Nâng cao hiệu quả tiếp cận vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam

Nguyễn Thị Việt Nga, Giang Ngọc Hà Linh, Nguyễn Quốc Tùng

Tài chính hay được hiểu là nguồn vốn đóng vai trò quan trọng, là một trong những yếu tố, quyết định sự thành bại của doanh nghiệp khởi nghiệp. Thực tế cho thấy, rào cản phố biến nhất trong hoạt động khởi nghiệp chính là khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn. Mặc dù, pháp luật Việt Nam đã có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận nguồn vốn, nhưng việc tiếp cận nguồn vốn vẫn còn gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc. Trên cơ sở phân tích thực trạng tiếp cận vốn của doanh nghiệp khởi nghiệp, nhóm tác giả của bài viết đề xuất một số giải pháp giúp doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận vốn thuận lợi.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tổng quan

Doanh nghiệp khởi nghiệp

Trên cơ sở tổng hòa các quan điểm khác nhau thì doanh nghiệp (DN) được định nghĩa là một chủ thể kinh tế có tư cách pháp nhân, được tổ chức, tiến hành các hoạt động kinh tế theo một kế hoạch nhất định nhằm sản xuất, cung ứng, tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ trên cơ sở đảm bảo 3 “tối đa hóa”: lợi ích của người tiêu dùng, lợi nhuận và các mục tiêu xã hội.

Doanh nghiệp khởi nghiệp (DNKN) cũng hướng đến 3 mục tiêu trên, nhưng có những đặc thù riêng. Tư cách pháp nhân của loại hình DNKN tùy thuộc vào quy định pháp lý của từng quốc gia. Ở một số quốc gia, DNKN không nhất thiết hình thành dưới hình thức pháp nhân.

Về bản chất, hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo (ĐMST) là sự thể hiện trên thực tế quyền tự do kinh doanh, quyền sáng tạo của công dân thông qua quyết định gia nhập thị trường, chấp nhận các rủi ro tiềm tàng với kỳ vọng tạo ra các hoạt động kinh tế mới cũng như tìm kiếm các cơ hội thu hút đầu tư từ những nhà đầu tư tiềm năng.

Các DNKN và ĐMST hoạt động dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ cũng như mô hình công nghệ mới với “tiềm năng” phát triển theo phán đoán của người sáng tạo cũng như các chủ thể khác tham gia thị trường. Đặc trưng này khiến các DNKN và ĐMST gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn để hiện thực hoá các mục tiêu kỳ vọng.

Những hạn chế của mô hình khởi nghiệp ĐMST chỉ bộc lộ khi được hiện thực hoá trong thực tiễn. Do đó, khi quyết định đầu tư vốn hay cấp tín dụng cho DNKN và ĐMST, nhà đầu tư, tổ chức tín dụng phải cân nhắc thận trọng hơn rất nhiều so với các DN khác. Cùng với đó, các quy định về tiếp cận vốn cho DNKN và ĐMST cũng cần đơn giản về trình tự, thủ tục cũng như dự phòng được những rủi ro khi thực hiện cấp tín dụng cho mô hình DN này.

Đặc trưng kinh doanh

Điểm mạnh tiềm năng nhất của DNKN là khả năng tăng trưởng cao trong ngắn hạn, bởi đặc trưng của mô hình kinh doanh khởi nghiệp hướng tới việc phát triển nhanh chóng. Quá trình phát triển của một DNKN được thể hiện như Hình 1.

Hình 1: Sáu giai đoạn phát triển của một doanh nghiệp khởi nghiệp

Nguồn: Nghiên cứu của tác giả
Nguồn: Nghiên cứu của tác giả

Thứ nhất, ý tưởng khởi nghiệp: Xác định sản phẩm, dịch vụ cụ thể, mang tính đổi mới và sáng tạo trong thị trường hiện tại, được hiểu như một phân ngách thị trường đặc trưng. Từ đó, người khởi nghiệp phải xây dựng được một kế hoạch kinh doanh có cấu trúc kỹ năng cần thiết để biến ý tưởng này thành hiện thực.

Thứ hai, triển khai ý tưởng: Sau khi xây dựng kế hoạch kinh doanh từ việc sắp xếp và triển khai các ý tưởng kinh doanh một cách ổn định, DNKN chứng minh khả năng thực hiện ý tưởng thông qua nguồn nhân lực (người/nhóm người khởi nghiệp) có đủ năng lực chuyên môn để triển khai.

