Đánh giá tầm quan trọng của kiểm toán nội bộ trong quản trị rủi ro doanh nghiệp


Doanh nghiệp ứng phó hiệu quả với môi trường kinh doanh thay đổi thông qua việc nhận diện, ưu tiên và lập kế hoạch ứng phó với các rủi ro.
Doanh nghiệp ứng phó hiệu quả với môi trường kinh doanh thay đổi thông qua việc nhận diện, ưu tiên và lập kế hoạch ứng phó với các rủi ro.

Do đó, các doanh nghiệp cần nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của kiểm toán nội bộ trong quản trị rủi ro doanh nghiệp và làm tốt công tác này để mang lại hiệu quả cao nhất cho doanh nghiệp.

Sự cần thiết của quản trị rủi ro doanh nghiệp

Mục tiêu của quản trị rủi ro doanh nghiệp (DN) không chỉ dừng ở việc giảm thiểu rủi ro, mà là quản lý các rủi ro một cách hiệu quả, toàn diện, làm cơ sở cho việc bảo toàn và phát triển các giá trị của tổ chức. Đánh giá về tầm quan trọng của quản trị rủi ro DN đối với DN, các chuyên gia cho rằng, quản trị rủi ro DN góp phần tăng cường công tác quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro doanh nghiệp hỗ trợ tích cực cho quản trị DN, bằng cách cung cấp thông tin cho Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên các rủi ro trọng yếu và các biện pháp cần thực hiện. Một trong những mục tiêu chủ chốt trong hoạt động quản trị DN đó là đảm bảo DN hoạt động bền vững và liên tục tăng cường các giá trị như tài chính, thị phần, thương hiệu…

Không những thế, quản trị rủi ro doanh nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thành mục tiêu chiến lược đã đề ra thông qua các công cụ quản trị rủi ro, cụ thể như: Đánh giá khả năng xảy ra và ảnh hưởng của các tình huống xấu, xây dựng các biện pháp ngăn ngừa, ứng phó, hoặc quản lý ảnh hưởng của các tình huống tới DN trong trường hợp xảy ra; Quản trị rủi ro không tập trung vào các rủi ro cụ thể mà vào nguồn gốc gây ra thiệt hại cho DN. Từ đó hỗ trợ cấp quản lý trong việc cải thiện hiệu quả hoạt động của DN thông qua việc tập trung vào việc giảm thiểu các nguyên nhân dẫn tới giảm doanh thu, lợi nhuận, tránh các tình huống bị động; Doanh nghiệp ứng phó hiệu quả với môi trường kinh doanh thay đổi thông qua việc nhận diện, ưu tiên và lập kế hoạch ứng phó với các rủi ro giúp DN chủ động xử lý tình huống khủng hoảng;

Ngoài ra, quản trị rủi ro DN góp phần xây dựng lòng tin và đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của nhà đầu tư và các bên liên quan. Hiện nay, các nhà đầu tư, các tổ chức đánh giá tín dụng có thể yêu cầu DN công bố khả năng quản lý rủi ro để có cơ sở đánh giá mức độ tương quan giữa lợi nhuận có thể thu được và rủi ro có thể gặp phải. Nếu các DN quản lý rủi ro tốt sẽ xử lý được các vấn đề hiệu quả hơn đối với các rủi ro mới xuất hiện trong hoạt động kinh doanh;

Tầm quan trọng của kiểm toán nội bộ trong quản trị rủi ro doanh nghiệp

Những thách thức trong quá trình hội nhập kinh tế càng làm gia tăng rủi ro cho các DN. Càng nhiều biến động thị trường, càng nhiều yếu tố không chắc chắn, mối đe dọa đối với DN lại càng lớn. Mức độ thành công hay thất bại của DN chịu ảnh hưởng trực tiếp của các rủi ro liên quan và việc các rủi ro đó được kiểm soát như thế nào. Do đó, các DN cần làm tốt công tác quản trị rủi ro thông qua việc sử dụng một cách đơn lẻ hoặc kết hợp các công cụ kiểm soát và quản lý rủi ro

Kiểm toán nội bộ (KTNB) là một trong số những công cụ đó. Việc tăng cường vai trò “người trợ giúp tổ chức hoàn thành mục tiêu qua việc đảm bảo về tính hiệu quả, hiệu lực của các quy trình kiểm soát” thông qua vai trò của KTNB, trợ giúp đắc lực cho công tác quản trị của rủi ro của DN trong bối cảnh hiện nay.

KTNB là một chức năng đánh giá độc lập đối với những hoạt động khác nhau của một tổ chức như là một sự trợ giúp đối với tổ chức. Theo Liên đoàn Kế toán quốc tế (IFAC), KTNB là “một hoạt động đánh giá được lập ra trong DN như là một loại dịch vụ cho DN, có chức năng kiểm tra, đánh giá và giám sát tính thích hợp và hiệu quả của hệ thống kế toán và kiểm soát nội bộ”

KTNB được xem là “tai mắt” của quản lý DN thông qua việc sử dụng các chuyên gia có nhiệm vụ kiểm tra và soát xét tất cả các bộ phận và chức năng trong DN và báo cáo cho lãnh đạo DN các kết quả công việc của mình. Để phát huy vai trò của KTNB trong quản trị rủi ro, DN cần tổ chức và duy trì chức năng KTNB trong DN một cách thích hợp. Trước hết về định hướng tiếp cận, KTNB tiếp cận theo định hướng rủi ro sẽ là giải pháp lựa chọn tốt nhất cho các DN trong bối cảnh hiện nay. KTNB trên cơ sở tiếp cận rủi ro đang là xu thế và ngày càng chứng minh tính tiến bộ, hiệu quả của mình trong vai trò đồng hành cùng quản lý DN.

KTNB tiếp cận định hướng rủi ro chú trọng vào những hoạt động quan trọng của DN, các rủi ro ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu quan trọng đó, quan tâm đến toàn bộ kết cấu của DN chứ không chỉ là các hệ thống riêng biệt, chú ý đặc biệt đến những lĩnh vực mà không có sự xác định trách nhiệm rõ ràng hoặc bị chồng chéo giữa các chức năng.