Đánh giá nhu cầu và nhân tố tác động tới hoạt động của doanh nghiệp khởi nghiệp ở Hà Giang

Nguyễn Xuân Điền, Nguyễn Văn Quyết

Sự hình thành các doanh nghiệp mới hoàn toàn không đơn thuần tùy thuộc ý muốn chủ quan, mà phải xuất phát từ nhu cầu đối với chủ thể này và điều kiện để chúng có thể hình thành, tồn tại và phát triển. Việc nhận diện những nhân tố tác động tới sự hình thành, hoạt động và phát triển của doanh nghiệp khởi nghiệp có ý nghĩa quan trọng đối với từng địa phương. Hà Giang là một tỉnh có số lượng doanh nghiệp ít và mật độ doanh nghiệp/1000 dân ở mức thấp. Đây là dư địa để Hà Giang triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Đặt vấn đề

Khởi nghiệp có thể hiểu là việc một cá nhân hay một nhóm người bắt đầu xây dựng một mô hình kinh doanh riêng. Đây là quá trình tạo ra và phát triển một doanh nghiệp mới hoặc sáng tạo một sản phẩm/dịch vụ mới. Khởi nghiệp là một quá trình đầy thách thức, bởi vì nó yêu cầu sự tự tin, sáng tạo và sự quản lý tốt của những người khởi nghiệp để tạo ra một công ty thành công. Khởi nghiệp có thể gồm nhiều giai đoạn, như từ việc lên ý tưởng, thực hiện ý tưởng và duy trì, phát triển doanh nghiệp của mình.

Doanh nghiệp là chủ thể quan trọng tạo ra sức mạnh cũng như sự phát triển kinh tế của một quốc gia, một địa phương. Sức mạnh kinh tế của một quốc gia hoặc một địa phương tùy thuộc rất nhiều vào sức mạnh của các doanh nghiệp tại quốc gia, địa phương đó. Tương tự, sự tăng trưởng kinh tế của một quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào sự tăng trưởng về số lượng và chất lượng của các doanh nghiệp trên lãnh thổ quốc gia, địa phương. Chính vì thế, một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu để phát triển kinh tế của mỗi quốc gia, mỗi địa phương là thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp trên địa bàn. Đây chính là lý do khiến mọi quốc gia, mọi địa phương đều nỗ lực tạo điều kiện để các doanh nghiệp đang tồn tại có thể duy trì và phát triển hoạt động của họ, đồng thời tạo điều kiện và khuyến khích các hoạt động khởi nghiệp, thành lập và đưa vào hoạt động những doanh nghiệp mới. Trong khoảng thời gian từ 2016 tới 2018, trên phạm vi toàn cầu, giá trị mới do khu vực khởi nghiệp tạo ra là 2,8 nghìn tỷ USD với tốc độ tăng bình quân hàng năm khoảng 20,6%, cao hơn bất kỳ ngành nào trong nền kinh tế.

Những số liệu thống kê cho thấy, ngoại trừ một số trường hợp có đặc điểm khác biệt rõ rệt) ở Việt Nam, trình độ phát triển kinh tế của một địa phương (thể hiện qua chỉ số GRDP bình quân đầu người) và sự phát triển của các doanh nghiệp (thể hiện qua mật độ phân bố của doanh nghiệp so với dân cư- chỉ số số doanh nghiệp trên 1000 dân) có quan hệ khá “chặt”, phản ánh mối tương quan mật thiết với nhau (Hình 1).

Nghiên cứu các nhân tố thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp

Bảng 1: Những tỉnh có số doanh nghiệp tính trên 1000 dân cao nhất và thấp nhất Việt Nam năm 2021