Thứ ba, thực hiện triển khai: Là giai đoạn khó khăn đối với DNKN, quyết định hướng đi tiếp hoặc dừng lại đối với kế hoạch kinh doanh đã đề ra. Đây là giai đoạn DNKN có khả năng tiếp cận nguồn vốn vay, tài trợ hoặc đầu tư, việc tìm kiếm được nguồn vốn hay không sẽ quyết định hướng đi tiếp theo của DN. Nếu không tìm được nguồn vốn đầu tư hoặc cho vay, nhiều DN phải dừng hoạt động khởi nghiệp.

Thứ tư, xác định mô hình kinh doanh: Giai đoạn này, mục tiêu của DNKN là đánh giá, hoàn thiện sản phẩm, dịch vụ; DN cần phải cụ thể hóa hiệu quả bằng các số liệu tài chính như doanh thu, chi phí và lợi nhuận. Các số liệu về tài chính sẽ chứng minh được khả năng phát triển bền vững hay không, làm cơ sở để xác định chiến lược kinh doanh cụ thể của DNKN. Nếu thành công sẽ chốt lại quá trình khởi động của DNKN để thực sự bước vào vận hành quá trình tăng trưởng.

Thứ năm, tăng trưởng và mở rộng quy mô: Tăng trưởng là chìa khóa và là mục tiêu của khởi nghiệp. Tiếp thị, mở rộng thị trường, tăng trưởng quy mô là những yếu tố chính trong giai đoạn này.

Thứ sáu, thành lập: Là mục tiêu cuối cùng của hoạt động khởi nghiệp. Đây là thời điểm để người khởi nghiệp quyết định rời khỏi thị trường hay tiếp tục vận hành phát triển thành một công ty hoàn chỉnh.

Nhu cầu về vốn của doanh nghiệp khởi nghiệp

Sự thành công của DNKN được quyết định bởi 5 yếu tố: (1) Khách hàng, thị trường; (2) Hệ thống; (3) Nguồn nhân lực; (4) Tài chính; (5) Chủ DN (người khởi nghiệp). Trong đó, tài chính vừa là nhân tố tác động, vừa là nhân tố bị tác động. Muốn khởi nghiệp thành công thì DNKN chắc chắn phải có nguồn vốn (tài chính); ngược lại, các nhân tố khác đóng vai trò tác động để DNKN có thể tiếp cận được nguồn vốn.

Các DNKN luôn có nhu cầu rất lớn về hỗ trợ tài chính để có thể hiện thực hóa phương án kinh doanh và mở rộng quy mô hoạt động, đây cũng là trở ngại lớn đối với họ. Theo Báo cáo Chỉ số khởi nghiệp 2017/2018 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI, nguyên nhân chính dẫn đến từ bỏ kinh doanh năm 2017 của người khởi nghiệp là gặp vấn đề về tài chính (26,3%), chiếm tỷ trọng cao nhất trong tất cả các lý do.

Thực tế tại thị trường Việt Nam, DNKN thường có các cách thức tạo nguồn để kinh doanh sau:

- Vốn của người khởi xướng khởi nghiệp: Cũng giống như vai trò của vốn chủ sở hữu, nguồn vốn này thể hiện sức mạnh của DN. Tuy nhiên, ý nghĩa của khởi nghiệp xuất phát từ việc khuyến khích triển khai các ý tưởng đột phát và thực hiện quản lý hiệu quả để tạo nên tiền đề cho DN, chứ không phải từ sức mạnh của vốn chủ. Do đó, hầu hết những người khởi xướng khởi nghiệp không có năng lực vốn để đầu tư và phát triển kinh doanh.

- Vốn vay của người thân, bạn bè người khởi xướng: Là nguồn vốn chủ yếu dựa trên mối quan hệ quen biết và hỗ trợ, không phải dựa trên việc đánh giá hiệu quả kinh tế của DNKN. Do đó, nguồn vốn này thường có quy mô nhỏ.

