Đánh giá, phân loại mức độ tuân thủ pháp luật thuế và mức độ rủi ro người nộp thuế


Thông tư số 31/2021/TT-BTC vừa được Bộ Tài chính ban hành ngày 17/5/2021 quy định rõ về phương thức đánh giá, phân loại mức độ tuân thủ pháp luật thuế và mức độ rủi ro người nộp thuế trong quản lý thuế. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 2/7/2021.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Theo Tổng cục Thuế, việc đánh giá, phân loại mức độ tuân thủ pháp luật thuế và mức độ rủi ro người nộp thuế được thực hiện tự động, định kỳ, theo một hoặc kết hợp các phương pháp quy định tại Thông tư này trên cơ sở các quy định của pháp luật, các quy trình, biện pháp nghiệp vụ quản lý thuế, dựa trên phân loại người nộp thuế, các tiêu chí quy định tại Thông tư số 31/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính và cơ sở dữ liệu về người nộp thuế.

Căn cứ vào kết quả đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật thuế, phân loại mức độ rủi ro người nộp thuế, thông tin có trên các ứng dụng hỗ trợ quản lý thuế của cơ quan thuế, thông tin dấu hiệu vi phạm, dấu hiệu rủi ro khác được cung cấp tại thời điểm ra quyết định, cơ quan thuế thực hiện quyết định kiểm tra, thanh tra, giám sát, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ phù hợp; xây dựng kế hoạch nâng cao tuân thủ tổng thể phù hợp với nguồn lực của cơ quan thuế dựa trên kết quả phân tích bản chất hành vi, nguyên nhân và quy mô của mỗi mức độ tuân thủ pháp luật thuế, mức độ rủi ro.

Trường hợp ứng dụng quản lý rủi ro gặp sự cố hoặc chưa đáp ứng yêu cầu áp dụng quản lý rủi ro theo nội dung quy định tại Thông tư số 31/2021/TT-BTC, việc áp dụng quản lý rủi ro được thực hiện thủ công bằng phê duyệt văn bản đề xuất hoặc văn bản ký phát hành của người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp nghiệp vụ quản lý thuế theo quy định tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Ngoài ra, trường hợp có thay đổi thông tin dẫn đến thay đổi kết quả đánh giá tuân thủ pháp luật thuế và phân loại mức độ rủi ro người nộp thuế, ứng dụng quản lý rủi ro chưa tự động điều chỉnh mức độ tuân thủ và mức độ rủi ro, việc cập nhật thay đổi kết quả đánh giá được thực hiện thủ công bởi công chức, sau khi có phê duyệt của người có thẩm quyền.

Theo Tổng cục Thuế, kết quả áp dụng các biện pháp nghiệp vụ tương ứng với các mức xếp hạng rủi ro phải được cập nhật đầy đủ, chính xác vào các ứng dụng hỗ trợ quản lý thuế của cơ quan thuế hoặc ứng dụng quản lý rủi ro đối với từng trường hợp cụ thể, phục vụ hoàn thiện và thực hiện đánh giá tuân thủ pháp luật thuế và phân loại rủi ro người nộp thuế trong kỳ tiếp theo.

Cụ thể, người nộp thuế là doanh nghiệp được phân loại mức độ rủi ro theo 5 thứ hạng sau: hạng 1 là người nộp thuế rủi ro rất thấp; hạng 2 là người nộp thuế rủi ro thấp; hạng 3 là người nộp thuế rủi ro trung bình; hạng 4 là người nộp thuế rủi ro cao và hạng 5 là người nộp thuế rủi ro rất cao.

Trong đó, mức độ rủi ro người nộp thuế là doanh nghiệp được phân loại dựa trên kết quả đánh giá tuân thủ pháp luật thuế theo các mức: mức 1: Tuân thủ cao; mức 2: Tuân thủ trung bình; mức 3: Tuân thủ thấp; mức 4: Không tuân thủ.

Đồng thời, mức độ rủi ro người nộp thuế là doanh nghiệp còn được phân loại dựa trên 97 tiêu chí được quy định tại phụ lục ban hành kèm theo Thông tư số 31/2021/TT-BTC như: Chi phí doanh nghiệp; lợi nhuận doanh nghiệp; khả năng thanh toán cuat doanh nghiệp...

Đối với người nộp thuế là cá nhân, mức độ rủi ro người nộp thuế là cá nhân được phân loại theo một trong các mức sau: Rủi ro cao; Rủi ro trung bình; Rủi ro thấp. Trong đó, mức độ rủi ro người nộp thuế là cá nhân được phân loại dựa trên kết quả đánh giá tuân thủ pháp luật thuế theo các mức: mức 1: Tuân thủ cao; mức 2: Tuân thủ trung bình; mức 3: Tuân thủ thấp; mức 4: Không tuân thủ.

Ngoài ra, mức độ rủi ro người nộp thuế là cá nhân cũng được phân loại dựa trên 71 tiêu chí được quy định tại phụ lục ban hành kèm theo Thông tư số 31/2021/TT-BTC như: Tiêu chí đánh giá rủi ro đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; Thu nhập từ hoạt động cho thuê tài sản của cá nhân; Thu nhập từ tiền lương, tiền công của cá nhân cư trú...