Điều chỉnh quy định về trái phiếu doanh nghiệp để gỡ khó thanh khoản cho thị trường
Bộ Tài chính đã xây dựng và đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65/2022/NĐ-CP của Chính phủ về trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ. Dự thảo đã điều chỉnh các quy định để giúp thị trường có thời gian điều chỉnh lại và doanh nghiệp có thể cân đối nguồn tiền trong ngắn hạn, vượt qua giai đoạn nền kinh tế gặp khó khăn về thanh khoản như hiện nay.
Thị trường gặp nhiều khó khăn
Ngày 16/9/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP theo nguyên tắc tuân thủ điều kiện phát hành trái phiếu quy định tại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp.
Nghị định này bổ sung các quy định theo thẩm quyền của Chính phủ để tiếp tục phát triển thị trường TPDN minh bạch, bền vững, bảo vệ quyền lợi cho cả doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư, khắc phục bất cập trên thị trường thời gian vừa qua. Nghị định cũng tăng cường quản lý, giám sát bao gồm cả giám sát liên thông giữa lĩnh vực thị trường tài chính, lĩnh vực tín dụng ngân hàng và các lĩnh vực khác của nền kinh tế.
Tuy nhiên, thời gian vừa qua, thị trường gặp một số khó khăn như: Khối lượng phát hành trái phiếu mới sụt giảm; khối lượng mua lại tăng và có hiện tượng nhà đầu tư bán lại trái phiếu; khối lượng trái phiếu đến hạn trong thời gian tới lớn, doanh nghiệp có khó khăn về dòng tiền để cân đối nguồn lực thanh toán các nghĩa vụ nợ đến hạn và huy động vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo Bộ Tài chính, nguyên nhân chủ yếu của tình hình trên là do sai phạm của một số doanh nghiệp khi bị cơ quan điều tra phát hiện và một số tin không chính thống, tin thất thiệt gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường và niềm tin của nhà đâu tư.
Bên cạnh đó còn do thanh khoản của cả nền kinh tế gặp khó khăn nên doanh nghiệp gặp khó trong sản xuất kinh doanh và cân đối dòng tiền; lãi suất ngân hàng tăng mạnh trong thời gian ngắn, dẫn đến xu hướng dịch chuyển dòng vốn từ thị trường chứng khoán sang kênh ngân hàng, nhà đầu tư bán lại TPDN để chuyển sang gửi tiền tiết kiệm ngân hàng với lãi suất cao.
Do nguyên nhân chủ yếu của thị trường hiện nay là xử lý vấn đề về niềm tin và thanh khoản của thị trường, Bộ Tài chính đã tổ chức buổi làm với các doanh nghiệp phát hành có dư nợ trái phiếu lớn và một số công ty chứng khoán về các khó khăn, vướng mắc của thị trường để kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cấp có thẩm quyền các giải pháp vĩ mô về chính sách tiền tệ, vấn đề truyền thông, thanh kiểm tra và tổ chức thị trường để lấy lại niềm tin và tháo gỡ khó khăn thanh khoản cho thị trường.
Riêng về vấn đề pháp lý, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nghiên cứu, rà soát Luật Chứng khoán và phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát Luật Doanh nghiệp để sửa đổi các nội dung về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và điều kiện phát hành TPDN riêng lẻ.
Về quy định tại Nghị định số 65/2022/NĐ-CP, các doanh nghiệp phát hành, thành viên thị trường và các chuyên gia đánh giá định hướng của Nghị định là tốt trong trung, dài hạn. Tuy nhiên, do nền kinh tế gặp khó khăn về thanh khoản và niềm tin của thị trường bị ảnh hưởng, các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc cân đối nguồn tiền cho sản xuất kinh doanh, thanh toán các nghĩa vụ nợ đến hạn trong năm 2022-2023 nên Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu, đánh giá, đề xuất điều chỉnh lộ trình áp dụng quy định tại Nghị định trong bối cảnh hiện nay.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính đã xây dựng và đang lấy ý kiến đối với Dự thảo Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế.
Hỗ trợ doanh nghiệp cân đối nguồn tiền
Nghị định số 65/2022/NĐ-CP quy định, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp phải đảm bảo danh mục nắm giữ có giá trị trung bình từ 2 tỷ đồng tối thiểu trong vòng 180 ngày bằng tài sản của nhà đầu tư, không bao gồm tiền vay. Để hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết các khó khăn trước mắt về thanh khoản và thanh toán các trái phiếu đến hạn năm 2023-2024, Bộ Tài chính đề xuất hoãn thực hiện quy định này trong vòng 01 năm.
