Đánh giá khả năng chống chịu của doanh nghiệp Việt Nam trước cú sốc trong và ngoài nước


Khả năng chống chịu về tài chính của một doanh nghiệp là khả năng doanh nghiệp (DN) có thể giảm thiểu được tác động, ảnh hưởng từ các sự kiện/cú sốc đến cấu trúc vốn, tính thanh khoản, doanh thu và tài sản của DN (Deloitte, 2020). Trong giai đoạn vừa qua, các DN Việt Nam đã chứng tỏ khả năng chống chịu trước những cú sốc trong và ngoài nước, tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức buộc DN phải đối diện và vượt qua trong thời gian tới để phục hồi và phát triển sau đại dịch COVID-19.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Một số tiêu chí đo lường và phương pháp đánh giá khả năng chống chịu của doanh nghiệp

Để xác định được những tiêu chí đo lường cũng như các phương pháp đánh giá khả năng chống chịu của khu vực tài chính DN, cần xem xét nội hàm của khái niệm về sức chống chịu của khu vực tài chính DN.

Khả năng chống chịu về tài chính là khả năng chịu đựng hoặc phục hồi sau cú sốc tài chính, theo đó các sự kiện xảy ra là những thử thách đối với khả năng chống chịu về tài chính của nhiều DN, thúc đẩy các chủ DN nhanh chóng thích ứng và ứng phó với những khó khăn, trở ngại và hạn chế (theo ANZ). Khu vực tà chính DN có khả chống chịu nếu tình hình tài chính của các DN ít bị thiệt hại do những cú sốc dẫn đến giảm hiệu suất, lợi nhuận và nếu các DN trở lại tình trạng bình thường một cách nhanh chóng (thời gian phục hồi ngắn).

Mặt khác, khả năng chống chịu về tài chính của DN là khả năng của DN trong việc phòng ngừa, chuẩn bị, ứng phó và thích ứng với những thay đổi có xu hướng ngày càng nhiều và những gián đoạn không thể lường trước, được để tồn tại và phát triển. Ngoài ra, khả năng chống chịu cũng có thể hiểu là khả năng đảm bảo an toàn tài chính DN đối với những cú sốc từ bên ngoài.

Theo tổng hợp của Xun Yang (2019), các nghiên cứu định lượng về khả năng chống chịu của một DN tập trung vào việc điều tra các trường hợp ngẫu nhiên theo một số nhóm (phân theo ngành, lĩnh vực); các điều kiện môi trường. Về giai đoạn nghiên cứu, các nghiên cứu tập trung vào kiểm tra khả năng phục hồi của DN sau khi xảy ra các cú sốc, ngoài ra, cũng có những nghiên cứu kiểm tra nội lực của DN trong cả 3 giai đoạn (trước, trong và sau các cú sốc).

Có thể xem xét khả năng chống chịu của khu vực tài chính DN qua các tiêu chí về tính ổn định tài chính (khả năng huy động vốn, hệ số nợ, sử dụng vốn đầu tư vào tài sản ngắn, dài hạn; khả năng sinh lời thông qua tỷ số lợi nhuận trên tài sản (ROA), lợi nhuận trên vốn (ROE)…); và các tiêu chí về đảm bảo an toàn tài chính (vốn lưu động thường xuyên, lưu chuyển tiền, hệ số khả năng thanh toán…). Bên cạnh đó, cần xem xét đến tiêu chí về nợ khi đánh giá sức chống chịu của khu vực tài chính DN.

Về phương pháp đánh giá, có thể so sánh mức độ, quy mô, tốc độ biến động của các tiêu chí được xem xét theo thời gian để đưa ra những đánh giá về sức sống chịu của DN. Đối với DN Việt Nam, việc thu thập dữ liệu tài chính của từng DN còn nhiều hạn chế, đặc biệt là đối với các DN chưa niêm yết trên sàn chứng khoán, nên có thể xem xét các số liệu tài chính DN theo từng nhóm ngành (sản xuất, dịch vụ, tài chính…) và theo nhóm DN (DNNN, DN chung…).

