Đằng sau con số 60 tỷ USD bị rút khỏi các ngân hàng nhỏ của Mỹ quý đầu năm


Tình trạng tiền gửi bị rút mạnh có nguyên nhân trực tiếp từ vụ việc sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank và 2 ngân hàng cho vay khác.

Ảnh: LaTimes
Ảnh: LaTimes

Những tổ chức tài chính lớn của Mỹ bao gồm Charles Schwab, State Street và M&T đã phải chứng kiến tình trạng rút mạnh tiền gửi trong quý 1/2023, tổng số tiền bị người dân và doanh nghiệp rút ra khỏi nhóm ba ngân hàng này ước tính khoảng 60 tỷ USD.

Theo Financial Times, tình trạng tiền gửi bị rút mạnh có nguyên nhân trực tiếp từ vụ việc sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank và 2 ngân hàng cho vay khác. Tiền mặt bị chuyển ra khỏi các tài khoản ngân hàng ở tốc độ chưa từng thấy tính từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Hệ thống ngân hàng truyền thống của Mỹ hiện đang đương đầu với thêm nhiều áp lực về vấn đề tiền gửi khi mà vào ngày thứ Hai tuần này, Apple và Goldman Sachs đã thông báo về việc sẽ có loại tài khoản tiết kiệm mới tại Mỹ, người nhận tiền sẽ được hưởng lãi suất cao lên đên 4,15%/năm.

Từ trước đó, người gửi tiền tại Mỹ đã không ngừng rút tiền khỏi tài khoản ngân hàng lợi suất thấp và đổ tiền vào các sản phẩm thay thế ví như quỹ tiền tệ hay tín phiếu Bộ Tài chính Mỹ vốn mang lại lợi suất cao hơn.

Bằng cách này, họ cũng tận dụng được lợi thế kiếm tiền khi mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) không ngừng nâng lãi suất cơ bản đồng USD. Lãi suất tiền gửi tiết kiệm trong tài khoản ngân hàng của Mỹ ước tính chỉ khoảng 0,37%, theo số liệu của chính phủ Mỹ. Trong khi đó lãi suất cơ bản đồng USD của Fed ở mức khoảng từ 4,75% cho đến 5%.

Vào ngày thứ Hai, ngân hàng Schwab công bố tổng tiền gửi tại ngân hàng giảm ước tính khoảng 11% tương đương khoảng 41 tỷ USD trong quý đầu tiên và 30% so với cùng kỳ năm xuống còn 325,7 tỷ USD. Tổng tiền gửi tại ngân hàng State Street giảm 5% trong quý 1/2023 xuống còn 224 tỷ USD, mức giảm sâu hơn so với kỳ vọng.

Tổng tiền gửi tại ngân hàng M&T giảm 3% từ mức 163,5 tỷ USD ở thời điểm cuối năm 2022 xuống còn 159,1 tỷ USD.

Thông tin chi tiết về biến động tiền gửi của các ngân hàng sẽ được công bố trong báo cáo kết quả kinh doanh chuẩn bị được các ngân hàng đưa ra. Nó sẽ cho thấy bức tranh đầy đủ về những thiệt hại gây ra bởi vụ việc ngân hàng SVB và nhiều ngân hàng cho vay khác.

Trong tuần trước, một số ngân hàng lớn nhất Mỹ bao gồm JP Morgan Chase, Wells Fargo và Citigroup thông báo họ đã thu về hàng tỷ USD tiền gửi từ các khách hàng rời khỏi các ngân hàng quy mô nhỏ và trung bình sau vụ việc của ngân hàng SVB.

Cổ phiếu của State Street giảm hơn 9% trên thị trường New York sau khi công bố lợi nhuận quý thấp hơn kỳ vọng của các chuyên gia, các khoản phí thu về sụt giảm bởi lượng tài sản họ quản lý theo diện đầu tư giảm đi.

CEO của ngân hàng State Street, ông Ron O’Hanley, cho biết việc cổ phiếu ngân hàng sụt giảm sâu cho thấy sự nhạy cảm của nhà đầu tư bởi có quá nhiều biến động liên quan đến tiền gửi trong thời gian qua.

Ngân hàng Schwab công bố lợi nhuận cao hơn kỳ vọng, tuy nhiên ngừng mua lại cổ phiếu.

Theo New York Times, mùa công bố kết quả kinh doanh của các ngân hàng Mỹ năm nay, ngân hàng quy mô lớn hơn sẽ có lợi hơn.

Việc tiền gửi tháo chạy khỏi ngân hàng Silicon Valley Bank và Signature Bank đã gây tổn hại đến các ngân hàng nhỏ nhiều hơn so với các ngân hàng lớn, nó lấy đi nguồn tín dụng chi phí thấp đã giúp mang đến lợi nhuận của các ngân hàng trong nhiều năm gần đây, theo nội dung bài báo mới được Wall Street Journal đăng tải.

Ngay cả trước khi ngành ngân hàng Mỹ chứng kiến những biến động tiêu cực trong thời gian vừa qua, các ngân hàng cũng đã đẩy một phần lãi suất cao sang khách hàng của họ. Giờ đây, việc tín dụng suy giảm nhiều khả năng sẽ gây tổn hại hơn nữa đến lợi nhuận các ngân hàng, cùng lúc đó, việc các ngân hàng thua lỗ với danh mục đầu tư trái phiếu sẽ có thể hạn chế khả năng của họ trong việc mang đến lợi nhuận cho các cổ đông.

Các chuyên gia phân tích tại ngân hàng Morgan Stanley hiện đã hạ dự báo lợi nhuận của 13 ngân hàng lớn nhất Mỹ ước tính khoảng 4% trong năm 2023 và 15% trong năm 2024. Đối với các ngân hàng quy mô trung bình, triển vọng thậm chí còn xấu hơn: Morgan Stanley hạ dự báo lợi nhuận trung bình giảm lần lượt 17% với năm 2023 và 27% so với năm 2024.

Mùa công bố kết quả kinh doanh hiện tại là một trong những mùa tiềm ẩn nhiều thách thức nhất với nhóm các ngân hàng quy mô trung bình của Mỹ tính từ khủng hoảng tài chính năm 2008 bởi đã có quá nhiều yếu tố diễn biến bất thường và rủi ro, theo chuyên gia phân tích tại Everscore ISI công bố trong nghiên cứu vào tuần trước.

Theo Ngọc Diệp/thoidai.com.vn