- Vốn nhận từ các chương trình hay tổ chức chuyên hỗ trợ vốn cho hoạt động khởi nghiệp: Hiện nay, tại các tỉnh thành đều có các tổ chức hoạt động như các quỹ đầu tư mạo hiểm, chuyên hỗ trợ vốn cho các DNKN. Các tổ chức này vừa đóng vai trò cung cấp vốn, vừa đóng vai trò đào tạo; nhiều tổ chức còn có các nhân viên tư vấn theo sát từng dự án khởi nghiệp, tuy nhiên, do tập trung vào mục tiêu đào tạo và phát triển tư duy, nên vai trò cung cấp vốn còn hạn chế.

- Vốn vay từ ngân hàng thương mại (NHTM): Tiếp cận được nguồn vốn từ NHTM có nhiều lợi ích đối với DNKN, vì đây là nguồn vốn có các gói vay đa dạng, chi phí tài chính rẻ, ổn định và có tiềm lực vốn lớn. Vay vốn NHTM là sự lựa chọn tốt nhất cho các chủ DNKN muốn độc lập trong kinh doanh mà không phụ thuộc hay bị chi phối bởi nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng không dễ dàng đối với các hoạt động khởi nghiệp của DN.

Thực trạng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp khởi nghiệp

Thời gian qua, hệ thống chính sách, pháp luật thúc đẩy khởi nghiệp về cơ bản đã tương đối đầy đủ nhưng các DNKN vẫn gặp phải một số rào cản trong quá trình huy động, tiếp cận nguồn vốn. Với các DNKN, khó khăn không phải là công nghệ lạc hậu, trình độ lao động thấp, mà chủ yếu nằm ở yêu cầu về tính khả thi của kế hoạch kinh doanh, thông tin về năng lực tài chính, tài sản được dùng để thế chấp vay vốn.

Thực tế cho thấy, các DNKN phần lớn quy mô nhỏ, thậm chí rất nhỏ, chỉ là một nhóm cá nhân tập hợp để xây dựng ý tưởng sáng tạo. Do vậy, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính đều hạn chế, thiếu hoặc không có tài sản đảm bảo. Vì vậy, thông thường, các DNKN rất khó đáp ứng được các điều kiện để tiếp cận với nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng.

Việc tiếp cận vốn lần đầu đã khó, các lần tiếp cận vốn tiếp theo lại thêm phần khó khăn hơn do khó duy trì tình trạng sử dụng vốn và chứng minh năng lực tài chính cho lần tiếp theo.

Đối với các chủ thể mới gia nhập thị trường, việc phân tích và đánh giá khả năng sử dụng vốn khả thi với những “công thức” cho trước của các tổ chức tín dụng hầu như dẫn đến sự “bế tắc” về cơ hội vốn cho DNKN, vì tất cả các yếu tố được xem xét đều ở mức độ “khởi đầu”, không dễ dàng cho việc nhận được nguồn vốn. Hay như trong việc phân tích, đánh giá về khả năng tài chính của khách hàng, người được đánh giá là có khả năng tài chính để trả nợ thể hiện qua các tiêu chí cơ bản sau: Kinh doanh có hiệu quả, năm trước liền kề có lãi, trường hợp năm trước liền kề lỗ và/hoặc có lỗ lũy kế thì phải có phương án khắc phục lỗ khả thi và có khả năng trả nợ đầy đủ, đúng hạn trong thời hạn cam kết.

Đối với pháp nhân mới thành lập, chưa có số liệu về tình hình hoạt động kinh doanh, đánh giá khả năng tài chính của khách hàng thông qua phần vốn thực góp của các thành viên/cổ đông thể hiện trên cân đối kế toán của DN so với vốn điều lệ đã đăng ký trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/giấy chứng nhận đầu tư. '

Thực tế hiện nay, DNKN thường sử dụng vốn từ tích lũy tự có và/hoặc từ người thân, sau đó tiếp cận nguồn vốn của các quỹ đầu tư quan tâm đến lĩnh vực hoạt động của DNKN. Đây thường là những tổ chức, cá nhân chấp nhận rủi ro, yêu thích công nghệ, có thể đầu tư ngay từ giai đoạn xây dựng ý tưởng, tham gia ý kiến, sáng kiến cho hệ sinh thái mà ý tưởng khởi nghiệp hướng tới.