Đánh giá khả năng chống chịu của doanh nghiệp Việt Nam

Sau giai đoạn gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 (năm 2020-2021), trong 8 tháng đầu năm 2022, số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường đạt mức cao nhất trong giai đoạn 8 tháng đầu năm từ trước đến nay với 149.451 DN, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, số DN thành lập mới trong 8 tháng đầu năm 2022 là 101.325 DN, là mức cao nhất trong giai đoạn 8 tháng đầu năm từ trước đến nay, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2021, và số DN quay trở lại hoạt động là 48.126 DN, tăng 48,3% so với cùng kỳ năm 2021, đã cao hơn số DN trở lại hoạt động trong cả năm của các năm trong giai đoạn 2017-2021.

Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 đều tăng qua các năm, riêng trong năm 2021 lại giảm 25,8% so với năm trước, do hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều DN bị đình trệ, sức lực của DN bị bào mòn, đặc biệt là các DN thành lập dưới 5 năm, quy mô vốn nhỏ, nhiều DN thiếu hụt dòng tiền, cùng với đó là tâm lý e ngại, thận trọng trong việc đầu tư các dự án kinh doanh mới hoặc mở rộng quy mô sản xuất. Tuy nhiên, trong 8 tháng đầu năm 2022, đã có 35 nghìn lượt DN tăng vốn, với hơn 2,5 triệu tỷ đồng vốn tăng thêm (tăng 62,5% so với cùng kỳ năm 2021) cho thấy, các DN đã từng bước đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, nắm bắt các cơ hội kinh doanh để phục hồi và phát triển.

Đánh giá thông qua một số chỉ số phản ánh khả năng sinh lời

Hiệu quả sản xuất kinh doanh là một trong các nhân tố hàng đầu quyết định sự ổn định, an toàn của tài chính DN. Sự tăng trưởng ổn định cũng góp phần thể hiện sức chống chịu và phục hồi của DN.

Trong giai đoạn chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 (năm 2020-2021), sức chống chịu của DN phải đối diện với thách thức lớn trước khi phục hồi trở lại trong năm 2022. Theo Tổng cục Thống kê, doanh thu và lợi nhuận của các DN năm 2020 sụt giảm mạnh so với năm 2019, trước khi xảy ra đại dịch. Doanh thu các DN siêu nhỏ, DN nhỏ, DN vừa đều giảm với mức giảm tương ứng là 6,22%; 4,06% và 4,18%, tuy nhiên riêng nhóm DN lớn, ước tính doanh thu tăng 2,43%.

Riêng năm 2020 có 65% DN sụt giảm doanh thu so với năm 2019, đến năm 2021, có khoảng 71% DN có doanh thu giảm so với năm 2020. Kết quả này cho thấy, trước cú sốc khách quan (dịch bệnh kéo dài), có nhiều DN phải đối mặt với tình trạng suy giảm về tài chính, từ đó ảnh hưởng đến khả năng chống chịu của khu vực DN.

Một trong những nguyên nhân chính là do đứt gãy cung ứng dẫn đến thiếu hụt nguyên liệu, hàng hóa đầu vào từ nguồn trong nước và cả nguồn nguyên liệu nhập khẩu, đồng thời thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đều bị thu hẹp.

Kết quả khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong năm 2020 có gần 90% DN bị tác động nặng nề thể hiện ở sự giảm sút khả năng tiếp cận khách hàng, mất cân bằng về dòng tiền, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, đặc biệt, là các DN có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, các DN trẻ mới thành lập dưới 3 năm. Năm 2021, bức tranh tài chính DN có những biến động tương đối rõ nét và khá tương đồng với diễn biến và ảnh hưởng của dịch bệnh.

Trong 3 quý đầu năm 2021, tình hình tài chính của đa số DN rơi vào trạng thái kiệt quệ, mất cân đối dòng tiền và khả năng thanh toán, do các chi phí nguyên vật liệu đầu vào, chi phí vận chuyển tăng cao, các chi phí phát sinh liên quan đến phòng, chống dịch... tăng cao tạo áp lực lớn lên doanh thu, lợi nhuận và dòng tiền của DN.