Các tỉnh có ít doanh

nghiệp/ 1000 dân

Các tỉnh có ít doanh nghiệp/ 1000 dân

TT

Tỉnh/ Thành phố

Số doanh nghiệp/ 1000 dân

TT

Tỉnh/ Thành phố

Số doanh nghiệp/ 1000 dân

1

Hà Giang

1,12

1

TP Hồ Chí Minh

22,76

2

Sơn La

1,40

2

Hà Nội

17,48

3

Điện Biên

1,51

3

Đà Nẵng

16,71

4

Bắc Cạn

1,69

4

Bình Dương

11,25

5

Tuyên Quang

1,69

5

Bà Rịa- Vũng Tàu

8,83

6

Lai Châu

1,77

6

Hải Phòng

8,38

7

Cao Bằng

1,80

7

Bắc Ninh

7,38

8

Yên Bái

1,81

8

Cần Thơ

7,47

9

Trà Vinh

2,06

9

Đồng Nai

7,05

Nguồn: Niên giám thống kê Việt Nam năm 2022

 

Hình 1: Mối quan hệ giữa số doanh nghiệp/1000 dân và GRDP/người của các tỉnh ở Việt Nam năm 2022.Nguồn: Báo cáo tình hình kinh tế- xã hội các địa phương năm 2022; báo cáo về số liệu về doanh nghiệp của các địa phương năm 2022
Hình 1: Mối quan hệ giữa số doanh nghiệp/1000 dân và GRDP/người của các tỉnh ở Việt Nam năm 2022.
Nguồn: Báo cáo tình hình kinh tế- xã hội các địa phương năm 2022; báo cáo về số liệu về doanh nghiệp của các địa phương năm 2022

Bảng 2: Số lượng doanh nghiệp và hợp tác xã, cơ sở kinh doanh cá thể ở Hà Giang

giai đoạn 2015- 2023 (Doanh nghiệp/hợp tác xã)

 

Tổ chức/ hộ kinh doanh

2015

2018

2019

2020

2021

2022

2023

1

Doanh nghiệp

1.022

998

1.053

1.251

1.379

1.390

1.397

1.1

Doanh nghiệp nhà nước

14

10

10

9

6

7

7

1.2

Doanh nghiệp tư nhân

35

21

27

21

20

21

21

1.3

Công ty trách nhiệm hữu hạn

532

553

568

676

745

748

751

1.4

Công ty cổ phần

147

174

188

216

226

228

230

1.5

Doanh nghiệp FDI

2

4

3

5

6

6

6

2

Hợp tác xã

292

236

255

324

376

380

382

3

Hộ kinh doanh cá thể phi nông nghiệp

24.334

25.537

225.840

25.277

26.345

27.417

28.491

Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh Hà Giang 2022 và ước tính 2023

 

Để thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp, bên cạnh việc thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp là rất quan trọng còn cần phân tích, đánh giá các nhân tố tác động tới những hoạt động này là vô cùng cần thiết. Bởi thế, các nhân tố tác động tới hoạt động của các doanh nghiệp khởi nghiệp sau khi các hoạt động khởi nghiệp đã hoàn tất, doanh nghiệp đã đi vào hoạt động cũng có ý nghĩa rất quan trọng.

Về các nhân tố tác động tới quá trình khởi nghiệp, Júnior và đồng nghiệp (2022) đã tổng hợp kết quả của các nghiên cứu về khởi nghiệp trên phạm vi toàn cầu được công bố trong giai đoạn từ 2000 tới 2022 và xác định 3 nhóm nhân tố (nhóm nhân tố về tổ chức, nhóm nhân tố về nhân lực và nhóm nhân tố về môi trường) với 25 nhân tố cụ thể tác động tới các hoạt động khởi nghiệp trên phạm vi toàn cầu.

Nhóm nhân tố về tổ chức: Năng lực sáng tạo (khả năng tạo ra những sản phẩm mới, có tính sáng tạo so với các sản phẩm hiện có trên thị trường); Năng lực bảo vệ bản quyền (Năng lực và cơ chế chính thức cũng như phi chính thức nhằm bảo vệ sở hữu trí tuệ); Năng lực nghiên cứu và phát triển (Khả năng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển trong nội bộ tổ chức); Nguồn lực có thể sử dụng phục vụ khởi nghiệp (các nguồn lực về tài chính, vật chất, nhân lực và tổ chức có thể được huy động để sau khi khởi nghiệp, doanh nghiệp có thể sử dụng nhằm sản xuất, cung ứng sản phẩm và dịch vụ cho khách hàng); Năng lực hấp thụ (Khả năng tiếp nhận và sử dụng thông tin như một lợi thế cạnh tranh); Năng lực tài chính (Năng lực của doanh nghiệp trong việc tiếp cận, khai thác và sử dụng vốn cũng như các nguồn lực tài chính sau khi được thành lập); Năng lực công nghệ (Năng lực của toàn bộ các công nghệ được sử dụng phục vụ các hoạt động kinh doanh, quản lý, giao dịch và đào tạo/phát triển nhân lực sau khi được thành lập)…

