Đăng ký ngành nghề kinh doanh cho chi nhánh thế nào?

Theo Chinhphu.vn

Công ty TNHH De Heus (TP. Hồ Chí Minh) đề nghị cơ quan chức năng giải đáp một số nội dung liên quan đến việc đăng ký ngành, nghề kinh doanh cho chi nhánh Công ty tại TP. Hải Phòng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Công ty TNHH De Heus đã có Giấy chứng nhận doanh nghiệp và được đăng ký ngành nghề mã số 1080; 4620; 4632; 4653; 7730; 7210; 0146; 0145; 0322; 0323...

Công ty cũng đã có Giấy phép kinh doanh thực hiện quyền phân phối đối với các hàng hóa được liệt kê trong ngành nghề nêu trên.

Căn cứ Khoản 1, Điều 45 Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13, Công ty đã nộp hồ sơ để đăng ký các ngành nghề này cho chi nhánh Hải Phòng tại Phòng Đăng ký kinh doanh thành phố Hải Phòng. Tuy nhiên, Phòng Đăng ký kinh doanh đưa ra lý do: "Chờ ý kiến tham vấn của Bộ Công Thương về việc bổ sung ngành, nghề phân phối hàng hóa cho chi nhánh Hải Phòng".

Công ty TNHH De Heus hỏi, theo quy định, hồ sơ của Công ty có cần chờ ý kiến tham vấn của Bộ Công Thương hay không?

Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến như sau:

Khoản 1, Điều 45 Luật Doanh nghiệp quy định: “Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp kể cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp”.

Hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hoạt động chi nhánh quy định tại Điều 48 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp.

Khoản 8, Điều 7 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP quy định: “Doanh nghiệp được quyền kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện kể từ khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và phải bảo đảm đáp ứng các điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động”.

Ngày 15/1/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 09/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại và Luật Quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, thay thế Nghị định số 23/2007/NĐ-CP. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/1/2018.

Thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh để thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện theo quy định tại Nghị định số 09/2018/NĐ-CP nêu trên.