Đánh giá hiệu quả kinh tế từ khai thác cá ngừ đại dương tại tỉnh Phú Yên
Phát triển, bảo vệ và khai thác nguồn tài nguyên từ biển trở thành xu thế tất yếu trên con đường phát triển kinh tế của các quốc gia có biển. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Trong những năm qua, kinh tế biển đã trở thành nguồn lực kinh tế quan trọng của đất nước nói chung và của tỉnh Phú Yên nói riêng. Khai thác nguồn lực từ biển để phát triển kinh tế - xã hội rất rộng lớn, bài viết phân tích làm rõ ý nghĩa, kết quả và những hạn chế còn tồn tại trong phát triển kinh tế biển từ nghề câu cá ngừ đại dương tại tỉnh Phú Yên, từ đó đề xuất một số gợi ý khắc phục hạn chế còn tồn tại…
Ở tỉnh Phú Yên nói riêng và ở Việt Nam nói chung, nghề khai thác cá ngừ đại dương phát triển từ sau năm 1975, hiện nay vẫn giữ vai trò quan trọng trong cơ cấu ngành khai thác thủy sản, đóng góp quan trọng về mặt kinh tế, xã hội. Tuy vậy, so với các nước: Mỹ, Nhật, Nga, Na Uy... nhìn chung về công nghệ đánh bắt cũng như công nghệ bảo quản sau thu hoạch của Việt Nam còn lạc hậu, trình độ khai thác thấp, giá thành cao... dẫn đến hiệu quả của nghề khai thác cá ngừ ở nước ta nói chung thấp hơn các nước. Bài viết đánh giá hiệu quả khai thác và trên cơ sở đó đề xuất giải pháp góp phần làm tăng hiệu quả khai thác cá ngừ đại dương cho tỉnh Phú Yên trong thời gian tới.
Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp thu thập thông tin
- Về thông tin sơ cấp: Những thông tin như năng suất, giá bán sỉ lẻ, chi phí của mỗi chuyến khai thác, thu nhập của lao động... được thu thập bằng cách phỏng vấn trực tiếp 80 chủ tàu với các mức công suất khác nhau.
- Về thông tin thứ cấp: Những thông tin như hiện trạng khai thác, số lượng tàu thuyền, số lượng lao động, sản lượng khai thác, chi phí khai thác qua các năm được thu thập tại Chi cục Thủy Sản, Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, các báo cáo của Chi cục Thủy sản và báo cáo của Hiệp hội cá ngừ tỉnh Phú Yên.
Phương pháp đánh giá hiệu quả khai thác
Hiệu quả kinh tế được đánh giá thông qua các chỉ tiêu sau:
- Giá trị khai thác = sản lượng khai thác x đơn giá bán
- Lợi nhuận = tổng doanh thu – tổng chi phí
- Hiệu quả sử dụng vốn = lợi nhuận/tổng chi phí
Xét về khía cạnh môi trường, hiệu quả môi trường là việc đảm bảo chất lượng vùng biển không bị ô nhiễm, không làm suy giảm nguồn lợi thủy sản, hay giảm đa dạng sinh vật biển, đảm bảo phát triển bền vững.
Hiệu quả xã hội của hoạt động khai thác cá ngừ đại dương được đánh giá thông qua hai chỉ tiêu cơ bản là số lao động được giải quyết việc làm và thu nhập mang lại cho người lao động.
Kết quả nghiên cứu và thảo luận
Về hiệu quả kinh tế
- Giá trị sản xuất: Bảng 1 cho thấy, sản lượng khai thác cá ngừ năm 2015 đến 2017 khá ổn định, có sự gia tăng giá trị sản xuất trong thời gian này là do tăng giá. Bên cạnh đó, giá trị sản xuất mỗi tàu cũng tăng dần qua các năm do giá tăng và sản lượng khai thác bình quân mỗi tàu cũng tăng lên.
- Về lợi nhuận: Trong khi số tàu có xu hướng giảm xuống, tổng lợi nhuận và lợi nhuận bình quân cho mỗi tàu lại tăng theo thời gian. Tuy nhiên, vì công suất tàu cũng có xu hướng tăng theo trong năm 2015 – 2017, nên chi phí sản xuất bình quân mỗi tàu cũng tăng lên. Điều này chưa khẳng định được mỗi tàu khai thác có hiệu quả hơn hay không. Cần xem xét rõ hơn thông qua chỉ tiêu hiệu suất sử dụng vốn.