Những bất cập trong tiếp cận vốn của doanh nghiệp khởi nghiệp

Dù có nhiều chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, nhưng đầu tư vào hoạt động khởi nghiệp và ĐMST chưa trở thành kênh thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư dù có nhiều lợi thế như tạo cơ hội việc làm, tạo động lực cho nền kinh tế thông qua dịch chuyển cơ cấu kinh tế ngành và chuyển động mạnh mẽ theo cơ chế thị trường.

Nguyên nhân của tình trạng này do mới gia nhập thị trường, chưa có nhiều uy tín và kết quả đổi mới sáng tạo mới được thể hiện trên “giấy”, chưa có trên thị trường hoặc tạo ra một giá trị tốt hơn so với những thứ đang có sẵn nên cần phải có thời gian để kiểm chứng, đó là lý do DNKN chưa trở thành lựa chọn của phần lớn nhà đầu tư. Nói cách khác, đầu tư cho DNKN không phù hợp với nhà đầu tư chú trọng an toàn mà dành cho nhà đầu tư mạo hiểm; do đó, các dự án khởi nghiệp thường được bắt đầu bằng nguồn vốn tự có hạn hẹp của các thành viên sáng lập, trong khi khả năng vay vốn ngân hàng hoặc kêu gọi các quỹ đầu tư lại rất thấp.

Thực chất, DNKN và ĐMST không có nhiều kinh nghiệm tham gia thị trường nên có thể gặp nhiều trở ngại trong giới thiệu dự án khởi nghiệp, mô hình đổi mới sáng tạo một cách rộng mở nhất nên không có cơ hội để vươn ra thị trường. Mặc dù, Nhà nước đã áp dụng cơ chế tài chính, chính sách thuế đặc thù đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động khởi nghiệp ĐMST hoặc đầu tư cho khởi nghiệp ĐMST… nhưng chưa giải quyết được tận gốc điểm yếu của DNKN là vốn đầu tư dài hạn để có thể “sống cùng” DN. Vì lẽ DNKN cần môi trường và vốn để triển khai mô hình kinh doanh cũng như ý tưởng sáng tạo. Còn nhà đầu tư thì phần lớn sẽ quan tâm đến khả năng sinh lời của đồng vốn.

Thực tiễn thực hiện pháp luật về tiếp cận nguồn vốn cho khởi nghiệp và ĐMST ở Việt Nam cũng đã phát sinh nhiều bất cập, hạn chế đối với từng nguồn vốn mà DNKN và ĐMST có thể tiếp cận, cụ thể:

Về nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước, để tiếp cận nguồn vốn từ các chính sách hỗ trợ, DNKN và ĐMST phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính với nhiều bước, công đoạn xét duyệt với nhiều loại hồ sơ, giấy tờ. Thực tế này đã làm cản trở không ít mô hình khởi nghiệp được “ươm mầm” từ “bầu sữa” ngân sách nhà nước. Nói cách khác, hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia chưa thật sự trở thành động lực cho thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp và ĐMST ở Việt Nam.

Về nguồn vốn tín dụng, DNKN và ĐMST rất khó có thể dùng mô hình khởi nghiệp hay ý tưởng ĐMST để làm tài sản đảm bảo khi vay vốn ở ngân hàng mặc dù pháp luật hiện hành đã cho phép chủ sở hữu quyền tài sản phát sinh từ quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ thông tin, hoạt động khoa học, công nghệ được dùng quyền tài sản đối với đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng; quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ; quyền khác trị giá được bằng tiền phát sinh từ quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ thông tin, hoạt động khoa học, công nghệ để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Nói cách khác, để nguồn vốn tự có phát sinh từ dự án khởi nghiệp và ĐMST trở thành tài sản bảo đảm đòi hỏi phải có những hướng dẫn cụ thể, chi tiết cho việc nhận tài đảm bảo là quyền tài sản phát sinh từ quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ thông tin, hoạt động khoa học, công nghệ không chỉ từ phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà còn cả các ngân hàng thương mại, đặc biệt là vấn đề định giá tài sản, tính thanh khoản của tài sản đảm bảo là quyền tài sản phát sinh từ quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ thông tin, hoạt động khoa học, công nghệ.