Đến cuối năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, khu vực DN có xu hướng phục hồi và phát triển, thể hiện khả năng chống chịu tương đối tốt. Tình hình tài chính DN theo xu hướng tốt lên nhờ sự tăng lên của khối lượng sản xuất, các đơn đặt hàng và nhu cầu tiêu dùng, tận dụng cơ hội nào để nối lại sản xuất, đặc biệt là khu vực sản xuất để xuất khẩu. Theo VnDirect, trong quý IV/2021, tổng lợi nhuận của các công ty niêm yết trên ba sàn chứng khoán tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Quy mô tổng tài sản của các DN niêm yết năm 2021 tăng 15,5%, lợi nhuận tăng 35,1% so với năm 2020. Tỷ suất sinh lời cũng được cải thiện so với năm trước (tăng từ 13,1% năm 2020 lên 14,6% năm 2021). Đến quý I/2022, ước tính lợi nhuận ròng của các DN niêm yết trên 3 sàn tăng 33,2% so với cùng kỳ, cao hơn nhiều so với mức 14,4% của quý IV/2021.

Xem xét theo các ngành, tình hình tài chính DN ở một số ngành dự kiến có sự cải thiện mạnh mẽ về tăng trưởng lợi nhuận, đồng thời, một số ngành cũng có dấu hiệu phục hồi trở lại như: Hàng không, Du lịch sau một thời gian bị ảnh hưởng nặng nề. Một số ngành mức tăng trưởng lợi nhuận ròng cao như: Hóa chất (304,1%), Điện (56,4%), Dịch vụ tiện ích (52,0%), Thực phẩm (44,5%), Xây dựng & vật liệu (33,1%)…

Ở chiều ngược lại, các DN ngành Lâm nghiệp và Bất động sản công bố tăng trưởng âm với mức giảm lần lượt 11,7% và 5,7% so với cùng kỳ trong quý I/2022. Về xu hướng kinh doanh của các DN ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II/2022 có 78,4% số DN đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và tốt hơn so với quý I/2022; chỉ có 21,6% số DN đánh giá gặp khó khăn.

Xem xét theo khu vực DN, theo Báo cáo “Top 500 DN lớn nhất Việt Nam năm 2021” của Vietnam Report, khả năng sinh lời (ROA, ROE) của DN thuộc khu vực tư nhân đã khá tốt và có xu hướng thu hẹp khoảng cách với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực DNNN. Năm 2021, mặc dù hiệu quả sử dụng vốn của các DN khu vực tư nhân đạt 21,1% (thấp hơn mức 25,6% của khối DN có vốn đầu tư nước ngoài và 23,6% của khối DNNN), tuy nhiên, ROE bình quân của khu vực tư nhân có xu hướng tăng từ 20,8% năm 2020 lên 21,1% năm 2021 cho thấy, các DN tư nhân lớn đã sử dụng vốn hiệu quả hơn trước bối cảnh khó khăn chung của đại dịch COVID-19 trên toàn cầu.

Nhìn chung, mặc dù hoạt động sản xuất kinh doanh của DN còn chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố như khả năng cạnh tranh của hàng hóa trong nước, nhu cầu thị trường trong nước, khó khăn về tài chính; thiếu nguyên, nhiên, vật liệu; nhu cầu thị trường quốc tế thấp; lãi suất vay vốn cao…, tuy nhiên, kết quả kinh doanh khả quan cho thấy, các DN Việt Nam đã từng bước phục hồi và thích nghi với tình hình mới. Đây là động lực thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận và tỷ suất sinh lời của DN, đồng thời cũng thể hiện khả năng chống chịu tốt của DN đối với cú sốc từ bên ngoài, cụ thể là những ảnh hưởng từ diễn biến phức tạp của đại dịch.

Đánh giá thông qua một số chỉ tiêu phán ánh hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu

Có thể thấy, những chính sách hỗ trợ DN hiệu quả từ việc giãn nợ, ưu đãi về thuế, tăng chi tiêu công… giúp các DN vượt qua khó khăn và cải thiện sức chống chịu của khu vực tài chính DN. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cú sốc từ ảnh hưởng của đại dịch cũng đã góp phần tạo động lực để các DN có các chính sách về cấu trúc vốn và tài sản cẩn trọng hơn từ đó cải thiện được khả năng thanh toán và các chỉ tiêu hiệu quả tài chính.

