Biểu tượng mới của nền kinh tế Trung Quốc là ai?

Theo Trung Mến/bizlive.vn

Hình ảnh người đàn ông vận chuyển hàng (kuadi worker) có thể coi như biểu tượng mới của nền kinh tế tiêu dùng Trung Quốc.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Đối với Pan Yebei, người đàn ông làm việc 14 tiếng mỗi ngày kể cả cuối tuần, kể cả khi thời tiết ấm áp hay giá rét, sau đó trở về sống trên căn hộ gác xép trong một nhà hàng bỏ hoang, cuộc sống luôn đáng để lạc quan dù anh còn nhiều vất vả, lo lắng.
Một ngày làm việc bình thường của anh Pan thường bắt đầu từ sáng sớm, anh đứng trong khuôn viên một trường đại học ở Trung Quốc, phát hàng cho sinh viên và sau đó nhận hàng để chở đi nơi khác. 
Anh là một trong hàng chục nghìn những người vận chuyển hàng ở Trung Quốc, chính những người như anh đã góp phần mang lại cuộc cách mạng trong ngành vận chuyển Trung Quốc, ngành góp phần cực kỳ quan trọng giúp thương mại điện tử phát triển bùng nổ.
Anh Pan luôn chào đón khách hàng với nụ cười rạng rỡ khi họ đến lấy hàng hoặc nhờ anh chuyển h àng. Phần lớn những món hàng được chuyển đi là hàng khách mua trên mạng nhưng sau đó chán và trả lại.
Suốt ba thập kỷ tăng trưởng kinh tế trước đây, biểu tượng của kinh tế Trung Quốc luôn là hình ảnh người công nhân nhập cư đứng bên băng chuyền thì nay hình ảnh người đàn ông vận chuyển hàng (kuadi worker) có thể coi như biểu tượng mới của nền kinh tế tiêu dùng Trung Quốc. 
Nhà sáng lập của bốn công ty vận chuyển hàng hóa lớn nhất tại Trung Quốc bao gồm STO Express, YTO Express, ZTO Express và Yunda Holding đều là bạn với nhau từ thời niên thiếu tại một khu vực hẻo lánh thuộc tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc nơi phần lớn người dân chủ yếu đi bộ và đi xe đạp. 
Được thành lập vào khoảng thập niên 1990, hoạt động kinh doanh của những công ty này tăng trưởng nhanh chóng bởi họ có thể vận chuyển hàng hóa nhanh hơn Bưu cục Trung Quốc, công ty thuộc chính phủ Trung Quốc vốn hoạt động chậm chạp, lằng nhằng. 
Từ cuối năm 2015 đến nay, lần lượt cả bốn công ty trên đều đã lần lượt niêm yết cổ phiếu, và tất nhiên, những nhà sáng lập cũng kiếm được bộn tiền. Giờ đây, khắp nơi trên đất nước Trung Quốc, người ta có thể nhìn thấy những người làm nghề vận chuyển hàng, thế nhưng họ tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn nơi tỷ lệ tiêu dùng cao nhất.
Sau khi bỏ học vào năm 16 tuổi, anh Pan rời quê hương tại một ngôi làng nghèo khó thuộc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc và sau đó đến Tây Tạng học nghề sửa chữa ô tô. Tuy nhiên, anh tự cảm thấy mình không thích hợp với công việc này, sau đó anh bắt tàu lên Bắc Kinh tìm việc. Anh làm việc cho một công ty vận chuyển nhỏ rồi sau đó chuyển sang làm cho một trong những công ty vận chuyển lớn nhất Trung Quốc. 
Khi được hỏi tại sao công ty lại sắp xếp cho anh đứng trong khuôn viên trường đại học chứ không phải gần các khu vực doanh nghiệp bởi người đi làm có nhiều tiền để chi tiêu hơn. Anh nói: “Thực ra thời buổi này ai cũng có tiền. Cha mẹ họ cho họ tiền.”
Anh Pan hiện đang có cuộc sống khá vất vả. Anh và nhiều người nhập cư nghèo khó khác nằm trong tâm điểm của chiến dịch ngăn chặn tình trạng cư trú trái phép của chính quyền thành phố Bắc Kinh. Đồng thời, chính quyền cũng không muốn thành phố Bắc Kinh bị tăng dân số cơ học quá cao, đến năm 2020 chỉ duy trì ở mức 23 triệu. 
Khi mà chính quyền tăng cường kiểm tra những người cư trú trái phép như anh Pan, số lượng những người giống như anh giảm nhanh chóng. Trong năm ngoái dân số thành phố Bắc Kinh giảm 22 nghìn người xuống 21,77 triệu, và như vậy ghi nhận lần giảm đầu tiên trong 17 năm. Cục thống kê quốc gia khẳng định những thành phố như Bắc Kinh đang ngày một kém hấp dẫn trong mắt người nhập cư.
Nơi Pan ở bị cắt điện mất hai ngày, cuối cùng không chịu nổi giá rét, anh đã phải nhờ người khác cho ở nhờ. May mắn đã mỉm cười với Pan khi một người cùng quê chấp nhận cho anh đến ở. Nhưng còn rất nhiều người nhập cư khác không may mắn như thế. 
Những gì diễn ra trong cuộc đời của Pan cho thấy những xu thế đang định hình cuộc sống và thương mại điện tử ở Trung Quốc hiện nay. Trong số những khách hàng mà anh Pan hay tiếp xúc hàng ngày, chẳng có ai trả tiền bằng thẻ tín dụng hay tiền mặt. Họ thanh toán bằng cách quét mã QR lên thiết bị gắn với xe của Pan.
Và cũng có nhiều sinh viên tặng Pan thêm tiền dù anh kiên quyết từ chối, họ vẫn chuyển vào tài khoản vì thế Pan đành phải nhận. Việc người tiêu dùng có toàn quyền lựa chọn món hàng họ mua, rồi sau đó dễ dàng trả lại nếu không muốn cho thấy những mô hình kinh doanh mới đang phát triển ở Trung Quốc.