Trong khi đó, việc huy động vốn trên thị trường chứng khoán tập trung là tương đối khó khăn do các DNKN đa phần có quy mô vừa và nhỏ, chưa phải là công ty đại chúng, đồng thời để trở thành công ty đại chúng và niêm yết trên thị trường chứng khoán tập trung, các DNKN và ĐMST đa phần là không đáp ứng được. Ngoài ra, Nghị định số 38/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết về đầu tư cho DN nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo quy định quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo không có tư cách pháp nhân, do tối đa 30 nhà đầu tư góp vốn thành lập trên cơ sở điều lệ quỹ; quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo không được góp vốn vào quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo khác là rào cản đáng kể trong thu hút nguồn vốn từ cộng đồng cho hoạt động khởi nghiệp, ĐMST ở Việt Nam.

Ở Việt Nam, hình thức gọi vốn từ cộng đồng dựa trên nền tảng Internet còn dè dặt, chưa tạo ra được sự ảnh hưởng đến thị trường khởi nghiệp sáng tạo, nhất là hình thức gọi vốn đổi lấy cổ phần chưa có mặt tại Việt Nam. Do thiếu cơ sở pháp lý cho việc gọi vốn từ cộng đồng nên các dự án khởi nghiệp, ĐMST rất khó có thể đến được với số đông nhà đầu tư có nhu cầu góp vốn, mua cổ phần ở những dự án khởi nghiệp và ĐMST. Việc gọi vốn từ cộng đồng còn đặc biệt có ý nghĩa đối với các dự án khởi nghiệp và ĐMST ở khu vực nông thôn, gắn với khai thác giá trị văn hoá bản địa trong hoạt động du lịch sinh thái, khai thác, mở rộng giá trị thương mại sản phẩm của các làng nghề.

Giải pháp giúp doanh nghiệp khởi nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn

Trên cơ sở phân tích thực trạng tiếp cận vốn của các DNKN và ĐMST, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp giúp các DN này tiếp cận nguồn vốn thuận lợi.

Trước hết về tiếp cận vốn vay, cần tạo cơ sở pháp lý để DNKN tiếp cận nguồn vốn vay trong nước bằng con đường truyền thống là vay vốn của tổ chức tín dụng. Như đã phân tích, với quy định và các điều kiện ràng buộc chặt chẽ “trách nhiệm của người quyết định cho vay” như hiện nay sẽ có không ít DNKN không thể tiếp cận được với vốn tín dụng từ chính các tổ chức tín dụng.

Để giải quyết vấn đề trên, Ngân hàng Nhà nước cần quy định rõ điều kiện cấp tín dụng cho nhóm chủ thể mới này. Ngoài ra, cũng cần có quy định ưu đãi hoặc cơ chế tái cấp vốn cho các tổ chức tín dụng sử dụng nguồn vốn để cho vay đối với DNKN với tỷ trọng lớn. Chỉ có cách thức như vậy, cơ hội có vốn của các DNKN mới có khả năng trở thành hiện thực.

Đối với các tổ chức tín dụng, nên đa dạng hóa các sản phẩm cho vay, tạo điều kiện cho nhóm chủ thể DN nhỏ và vừa, DNKN có cơ hội tiếp cận vốn. Chẳng hạn, rút ngắn quy trình cấp tín dụng, phát triển hoạt động cho vay khép kín từ khâu cho vay đến giám sát sử dụng vốn thông qua kiểm soát dòng tiền của toàn bộ quá trình (từ khâu thu mua, sơ chế, sản xuất, xuất khẩu và thanh toán…)

Bên cạnh việc rút gọn quy trình cấp tín dụng, các tổ chức tín dụng cũng cần sử dụng tối đa thông tin có được về khách hàng vay vốn - DNKN. Nguồn thông tin tiếp cận quan trọng chính là báo cáo tài chính của DN. Đây là tài liệu quan trọng để bên cho vay “chấm điểm tín dụng đối với khách hàng”, qua đó có cơ sở cho việc quyết định cho vay.

Ngoài nguồn vốn tín dụng, một nguồn vốn quan trọng khác là từ các quỹ hỗ trợ. Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp cùng với các bộ, ngành có liên quan để thực hiện cơ chế bảo lãnh vay vốn cho các DN nhỏ và vừa, hay DNKN; cần nhanh chóng thành lập các quỹ đặc biệt của Nhà nước dành cho các DNKN như: Quỹ đầu tư tác động, Quỹ sáng kiến trong giai đoạn đầu, Quỹ đầu tư mạo hiểm theo ngành nghề của Nhà nước... Hoạt động của các quỹ này bên cạnh nguồn vốn “mồi” của Nhà nước, cũng có thể áp dụng cơ chế “xã hội hóa” nguồn vốn. Phương thức xã hội hóa có thể cân nhắc thực hiện như gọi vốn cộng đồng, góp vốn của các quỹ đầu tư mạo hiểm.