- Về hiệu suất sử dụng vốn: Mặc dù, lợi nhuận và giá trị sản xuất đều tăng từ năm 2015-2017, hiệu suất sử dụng vốn năm 2016 tăng so với năm 2015 nhưng đến năm 2017 lại giảm so với năm 2015 và 2016. Điều này là do có sự thay đổi đáng kể trong chi phí sản xuất, cụ thể là năm 2016 giá dầu giảm gần 1.000 đồng/lít so với năm 2015, tuy nhiên, đến năm 2017, giá dầu lại tăng khoảng 4.270 đồng/lít so với 2016. Trong khi đó, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng hơn một nửa tổng chi phí khai thác của tàu cá. Mặc dù vậy với hiệu suất sử dụng vốn (Bảng 3) cho thấy, sản xuất, khai thác cá ngừ là một ngành có khả năng sinh lời khá cao.
Về hiệu quả xã hội
Khai thác cá ngừ đại dương có đóng góp đáng kể trong việc giải quyết việc làm và thu nhập cho người lao động. Tính đến năm 2017, tỉnh Phú Yên có khoảng 5.200 lao động làm việc trong nghề khai thác cá ngừ đại dương. Thu nhập mang lại tuy chưa cao nhưng cũng đảm bảo được nhu cầu đời sống cho người lao động. Bên cạnh đó, sản xuất, khai thác cá ngừ cũng góp phần thúc đẩy một số ngành khác phát triển như công nghiệp đóng tàu, ngành xuất khẩu, chế biến thủy sản, góp phần tăng hiệu quả xã hội.
Về hiệu quả môi trường
Năm 2017, ở Phú Yên có 56 tàu khai thác cá ngừ bằng lưới rê, đây là con số khá hạn chế nên mức độ ảnh hưởng của loại công cụ này đối với nguồn lợi thủy sản là không quá nhiều. Bên cạnh đó, việc khai thác cá ngừ ở nước ta hiện nay được tiến hành ngoài khơi xa, không gây ô nhiễm môi trường đáng kể. Tuy nhiên, với tốc độ khai thác như hiện nay, có thể dẫn tới cạn kiệt nguồn lợi trong tương lai. Đây là tình trạng chung của ngành khai thác thủy sản trên toàn thế giới, do vậy trong thời gian tới cần kiểm soát chặt chẽ hơn đối với việc khai thác cá ngừ nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững. Điều này cũng đã được Chính phủ nêu rõ trong khoản 1 và khoản 2 Điều 43 Nghị định số 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản 2017, trong đó quy định vùng đánh bắt theo kích cỡ tàu và theo điều kiện đăng kiểm của địa phương. Như vậy, khi nói đến vấn đề hiệu quả môi trường của nghề khai thác cá ngừ đại dương thì nguy cơ cạn kiệt nguồn lợi là điều đáng lo ngại nhất.
Kết luận và một số gợi ý chính sách
Kết quả nghiên cứu trên cho thấy, hiệu quả của việc khai thác cá ngừ ở Phú Yên nhìn chung khá tốt. Dấu hiệu rõ nhất là hiệu suất sử dụng vốn khá cao, bên cạnh đó là đóng góp lớn về mặt xã hội. Việc khai thác cá ngừ hiện nay không gây tác hại nghiêm trọng tới môi trường nhưng cần chú ý sử dụng công cụ khai thác và giới hạn sản lượng khai thác để đảm bảo không gây cạn kiệt nguồn lợi. Tuy nhiên, so với một số quốc gia, hiệu quả khai thác cá ngừ đại dương ở Việt Nam còn thấp, nguyên nhân là: Kích thước tàu thuyền nhỏ, công suất thấp; Hầu hết do ngư dân chuyển đổi từ nhiều nghề khai thác khác nhau sang nghề khai thác cá ngừ nên trang thiết bị thiếu đồng bộ, chắp vá, khả năng chịu đựng sóng gió của tàu thuyền thấp nên rất khó khăn trong việc khai thác cá vụ Bắc; Các tàu chỉ mới khai thác được cá ngừ ở tầng mặt, chưa có điều kiện để tìm hiểu khai thác ở những vùng nước tầng sâu.