Xem xét chỉ tiêu nợ theo ngành, tính đến cuối năm 2021, 59 DN bất động sản (BĐS) niêm yết có tổng dư nợ vay tăng 11,2% so với năm 2020. Các DN BĐS phát hành trái phiếu rất lớn (chiếm từ 24% năm 2019 lên đến 38% tổng giá trị phát hành năm 2020), tỷ trọng dư nợ trái phiếu đã chiếm 46% trong tổng nợ vay của các DN bất động sản. Trong giai đoạn 2018- 2021, theo FiinRatings (2022), tỷ lệ đòn bẩy (Nợ/Vốn chủ sở hữu) của 54 DN BĐS dân cư niêm yết giảm (từ 0,58 năm 2018 xuống 0,48 năm 2021) cùng với hệ số bao phủ lãi vay (tăng từ 6,02 năm 2019 lên 7,05 năm 2021) cho thấy khả năng vay và khả năng trả nợ của các DN này vẫn tương đối ổn định.

Đối với khu vực DN nhà nước (DNNN), tổng số nợ phải trả năm 2020 giảm 1% so với năm 2019, trong đó nợ ngắn hạn chiếm 67% tổng số nợ phải trả của các DNNN. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu trung bình của các DNNN là 1,04 lần cho thấy, các DNNN ít phụ thuộc vào nợ vay để tài trợ cho hoạt động kinh doanh. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân của các tập đoàn, tổng công ty là 1,1 lần. Đối với DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân của các DN trong giai đoạn 2016-2020 là 1,11 lần. Các DN đều đã xây dựng quy chế quản lý nợ phải thu, nợ phải trả theo quy định của pháp luật. Trong đại dịch COVID-19, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn nhưng DNNN với khả năng chống chịu và kiểm soát tình trạng nợ, đã thể hiện được vai trò quan trọng trong việc góp phần đảm bảo an ninh lương thực, phục vụ chính sách điều tiết kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô.

Nhận diện khó khăn, thách thức ảnh hưởng đến khả năng chống chịu của doanh nghiệp Việt Nam

Giai đoạn năm 2020-2022 là giai đoạn minh chứng rõ nhất khả năng chống chịu của cộng đồng DN trước các cú sốc trong và ngoài nước. Giai đoạn khó khăn nhất đã qua, tuy nhiên, khu vực DN hiện vẫn phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể:

Thứ nhất, DN Việt Nam hiện nay chủ yếu là quy mô nhỏ và vừa (chiếm 97% trong số khoảng 800.000 DN đang hoạt động) với ưu điểm là năng động, sáng tạo, linh hoạt. Tuy nhiên, tài chính DN bị hạn chế do quy mô nhỏ, bên cạnh đó những hạn chế về quy mô cũng có tác động đến khả năng huy động vốn, khả năng đầu tư cho nghiên cứu đổi mới và ứng dụng KHCN, khả năng mở rộng sản xuất kinh doanh, khả năng tham gia chuỗi liên kết toàn cầu,… qua đó tác động đến khả năng thích ứng, chống chịu những thay đổi của các DN.

Thứ hai, các DN dù đã từng bước thực hiện chuyển đổi số, tuy nhiên mức độ chuyển đổi số còn thấp và chưa đồng đều. Nguyên nhân chủ yếu là do khả năng thay đổi trong tư duy, nhận thức là những khó khăn đầu tiên, tiếp theo là những khó khăn chi phí, thiếu vốn, thiếu cơ sở hạ tầng về công nghệ số, rủi ro rò rỉ dữ liệu, thiếu nhân lực, thiếu thông tin…

Thứ ba, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng vẫn chưa thể phục hồi nhanh chóng trong thời gian tới, nguyên liệu đầu vào từ thị trường thế giới vẫn có nguy cơ khan hiếm và tăng giá. Điều này dẫn đến, một mặt DN gặp khó khăn trong đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào, mặt khác chi phí sản xuất tăng, làm cho các DN đứng trước nguy cơ phải hủy đơn hàng, thu hẹp quy mô sản xuất.

Thứ tư, áp lực lạm phát tăng trên thế giới và xung đột giữa Nga và Ukraine tiếp tục diễn biến căng thẳng, gây ra những tác động rất tiêu cực với kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, qua đó, tác động đến DN.