Nhóm nhân tố về nhân lực: Trình độ đào tạo của đội ngũ nhân lực (trình độ học vấn của người lao động về các mặt kỹ thuật/công nghệ, quản lý và tác động của chúng tới năng lực cạnh tranh của tổ chức khởi nghiệp); Người sáng lập (Đặc điểm và phẩm chất của người/những người sáng lập xét trên các mặt năng lực nội tại, thái độ, hành vi… có liên quan tới việc nỗ lực đạt được mục tiêu đã đề ra): Mức độ thỏa mãn của người lao động (Mức độ thỏa mãn/hài lòng của người lao động đối với việc thực hiện chức năng mà họ được giao cũng như đối với sự thừa nhận của đội ngũ cán bộ quản lý); Vốn khởi nghiệp (vốn đầu tư ban đầu của người khởi nghiệp ở thời điểm bắt đầu khởi nghiệp); Kinh nghiệm của nhóm sáng lập (kinh nghiệm của nhóm sáng lập trong việc tổ chức và quản lý chung đối với các nguồn lực cần thiết để đảm bảo thành công cho doanh nghiệp khởi nghiệp); Cam kết của người lao động (Cam kết của người lao động đối với việc đạt được các mục tiêu và kết quả được doanh nghiệp khởi nghiệp đặt ra).

Nhóm nhân tố về môi trường bao gồm: Hỗ trợ của Nhà nước và môi trường chính trị (Hỗ trợ tài chính của Nhà nước trong giai đoạn khởi sự, các chương trình hỗ trợ chủ yếu dành cho các hoạt động khởi sự); Các liên minh (Quan hệ liên kết giữa các đối tác bên ngoài, bao gồm cả các nhà cung cấp, các tổ chức nghiên cứu, người tiêu dùng): Quan hệ với các đại học (Mối quan hệ với các trường đại học và các tổ chức nghiên cứu- phát triển); Hỗ trợ từ các vườn ươm, khu công nghệ cao, trung tâm xúc tiến (hỗ trợ tài chính và tổ chức được cung cấp bởi các tổ chức xúc tiến và thúc đẩy như vườn ươm doanh nghiệp, trung tâm xúc tiến, khu công nghệ cao…); Quỹ đầu tư (Các quỹ tài chính chấp nhận đầu tư với rủi ro cao cho các doanh nghiệp khởi nghiệp cả trong giai đoạn phát triển); Môi trường kinh tế và công nghệ (Môi trường và điều kiện liên quan tới việc định vị sản phẩm trên thị trường, tiếp cận với các nguồn tài chính và công nghệ có thể được sử dụng để nâng cao chất lượng, chủng loại sản phẩm hiện tại và thiết kế, đưa ra thị trường những sản phẩm mới); Môi trường cạnh tranh (Những yếu tố môi trường tác động tới tính toàn diện và linh hoạt trong cạnh tranh giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp).

Về các nhân tố tác động tới hoạt động của các doanh nghiệp sau khi khởi nghiệp thành công, nhóm nghiên cứu do Konno lãnh đạo và nhiều nhóm nghiên cứu khác (Brüderl, 1992, Cooper 1994, Van Praag, 2003 và Coleman, 2013) thống nhất cho rằng một số nhân tố còn tác động tới cả sự tồn tại lâu dài và thành công của doanh nghiệp khởi nghiệp sau giai đoạn khởi sự, đặc biệt là: Kinh nghiệm thực tế của người quản lý, điều hành doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực mà doanh nghiệp hoạt động; Sự chuẩn bị của doanh nghiệp khởi sự trước khi bắt đầu hoạt động; Mạng lưới quan hệ mà người sáng lập và người quản lý thiết lập được khi bắt đầu triển khai hoạt động.