Đặc biệt, cần có quy định pháp lý cụ thể về hoạt động của các quỹ đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư mạo hiểm khác. Theo đó, cần có hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn về trình tự thủ tục đăng ký kêu gọi vốn tại các quỹ, cũng như giảm thiểu gánh nặng tài chính, miễn thuế trong giai đoạn khởi nghiệp, cung cấp các dịch vụ liên quan đến thủ tục đăng ký vay vốn, cung cấp phần mềm kế toán… Đồng thời, các bộ, ngành cần sớm ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung các văn bản để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức và hoạt động của Quỹ tín dụng DN nhỏ và vừa, Quỹ đầu tư khởi nghiệp nói chung và DNKN nói riêng.

Với Quỹ đầu tư cho DN, cần cân nhắc nới rộng giới hạn khoản hỗ trợ tài chính, tránh tình trạng “rải mành mành”, mục tiêu đầu tư sẽ không đạt được. Thực tế cho thấy, để nhận được nguồn tài chính trực tiếp từ quỹ đầu tư thường rất khó khăn, vì vậy Nhà nước có thể áp dụng đầu tư công (theo địa chỉ và đơn đặt hàng) để hình thành những vườn ươm khởi nghiệp có quy mô lớn.

Kết luận

Hiện nay, Việt Nam đã có Luật số 04/2017/QH14 về hỗ trợ DN nhỏ và vừa, và Nghị định số 38/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về đầu tư cho DN nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, trong đó đã có quy định về các nguyên tắc, nội dung, nguồn lực hỗ trợ DN nhỏ và vừa, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Tuy nhiên vẫn còn nhiều bất cập cần phải giải quyết để để khơi thông dòng vốn cho các DNKN. Bên cạnh các giải pháp về tiếp cận nguồn vốn, Nhà nước và đặc biệt là bản thân các DNKN, DN nhỏ và vừa cần chú trọng tới việc nâng cao năng lực, kỹ năng để có thể tiếp cận nguồn vốn kinh doanh hiệu quả. Chủ DNKN cũng cần phải chủ động, tích cực tìm các nguồn huy động vốn, nắm rõ trình tự, thủ tục vay vốn và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đảm bảo việc vay vốn được thành công. Đồng thời, tăng cường chất lượng quản trị trong hoạt động của DN để bảo đảm quản lý hiệu quả nguồn vốn vay trên thực tế.

Tài liệu tham khảo:

  1. Bùi Nhật Quang (2018), Chính sách khuyến khích khởi nghiệp doanh nghiệp của Việt Nam, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.70-71;
  2. Lê Thị Minh Ngọc (2020), Hình thức huy động vốn của các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, Tạp chí Tài chính, kỳ 1 Tháng 3/2020;
  3. Lưu Minh Sang, Huy động vốn của doanh nghiệp khởi nghiệp thông qua thị trường chứng khoán, https://tapchitaichinh.vn/kinh-te-vi-mo/huy-dong-von-cua-doanh-nghiep-khoi-nghiep-thong-qua-thi-truong-chung-khoan-328453.html;
  4. Lương Minh Hà, Đỗ Thu Hằng, Vương Thu Trang (2015), "Khởi nghiệp Việt Nam: Từ niềm tin tới thực tế", Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 19/2015;
  5. Dan Senor và Saul Singer (2009), Start-up Nation: The Story of Israel’s Economic Miracle, Twelve, New York;
  6. Fatoki, O. (2014). The causes of the failure of new small and medium enterprises in South Africa. Mediterranean Journal of Social Sciences, 5(20), 922-922;
  7. Haron, H., Said, S. B., Jayaraman, K., & Ismail, I. (2013). Factors influencing small medium enterprises (SMES) in obtaining loan. International Journal of Business and Social Science, 4(15);
  8. Mole, S. A., & Namusonge, G. S. (2016). Factors affecting access to credit by small and medium enterprises: A case of Kitale Town. The international journal of social sciences and humanities invention, 3(10), 2904-2917.
 
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 8/2023