Về quy định yêu cầu xếp hạng tín nhiệm bắt buộc, Nghị định số 65/2022/NĐ-CP yêu cầu hồ sơ chào bán trái phiếu của doanh nghiệp phải có kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu nếu doanh nghiệp phát hành thuộc các trường hợp phải xếp hạng tín nhiệm từ ngày 01/01/2023.
Trong bối cảnh doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc huy động vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, Bộ Tài chính đề xuất cho phép hoãn thực hiện quy định về yêu cầu bắt buộc xếp hạng tín nhiệm trong 01 năm, từ ngày 01/1/2024 sẽ thực hiện quy định này. Đối với TPDN chào bán ra công chúng, vẫn thực hiện theo lộ trình tại Nghị định số 155/2020/NĐ-CP, phải xếp hạng tín nhiệm từ ngày 01/1/2023.
Đối với quy định giảm thời gian phân phối trái phiếu, Nghị định số 65/2022/NĐ-CP quy định thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt chào bán không vượt quá 30 ngày. Tại Dự thảo Nghị định, Bộ Tài chính đề xuất hoãn thực hiện quy định này trong vòng 01 năm. Theo đó, việc phân phối trái phiếu của từng đợt là 90 ngày. Kể từ ngày 01/1/2024, doanh nghiệp sẽ tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 65/2022/NĐ-CP, giảm thời gian phân phối từng đợt xuống còn 30 ngày. Quy định này phù hợp với chính sách hoãn việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, hướng đến nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp cá nhân mua TPDN riêng lẻ.
Về kỳ hạn trái phiếu, Nghị định số 65/2022/NĐ-CP quy định, đối với TPDN đã phát hành trước khi Nghị định có hiệu lực thi hành và còn dư nợ thì “doanh nghiệp không được thay đổi kỳ hạn của trái phiếu đã phát hành”. Quy định này đã được thực hiện từ năm 2020 do hệ thống pháp luật về phát hành TPDN được hoàn thiện qua từng giai đoạn để tiến tới việc phát hành trái phiếu chuẩn cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo quy định tại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp.
Tuy nhiên, để hỗ trợ doanh nghiệp có khả năng huy động vốn để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và cơ cấu lại các khoản nợ, Bộ Tài chinh đề xuất bổ sung quy định cho phép các trái phiếu đã phát hành trước đây còn dư nợ thì được gia hạn; thời gian gia hạn tối đa là 02 năm. Việc cho phép gia hạn này sẽ giúp phân tán khối lượng trái phiếu đáo hạn đạt đỉnh vào năm 2023-2024.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, giai đoạn tới, kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng như hiện nay. Theo đó, đến giai đoạn 2025-2026, doanh nghiệp sẽ cơ bản giải quyết được các khó khăn về thanh khoản và cơ cấu nợ. Việc gia hạn trái phiếu phải được các chủ sở hữu trái phiếu đại diện trên 65% tổng số trái phiếu đang lưu hành chấp thuận, quy định này thống nhất với quy định đối với trái phiếu chào bán ra công chúng nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.
Ngoài ra, theo quy định của pháp luật dân sự hoặc quy định của pháp luật có liên quan, doanh nghiệp có thể chuyển đổi trái phiếu thành khoản vay hoặc tài sản khác. Việc chuyển đổi trái phiếu thành khoản vay hoặc tài sản khác phụ thuộc vào thỏa thuận giữa doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu trên cơ sở các cam kết, điều kiện mà doanh nghiệp phát hành đưa ra đối với từng đối tượng nhà đầu tư.
Do đó, để doanh nghiệp có thể lựa chọn các phương thức khác nhau để thanh toán các khoản nợ trái phiếu đến hạn, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định doanh nghiệp có thể chuyển đổi trái phiếu thành khoản vay hoặc tài sản khác để thanh toán gốc, lãi trái phiếu theo quy định của pháp luật dân sự và pháp luật liên quan.
Các nội dung đề xuất điều chỉnh tại Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 65/2022/NĐ-CP nhằm giúp thị trường có thời gian điều chỉnh lại và doanh nghiệp có thể cân đối nguồn tiền trong ngắn hạn, góp phần vượt qua giai đoạn nền kinh tế gặp khó khăn về thanh khoản như hiện nay.
Định hướng trung và dài hạn, để phát triển thị trường TPDN minh bạch, bền vững, cần có lộ trình để tiếp tục triển khai quy định tại Nghị định số 65/2022/NĐ-CP và rà soát, sửa đổi tận gốc quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và điều kiện phát hành TPDN riêng lẻ tại Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán.