Ngành Hải quan tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật

Theo baohaiquan.vn

Cơ chế giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực hải quan của các cơ quan ban ngành, hiệp hội và cộng đồng DN vừa là động lực vừa tạo sức ép để ngành Hải quan tiếp tục dồn toàn lực nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật hải quan.

CBCC Hải quan Hà Tĩnh hướng dẫn DN tìm hiểu thủ tục hành chính liên quan đến hải quan. Nguồn: PV.
CBCC Hải quan Hà Tĩnh hướng dẫn DN tìm hiểu thủ tục hành chính liên quan đến hải quan. Nguồn: PV.

Trước đề nghị của cộng đồng DN về việc Tổng cục Hải quan cần nghiên cứu tiếp tục sửa đổi những văn bản pháp luật chưa phù hợp với thực tế, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường cho biết, dưới sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã thực hiện nhiều giải pháp tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hỗ trợ, phát triển DN.

Trong quá trình thực hiện, triển khai xây dựng các văn bản chính sách pháp luật liên quan đến đến lĩnh vực hải quan, Tổng cục Hải quan luôn cập nhật và thực hiện việc điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn, đồng thời, tổ chức lấy ý kiến tham gia của các đơn vị trong và ngoài Ngành, các đối tượng chịu tác động của văn bản là DN XNK, XNC trong quá trình xây dựng văn bản.

Vừa qua, Tổng cục Hải quan đã hoàn thiện trình Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/1/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan. Trước khi ban hành, Tổng cục Hải quan cũng xây dựng dự thảo và tổ chức lấy ý kiến đóng góp rộng rãi từ phía các bộ, ban ngành, cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng DN.

Hiện đơn vị cũng đang tiếp thu chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định thực hiện TTHC thông qua Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và KTCN đối với hàng hóa XNK theo ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp; trình Bộ Tài chính ký văn bản hợp nhất Nghị định số 01/2015/NĐ-CP ngày 2/1/2015 của Chính phủ quy định chi tiết phạm vi địa bàn hoạt động hải quan, trách nhiệm phối hợp trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và Nghị định số 12/2018/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 01/2015/NĐ-CP; xác thực để gửi Bộ Tư pháp tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ thông qua đề mục pháp điển Thuế XK, thuế NK; ban hành Thông tư hướng dẫn Kiểm tra xác định xuất xứ hàng hóa XNK trong khuôn khổ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.

Đặc biệt, Tổng cục Hải quan cũng đã lấy ý kiến rộng rãi cộng đồng DN tham gia đóng góp để hoàn thành dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 38/2015/TT-BTC về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu trình Bộ Tài chính ký ban hành trong thời gian tới.

Tuy nhiên, đại diện lãnh đạo Tổng cục Hải quan cũng nhìn nhận, công tác phổ biến pháp luật của cơ quan Hải quan còn hạn chế, dẫn đến các DN chưa nắm bắt kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật về hải quan để áp dụng trong hoạt động kinh doanh, XNK của mình. Đặc biệt, việc công bố TTHC chưa được một số đơn vị thuộc trong ngành thực sự quan tâm; một số đơn vị do trụ sở làm việc còn chật hẹp nên việc niêm yết, công khai TTHC chưa đầy đủ theo quy định.

Bên cạnh đó, hệ thống văn bản pháp luật về kiểm tra chuyên ngành (KTCN) hàng hóa XNK còn gây bất cập, khó khăn, tốn kém về thời gian cho DN. Mặc dù đã thống kê, rà soát nhưng còn có bộ, ngành vẫn chậm sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật về KTCN. Sự phối hợp của một số cơ quan KTCN với cơ quan Hải quan chưa thực sự chặt chẽ.

Trong khi đó, hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn chung và đầy đủ về Cơ chế một cửa quốc gia. Một số bộ, ngành vẫn chưa thực sự quyết liệt trong tổ chức thực hiện do đây là phương thức thực hiện mới. Hạ tầng công nghệ thông tin của các bộ, ngành chưa đồng đều và chưa hoàn thiện, thủ tục đầu tư còn phức tạp. Số lượng TTHC của các bộ, ngành thực hiện qua Cơ chế một cửa quốc gia còn ít là những trở ngại khiến DN khó tiếp cận các chính sách, pháp luật của Nhà nước, đại diện lãnh đạo Tổng cục Hải quan nhấn mạnh.

Song song với các nhiệm vụ của Bộ Tài chính giao, việc hoàn thiện thể chế chính sách pháp luật hải quan cũng được Tổng cục Hải quan đặt mục tiêu ưu tiên hàng đầu. Để kịp thời hướng dẫn cộng đồng DN nắm bắt nhanh các chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến hoạt động kinh doanh, XNK trong lĩnh vực hải quan, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp thu và kịp thời khắc phục tồn tại, tập trung vào việc xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực hải quan. Thường xuyên rà soát hệ thống pháp luật của ngành để tham mưu, đề xuất ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ các văn bản nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật hải quan. Đồng thời giải quyết các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu quản lý ngành.

Trong thời gian tới, để thực hiện được mục tiêu, nhiệm vụ nêu tại Quyết định 2026/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Hải quan sẽ chủ động phối hợp với các bộ quản lý chuyên ngành thực hiện cải cách toàn diện thể chế, chính sách, cách thức, phương pháp kiểm tra liên quan đến hoạt động KTCN đối với hàng hóa XNK theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp tục rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng tiếp cận thực tiễn hoạt động của DN và thể chế bằng văn bản.

Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, bên cạnh sự nỗ lực của Chính phủ, của các bộ, ngành nói chung, của Tổng cục Hải quan nói riêng thì sự chủ động vào cuộc của cộng đồng DN vô cùng quan trọng.

Ông Bùi Văn Quân, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam:

Để tạo thuận lợi cho DN và công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, cộng đồng DN mong muốn Bộ Tài chính đẩy nhanh kê khai hóa đơn điện tử. Bên cạnh đó, đề nghị Tổng cục Thuế khi có những thay đổi về chính sách cần thông tin cụ thể đến từng DN dưới hình thức triển khai đưa xuống các chi cục thuế tại địa phương, sau đó các chi cục mời DN lên ký xác nhận đã được phổ biến và nắm được thông tin.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam:

Ngành Hải quan, ngành Thuế nói riêng và ngành Tài chính nói chung vẫn còn nhiều không gian cho sự cải thiện trong công tác cải cách thủ tục hành chính. Đó là tăng cường hiệu quả của hoạt động cung cấp thông tin về thủ tục hành chính, đối thoại với DN, nâng cao chất lượng của hoạt động tiếp nhận và giải quyết vướng mắc, kiến nghị của DN… Tăng cường công tác kiểm tra chuyên ngành trong hoạt động thông quan, chống gian lận thương mại, các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, nhũng nhiễu. Đặc biệt, ngành Tài chính cần tập trung công tác tuyên truyền vận động nhân dân, cộng đồng DN, các hiệp hội tham gia giám sát cải cách thủ tục hành chính.