Bên cạnh đó, việc bảo quản sản phẩm còn thô sơ (chủ yếu bằng đá xay), cộng với thời gian trung bình mỗi chuyến đi biển dài ngày. Công tác dự báo ngư trường còn nhiều hạn chế, làm cho sản lượng và chất lượng sản phẩm sau thu hoạch thường bị giảm sút. Hoạt động tiêu thụ cá ngừ hiện nay thường không ổn định về nhiều mặt như giá cả, khách hàng, chưa có tổ chức có tư cách pháp nhân để đại diện và bảo vệ quyền lợi cho ngư dân.
Về cơ sở hạ tầng, cơ sở cung cấp dịch vụ đá lạnh, xăng dầu còn nhỏ lẻ, manh mún. Cảng cá quy mô quá nhỏ, trang thiết bị xếp dỡ còn thủ công lạc hậu, luồng lạch có độ sâu hạn chế gây khó khăn cho việc xuất bến, cập bến. Bên cạnh đó, giá trị sản phẩm tiêu thụ còn thấp do chưa có thương hiệu, nhãn hiệu đặc trưng của sản phẩm. Tình hình an ninh an toàn trên biển còn nhiều phức tạp, công tác tuyên truyền chủ quyền còn hạn chế. Việc hợp tác, mở rộng ngư trường khai thác ra vùng biển quốc tế chưa được quan tâm đúng mức, điều này làm hạn chế đáng kể sản lượng khai thác.
Để nâng cao hiệu quả khai thác cá ngừ đại dương của tỉnh Phú Yên nói riêng và của Việt Nam nói chung, thời gian tới, cần chú trong một số nội dung sau:
Về tổ chức, cơ chế chính sách
Tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến tiêu thụ ở tất cả các lĩnh vực và đối tượng sản phẩm, nhằm nâng cao chất lượng và tăng giá trị sản phẩm của cá ngừ Việt Nam. Nâng cao chất lượng hoạt động dự báo ngư trường để xác định chính xác vùng đánh bắt, phương pháp, công cụ đánh bắt, bên cạnh đó tổ chức tổ đội sản xuất trên biển, liên kết chặt chẽ trong việc phòng chống bão; cứu hộ cứu nạn; chủ động tích cực tham gia phối hợp với bộ đội hải quân, biên phòng, cảnh sát biển trong bảo vệ quốc phòng an ninh trên biển.
Quy hoạch lại đội tàu khai thác, kiểm soát cả về số lượng, chất lượng, phương tiện, đồng bộ hóa kích cỡ tàu và đảm bảo khả năng khai thác xa khơi, cả tầng biển sâu và kể cả trong điều kiện thời tiết không thuận lợi... nhằm nâng cao hiệu quả khai thác và đảm bảo sự phát triển bền vững. Tăng cường công tác quản lý đăng ký đăng kiểm đảm bảo an toàn cho người và tàu cá tham gia khai thác thủy sản.
Nhà nước và địa phương cần tăng cường hỗ trợ kinh phí, tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ, kỹ thuật nghiệp vụ về đánh bắt, bảo quản và các kiến thức an toàn trên biển cho ngư dân; Đồng thời, tích cực hơn nữa trong công tác xây dựng thương hiệu đặc trưng của cá ngừ Phú Yên để nâng cao giá trị sản phẩm; Nâng cấp phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần nghề cá.
Về khoa học công nghệ
Tăng cường hợp tác quốc tế về đổi mới công nghệ, kỹ thuật trong khai thác và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch. Tổ chức điều tra, thống kê thường xuyên về số lượng tàu khai thác, số lao động khai thác, dự báo nguồn lợi, dự báo ngư trường... để có cơ sở khoa học nhằm đánh giá một cách trung thực nghề khai thác cá ngừ của tỉnh Phú Yên làm cơ sở tham mưu cho các cấp chính quyền, cơ quan quản lý thủy sản hoạch định chính sách quản lý nghề khai thác cá ngừ trong thời gian tới.
Tài liệu tham khảo:
1. Chính phủ, Nghị định số 26/2019/NĐ-CP về quy định chi tiết một số điều về biện pháp thi hành luật thủy sản 2017;
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Báo cáo ngành Thủy sản Việt Nam năm 2018;
3. Báo cáo cá ngừ tỉnh Phú Yên năm 2015, 2016, 2017;
4. Nguyễn Long (2007), Nghiên cứu cải tiến và ứng dụng công nghệ mới trong nghề câu cá ngừ đại dương ở vùng biển miền Trung và Đông Nam Bộ;
5. Nguyễn Long (2009), Kết quả nghiên cứu bước đầu về khai thác cá ngừ đại dương giống phục vụ nuôi thương phẩm.