngoài. Và đây cũng là cách mà Trung Quốc đang "diễu võ giương oai" với bạn bè quốc tế.