Không tăng biên chế làm công tác kiểm toán nội bộ đối với cơ quan nhà nước
Theo Nghị định số 05/2019/NĐ-CP ngày 22/1/2019 của Chính phủ, việc thực hiện công tác kiểm toán nội bộ ở các đơn vị cơ quan nhà nước phải đảm bảo nguyên tắc không tăng biên chế, không phát sinh đầu mối mới.
Ngày 22/1/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 05/2019/NĐ-CP quy định về kiểm toán nội bộ, trong đó quy định rõ công tác kiểm toán nội bộ đối với cơ quan nhà nước.
Theo đó, kể từ ngày 01/04/2019, các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phải thực hiện công tác kiểm toán nội bộ tại bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các đơn vị trực thuộc bao gồm cả đơn vị sự nghiệp trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải thực hiện công tác kiểm toán nội bộ tại Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo Nghị định số 05/2019/NĐ-CP, việc thực hiện công tác kiểm toán nội bộ ở các đơn vị trên phải đảm bảo nguyên tắc không tăng biên chế, không phát sinh đầu mối mới.
Mục tiêu của kiểm toán nội bộ là thông qua các hoạt động kiểm tra, đánh giá và tư vấn, kiểm toán nội bộ đưa ra các đảm bảo mang tính độc lập, khách quan và các khuyến nghị về các nội dung sau đây: Hệ thống kiểm soát nội bộ của đơn vị đã được thiết lập và vận hành một cách phù hợp nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý các rủi ro của đơn vị; Các quy trình quản trị và quy trình quản lý rủi ro của đơn vị đảm bảo tính hiệu quả và có hiệu suất cao; Các mục tiêu hoạt động và các mục tiêu chiến lược, kế hoạch và nhiệm vụ công tác mà đơn vị đạt được.
Ngoài ra, Nghị định số 05/2019/NĐ-CP cũng quy định rõ các nguyên tắc cơ bản của kiểm toán nội bộ cần phải đảm bảo là: Tính độc lập, Tính khách quan, Tuân thủ pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động kiểm toán nội bộ.