Đánh giá nguồn lực tài chính trong đề nghị xây dựng văn bản quy định pháp luật

PV.

Sáng ngày 18/5/2018, Vụ Pháp chế - Bộ Tài chính đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến dự thảo Bộ tiêu chí, phương pháp đánh giá, cho ý kiến về nguồn lực tài chính trong đề nghị xây dựng văn bản QPPL dưới sự chủ trì của bà Hồ Thị Hằng – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế. Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng trực thuộc Bộ Tài chính và các bộ, ngành.

Toàn cảnh Hội thảo.
Toàn cảnh Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Hồ Thị Hằng – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Tài chính cho biết, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016 đã có nhiều thay đổi quan trọng. Trong đó, đặc biệt là việc bổ sung quy trình hoạch định, phân tích chính sách trước khi soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật theo hướng tách bạch với quy trình soạn thảo văn bản để áp dụng đối với luật, pháp lệnh và một số loại nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

Để thực hiện quy trình hoạch định, phân tích chính sách, cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh có trách nhiệm lấy ý kiến Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và cơ quan, tổ chức có liên quan, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách và giải pháp thực hiện chính sách khi đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh. Theo đó, Bộ Tài chính có trách nhiệm gửi báo cáo đánh giá về nguồn tài chính để thực thi chính sách khi văn bản quy phạm pháp luật được trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ thông qua hoặc ban hành.

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo Bộ tiêu chí cùng với các phương pháp nhằm giúp cho việc đánh giá, cho ý kiến về nguồn lực tài chính trong đề nghị xây dựng văn bản QPPL.

Bộ tiêu chí đã thể hiện cụ thể các đối tượng áp dụng bao gồm các đơn vị thuộc Bộ Tài chính được giao chủ trì, phối hợp thực hiện đánh giá, cho ý kiến về nguồn lực tài chính trong đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương; Uỷ ban nhân dân các cấp.

Bộ tiêu chí đề ra các tiêu chí đánh giá, cho ý kiến về nguồn lực tài chính đối với chính sách có phát sinh kinh phí khi triển khai thi hành, đồng thời đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể, đối với đối tượng chịu sự tác động là cơ quan nhà nước, Bộ tiêu chí đánh giá trên 3 loại tác động của chính sách, gồm: Tác động đến các khoản phải nộp ngân sách, ngoài ngân sách; Tác động đến chi đầu tư; Tác động đến chi phí hoạt động để tuân thủ chính sách…

Đánh giá về vai trò và sự cần thiết của việc xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá nguồn lực tài chính trong đề nghị xây dựng văn bản QPPL, bà Hồ Thị Hằng nhấn mạnh,  Bộ tiêu chí được xây dựng nhằm phục vụ cho việc xem xét, đánh giá và soạn thảo văn bản của Bộ Tài chính để cho ý kiến về nguồn lực tài chính trong đề nghị xây dựng văn bản QPPL khi các bộ, ngành gửi lấy ý kiến Bộ Tài chính theo quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015.

Đồng thời, khi Bộ tiêu chí được xây dựng và đưa vào áp dụng trong thực tiễn sẽ giúp Bộ Tài chính có công cụ phục vụ việc đo đếm, kiểm chứng trong quá trình xem xét cho ý kiến đánh giá về nguồn lực tài chính trong đề nghị xây dựng văn bản QPPL được các bộ, ngành gửi lấy ý kiến.

Bộ tiêu chí cũng là cơ sở để cơ quan chủ trì lập đề nghị xây dựng văn bản QPPL tham khảo, phục vụ việc rà soát, thuyết minh rõ đối với từng đề xuất chính sách tại báo cáo đánh giá tác động của từng chính sách, qua đó giúp đánh giá rõ về chi phí, lợi ích của từng đề xuất chính sách mới, tạo điều kiện cho quá trình xem xét, góp ý của Bộ Tài chính được thực hiện khách quan, khoa học, hạn chế những đánh giá phiến diện, một chiều.

Phát biểu tại Hội thảo, Th.S. Bùi Thu Hằng, Trưởng phòng, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) nhận định, Bộ Tài chính thực hiện xây dựng bộ tiêu chí, phương pháp đánh giá, cho ý kiến về nguồn lực tài chính trong đề nghị xây dựng văn bản QPPL là rất cần thiết.

"Thông qua Bộ tiêu chí này, các bộ, ngành cũng có thể tham khảo để xây dựng chính sách hợp lý và hiệu quả liên quan đến việc sử dụng ngân sách nhà nước và nguồn lực tài chính trong quá trình xây dựng văn bản QPPL" - Bà Hằng nhấn mạnh.

Đánh giá về Bộ tiêu chí, phương pháp đánh giá, cho ý kiến về nguồn lực tài chính trong đề nghị xây dựng văn bản QPPL, TS. Đoàn Thị Tố Uyên - Phó trưởng khoa, Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, Bộ tiêu chí cũng đã đưa ra được những tiêu chí tác động trực tiếp đến các cá nhân, cơ quan nhà nước như tác động đến các khoản phải nộp ngoài ngân sách, chi phí bắt buộc để tuân thủ chính sách, tác động đến mức chi trả cá nhân, thu nhập gia đình là đúng với yêu cầu cần phải xin ý kiến Bộ Tài chính về việc sử dụng nguồn lực tài chính.