Sreenivasan và Suresh cho rằng các nhân tố sau tác động tới tính bền vững của các hoạt động khởi nghiệp (đảm bảo các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể hoạt động bền vững sau khi hoàn tất các thủ tục khởi nghiệp), bao gồm: Hỗ trợ về quản lý để thích ứng với yêu cầu bền vững; Định hướng phát triển xanh; Quản trị nguồn nhân lực theo hướng bền vững; Các chính sách hỗ trợ cho việc thích ứng với các yêu cầu phát triển bền vững…

Ở Việt Nam, các nghiên cứu được thực hiện trong thời gian qua cũng đã ghi nhận những nội dung của các nhân tố trên, đồng thời đặc biệt nhấn mạnh một số nhân tố tác động tới các hoạt động khởi nghiệp như sau: Năng lực cá nhân của người chủ trì khởi nghiệp; Khả năng và điều kiện huy động vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp; Sự hỗ trợ của gia đình và bạn bè cho người chủ trì khởi nghiệp; Sự hỗ trợ từ bên ngoài cho người chủ trì khởi nghiệp; Thực trạng, bối cảnh và điều kiện triển khai các hành vi đổi mới sáng tạo.

Một nghiên cứu của OECD (2021) đặc biệt nhấn mạnh tác động của môi trường kinh doanh, chính sách của Nhà nước và sự hỗ trợ từ các nguồn (Nhà nước, gia đình, cộng đồng, các tổ chức xã hội, các tổ chức tài chính, các cơ sở đào tạo) đối với sự gia tăng số lượng các doanh nghiệp khởi sự và đối với hoạt động của họ sau khởi sự.

Thực trạng hoạt động doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Giang

Hà Giang là tỉnh có số doanh nghiệp tính trên 1000 dân thấp nhất cả nước (Bảng 1). Năm 2021, Tỉnh chỉ có bình quân 1,12 doanh nghiệp/1000 dân, thấp hơn cả những tỉnh có điều kiện giao thông không thuận lợi bằng, thấp cả một số tỉnh có GRDP bình quân đầu người kém hơn và thấp hơn cả một số tỉnh có ít tài nguyên hơn. Điều này cho thấy dư địa để nâng cao hơn nữa số lượng doanh nghiệp ở Hà Giang còn khá nhiều và nhu cầu thúc đẩy các hoạt động khởi nhgiệp doanh nghiệp phục vụ đời sống dân sinh (nhu cầu từ phía tiêu dùng) là khá cao.

Hà Giang là tỉnh cũng có nhu cầu lớn đối với việc thúc đẩy sự hình thành các doanh nghiệp lớn:

Thứ nhất, Hà Giang có cửa khẩu để xuất/nhập hàng hóa từ Trung Quốc, thuận lợi cho sự hình thành các doanh nghiệp thương mại, đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu và những doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ cho lĩnh vực kinh doanh này. Số lượng các doanh nghiệp trong ngành này tùy thuộc và khả năng kết nối thị trường Hà Giang với các thị trường khác trong nước, đặc biệt là điều kiện giao thông và năng lực ngành logistics trên địa bàn Tỉnh;

Thứ hai, Hà Giang có diện tích nông/lâm nghiệp lớn, cần được cung cấp thiết bị, vật tư phục vụ canh tác và sản xuất ra một lượng lớn nông lâm sản cần được chế biến. Năm 2022, diện tích tự nhiên của Hà Giang là 792.800 ha, trong đó có 472.800 ha đất lâm nghiệp và 201.300 ha đất nông nghiệp;

Thứ ba, Hà Giang là một tỉnh giàu tài nguyên khoáng vật, việc khai thác theo quy mô công nghiệp với yêu cầu tuân thủ các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường đòi hỏi cần tổ chức theo mô hình doanh nghiệp;

Thứ tư, sự phát triển kinh tế- xã hội, sự thay đổi phong cách sống, sự thay đổi nhu cầu và việc nâng cao thu nhập tạo ra nhu cầu ngày càng cao về các công trình công nghiệp và dân sinh, vừa tạo ra sức ép, vừa tạo ra điều kiện thuận lợi cho sự hình thành các doanh nghiệp trong ngành xây dựng.

