Doanh nghiệp nước ngoài:

Hoạt động giám định thương mại tại Việt Nam cần điều kiện gì?

Công ty Luật PLF

(Taichinh) - Doanh nghiệp nước ngoài chỉ được thực hiện dịch vụ giám định khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về đầu tư tại Việt Nam phù hợp với cam kết tại các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Ảnh minh họa. Nguồn: plf.vn
Ảnh minh họa. Nguồn: plf.vn

Doanh nghiệp nước ngoài có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và được cấp giấy chứng nhận đầu tư với ngành nghề dịch vụ giám định thương mại mới được phép thực hiện dịch vụ giám định và cấp chứng thư giám định. Cụ thể như sau:

- Doanh nghiệp nước ngoài được thành lập theo quy định của pháp luật;

- Có giám định viên đủ tiêu chuẩn theo quy định;

- Có khả năng thực hiện quy trình, phương pháp giám định hàng hoá, dịch vụ theo quy định của pháp luật, tiêu chuẩn quốc tế hoặc đã được các nước áp dụng một cách phổ biến trong giám định hàng hoá, dịch vụ đó.

Doanh nghiệp nước ngoài cần lưu ý các giám định viên phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn như sau:

- Có trình độ đại học hoặc cao đẳng phù hợp với yêu cầu của lĩnh vực giám định;

- Có chứng chỉ chuyên môn về lĩnh vực giám định trong trường hợp pháp luật quy định phải có chứng chỉ chuyên môn;

- Có ít nhất 3 năm công tác trong lĩnh vực giám định hàng hoá, dịch vụ.

Hiện nay, theo Biểu cam kết dịch vụ WTO, ViệtNamchỉ cam kết với WTO về dịch vụ phân tích và kiểm tra kỹ thuật (mã CPC 8676), trong đó có dịch vụ giám định kỹ thuật (mã CPC 86864). Cũng theo Biểu cam kết này, đối với dịch vụ giám định hàng hóa thì hạn chế về vốn đã bị bãi bỏ.

Bên cạnh đó, tại Biểu cam kết dịch vụ WTO và hệ thống mã ngành kinh tế Việt Nam không có quy định về dịch vụ giám định thương mại cũng như không có mã CPC, mã ngành nghề tương ứng đối với dịch vụ này.

Trong quá trình đăng ký, Doanh nghiệp nước ngoài cần giải trình, làm rõ về phạm vi thực hiện dịch vụ, đối tượng hàng hóa giám định, phương thức triển khai dịch vụ giám định và khả năng đáp ứng các điều kiện kinh doanh dịch vụ theo quy định pháp luật chuyên ngành. Đối với một số mặt hàng cụ thể, doanh nghiệp phải xin ý kiến của Bộ Công thương và Bộ Khoa học và Công nghệ.

Sau khi thành lập, Doanh nghiệp nước ngoài chỉ được cung cấp dịch vụ giám định trong các lĩnh vực giám định khi có đủ các điều kiện quy định. Doanh nghiệp nước ngoài phải đăng ký con dấu nghiệp vụ sử dụng trong chứng thư giám định với Sở Công thương nơi thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định đăng ký kinh doanh.

Nếu Doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh dịch vụ giám định khi chưa đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật hoăc cung cấp dịch vụ giám định ngoài lĩnh vực đã đăng ký trong Giấy phép đầu tư thì sẽ tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.