Một số kiến nghị đề xuất

Để nâng cao khả năng chống chịu của DN Việt Nam trước những biến động khó lường từ kinh tế thế giới và trong nước, cần kết hợp các giải pháp vi mô từ phía các DN và giải pháp vĩ mô từ phía Nhà nước. Cụ thể:

Về phía DN, cần phát huy tính chủ động và đặc điểm năng động sáng tạo để tài chính DN duy trì sự ổn định, lành mạnh.

Một là, chủ động xây dựng chiến lược với tầm nhìn dài hạn hơn, xây dựng các kế hoạch ứng phó với những biến động bất ngờ, có kế hoạch phát triển như tái cấu trúc DN, đổi mới công nghệ, quản trị rủi ro, có phương án đào tạo nguồn nhân lực. Nâng cao năng lực cạnh tranh để tạo lợi thế ở cả ở thị trường trong nước và thị trường nước ngoài…

Hai là, cần có những biện pháp giảm tỷ trọng nợ, đặc biệt là trong thời kỳ khủng hoảng để đạt được mức an toàn tài chính, cũng như chú trọng hơn đầu tư công nghệ hiện đại và gia tăng hiệu quả tài chính, từ đó gia tăng giá trị DN; Đồng thời, chú trọng đến hoạt động kiểm toán, đảm bảo an toàn ổn định của tài chính DN.

Ba là, đa dạng hóa nguồn vốn cho hoạt động của DN, trong đó cần xem xét đến trái phiếu DN, giúp giảm bớt các ràng buộc tài chính và sự phụ thuộc của DN đối với hoạt động cho vay ngân hàng truyền thống.

Bốn là, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của DN, đặc biệt là DNNVV, thông qua khuyến khích phát triển khoa học công nghệ (KHCN) tại các DN, khai thác hiệu quả các Quỹ phát triển KHCN tại DN.

Về phía Nhà nước, để nâng cao khả năng chống chịu của khu vực DN, các giải pháp cần được quan tâm gồm:

Một là, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách nhằm phát huy tối đa hiệu quả của các gói hỗ trợ kích thích kinh tế, cải thiện sản xuất kinh doanh, góp phần giảm các chi phí cho DN, tạo thuận lợi hơn cho DN tiếp cận vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, cần chú ý đến những giải pháp có tính chất hạn dài như: tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành trong xử lý những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án đầu tư công, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phát triển cơ sở hạ tầng đảm bảo an toàn, an ninh cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.

Hai là, đẩy mạnh các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ cho sự phục hồi bền vững của các DN. Quan trọng hơn, là tháo gỡ các nút thắt về thủ tục hành chính, đẩy nhanh giải quyết thủ tục trên môi trường trực tuyến, triển khai dịch vụ công cấp độ 4 tạo thuận lợi cho các ứng dụng chuyển đổi số trong cải cách hành chính để thay thế cho các hình thức nộp hồ sơ giấy.

Ba là, cải thiện hạ tầng logistics để tạo thuận lợi cho các hoạt động vận tải và xuất nhập khẩu.

Bốn là, xác định phát triển kinh tế số là động lực tăng trưởng của nền kinh tế, tạo cơ chế thúc đẩy thương mại điện tử; hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo; hỗ trợ DN chuyển đổi số…

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2021), Sách trắng DN Việt Nam năm 2021;

2. Bộ Tài chính (2022), Báo cáo tổng quan đánh giá tình hình thị trường vốn năm 2021, các tháng đầu năm 2022 và định hướng phát triển để huy động vốn cho nền kinh tế;

3. Chính phủ (2021), Báo cáo số 399/BC-CP về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại DN trong phạm vi toàn quốc năm 2021;

4. IMF (2020), Growth of Global Corporate Debt: Main Facts and Policy Challenges;

5. IMF (2016), Global Financial Stability Report: Fostering Stability in a Low-Growth;

Xun Yang (2019), Unraveling the meaning and measurement of organizational resilience, RMIT University. 

* TS. Lê Thị Thùy Vân, ThS. Dương Hoàng Lan Chi - Viện Chiến lược & Chính sách Tài chính (BộTài chính)

** Bài đăng Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 11/2022