Thứ năm, Hà Giang có xuất phát điểm là số doanh nghiệp hiện tại còn ít, trong khi tiềm lực kinh tế của Tỉnh lớn và địa phương có một lượng khá lớn các hộ kinh doanh cá thể có quy mô ngày càng lớn, có thể phát triển thành các doanh nghiệp (Bảng 2).

Đề xuất giải pháp

Nhằm thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp phát triển bền vững tại Hà Giang, cần chú trọng các nhóm giải pháp sau:

Một là, đẩy mạnh hơn nữa việc cải thiện môi trường kinh doanh, trước hết là công tác cải cách thủ tục hành chính, giải quyết kịp thời các nhu cầu của các tổ chức kinh doanh và các đề án, dự án khởi sự kinh doanh, đồng thời rà soát chính sách thuế, chính thức hóa việc áp dụng chính sách thuế một cách thuận lợi cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa mới thành lập.

Hai là, phát huy vai trò của Quỹ Phát triển DNNVV, Quỹ Bảo lãnh Tín dụng và các đề án có liên quan tới khởi sự kinh doanh trên địa bàn (Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”, Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”, chính sách hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 theo Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ…), đồng thời khuyến khích, đỡ đầu sự hình thành và hoạt động của các quỹ đầu tư mạo hiểm trên địa bàn

Ba là, hình thành các trung tâm, đầu mối có tính chất thể chế nhằm hỗ trợ các hoạt động hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp, đặc biệt là nghiên cứu áp dụng mô hình “vườn ươm doanh nghiệp” trên địa bàn, trước hết là ở những cơ sở đào tạo, nghiên cứu trên địa bàn hoặc khuyến khích/ hỗ trợ các tổ chức như vậy mở văn phòng, xây dựng cơ sở trên địa bàn Tỉnh.

Bốn là, kết hợp các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp với các chương trình quảng bá, xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch và các chương trình khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư trên địa bàn.

Năm là, ưu đãi các doanh nghiệp ngoài tỉnh (kể cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước) thiết lập và mở rộng quan hệ liên kết, thu hút các doanh nghiệp Hà Giang tham gia vào chuỗi cung ứng của họ.

Sáu là, tổ chức nghiên cứu để ứng dụng một số công cụ và chính sách cụ thể thúc đẩy sự hình thành và phát triển của các doanh nghiệp, đặc biệt là một cơ chế tài chính cho phép những người có ý tưởng khởi nghiệp có thể tiếp cận một cách thuận lợi các nguồn tài chính theo nhu cầu và phù hợp với điều kiện của họ.

Tài liệu tham khảo:

  1. Cục Thống kê Hà Giang (2023), Niên giám thống kê tỉnh Hà Giang 2022. NXB Thống kê. Hà Nội;
  2. Nguyễn Vân Hà, Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (2023), Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 7/ 2023;
  3. Nguyễn Phúc Nguyên, Nguyễn Thị Như Ý, Đinh Nguyễn Khánh Phương, Bùi Trần Huân (2020), Nghiên cứu yếu tố quyết định sự thành công của khởi nghiệp tại Đà Nẵng. Tạp chí Khoa học và Công nghệ Đại học Đà Nẵng. Số 8/ 2020;
  4. OECD (2021), Báo cáo Chính sách Doanh nghiệp nhỏ và vừa và Khởi nghiệp tại Việt Nam- Tổng quan đánh giá và kiến nghị chính sách;
  5. Brüderl, J., Preisendörfer, P., & Ziegler, R. (1992), Survival chances of newly founded business organizations. American Sociological Review, 57(2). https:// doi.org/10.2307/2096207;
  6. Coleman, S., Cotei, C., & Farhat, J. (2013). A resource- based view of new firm survival: new perspectives on the role of industry and exit route. Journal of Developmental Entrepreneurship, 18(1). https:// doi.org/10.1142/ S1084946713500027;
 
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 4/2024