Đào tạo kế toán công trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, dự báo sẽ tác động đến mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội nói chung và lĩnh vực đào tạo kế toán nói riêng. Ứng phó với những tác động đến từ cuộc Cách mạng này, công tác đào tạo chuyên ngành Kế toán công tại các trường đại học Việt Nam đã được chú trọng đẩy mạnh, để đào tạo các cán bộ chuyên môn chuyên sâu, cán bộ quản lý và nghiên cứu có trình độ đại học trở lên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là trong lĩnh vực công.
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động ra sao đến đào tạo kế toán công?
Tại Hội thảo “Đổi mới quy trình kế toán trong thời đại công nghệ số” do Bộ Tài chính phối hợp với Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam và Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales tổ chức cuối năm 2018, ông Vũ Ngọc Hoàng, kiến trúc sư giải pháp phần mềm Oracle Việt Nam cho rằng, sự đột phá kỹ thuật số trong kế toán sẽ tạo ra những xu hướng mới, khoảng 66% doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ sẽ thay thế những dịch vụ mà kế toán viên hiện đang thực hiện bằng các dịch vụ đám mây; 50% DN vừa và nhỏ sẽ thay nhân viên kế toán nếu họ không thích ứng với công nghệ đám mây. Những công việc dễ được tự động hóa và thay thế bằng phần mềm nhất gồm: Nhập bút toán bằng tay, ghi sổ kế toán, lập báo cáo tài chính cuối năm, lập báo cáo hoạt động kinh doanh, tiền lương, phân tích tài chính.
Cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 còn dựa trên nền tảng công nghệ số, tích hợp các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình sản xuất, quy trình kinh doanh, quy trình nghiệp vụ, phương thức sản xuất, trong đó có quy trình xử lý, cung cấp thông tin cho bộ phận kế toán và kiểm toán.
Do đó, cuộc CMCN 4.0 sẽ thay đổi cơ bản phương thức thực hiện các công việc kế toán và kiểm toán hiện nay bằng việc áp dụng chứng từ điện tử, bằng các phần mềm tổng hợp, xử lý dữ liệu, ghi sổ kế toán cũng như cho phép thực hiện các phương thức kiểm toán trong môi trường tin học hóa. Kế toán viên sẽ không còn mất quá nhiều công sức trong việc phân loại chứng từ, xử lý từng nghiệp vụ kinh tế riêng lẻ, ghi các loại sổ kế toán mà vấn đề quan trọng hơn là cần phải quan tâm đến việc trình bày báo cáo tài chính theo chuẩn mực… Kế toán viên tại Việt Nam có thể mở rộng phạm vi công việc, thực hiện các phần hành công việc kế toán, kiểm toán ở bất cứ đất nước nào trên toàn thế giới.
Ngược lại, các kế toán viên ở quốc gia được chấp nhận hành nghề ở Việt Nam đều thực hiện công việc kế toán của DN, tổ chức tại Việt Nam. Có thể nói, với những thành tựu của công nghệ số, của cuộc CMCN 4.0 như trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối, dữ liệu lớn… sẽ mở ra cơ hội tốt để ngành Kế toán công tiếp tục phát triển, tiệm cận hệ thống kế toán, kiểm toán quốc tế.
Trong bối cảnh CMCN 4.0 và xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, yêu cầu phải có được thông tin kế toán công phải chính xác, đầy đủ, đặt ra cấp thiết hơn lúc nào hết. Do đó, vai trò của kế toán công càng được được khẳng định và coi trọng đúng mức, do vậy, việc các trường tập trung đào tạo chuyên ngành Kế toán công cũng là xu thế tất yếu.
Hiện nay, mục tiêu đào tạo của chuyên ngành kế toán công tại các cơ sở giáo dục đại học, nhằm đào tạo các cán bộ chuyên môn chuyên sâu, cán bộ quản lý và nghiên cứu có trình độ đại học trở lên nhằm đáp ứng nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là trong lĩnh vực công.
Việc đào tạo kế toán chuyên ngành kế toán công hiện được thực hiện ở rất nhiều trường đại học kinh tế - tài chính công lập và ngoài công lập trong cả nước thực hiện. Chẳng hạn, chuyên ngành Kế toán công thuộc ngành Kế toán được Học viện Tài chính thành lập theo Quyết định số 350/QĐ-HVTC ngày 11/4/2012 là chuyên ngành đầu tiên được mở ở Việt Nam nhằm đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên sâu về kế toán công, am hiểu chuyên sâu về kế toán, tài chính trong cả hai khu vực công và tư.
Sự tiên phong này xuất phát từ nhu cầu lớn về nhân lực kế toán công có trình độ đại học và sau đại học trong trung và dài hạn, trước những đòi hỏi của tiến trình cải cách quản lý tài chính công và kế toán công ở Việt Nam về sự công khai, minh bạch, hiệu quả của hệ thống thông tin kinh tế - xã hội, đặc biệt ở lĩnh vực công trong xu thế hội nhập.
Thực tế qua gần 7 năm hoạt động, chuyên ngành kế toán công tại Học viện Tài chính ngày càng thu hút sinh viên khi đăng ký dự thi. Theo các chuyên gia kế toán, điều này đã dần khẳng định đường hướng đúng đắn của chuyên ngành kế toán công, một chuyên ngành đã, đang và sẽ dần được xã hội quan tâm, đánh giá cao và lựa chọn.
Hiện nay, tại các cơ sở giáo dục đại học, nội dung chương trình đào tạo chuyên ngành kế toán công được thiết kế theo mục tiêu sinh viên có thể thích ứng được với các công việc ở cả khu vực công và tư như: Tổ chức công tác kế toán công, chuẩn mực kế toán công quốc tế, kế toán hành chính sự nghiệp, kế toán quản trị công, kế toán bảo hiểm xã hội, kế toán nghiệp vụ thu ngân sách nhà nước, kế toán ngân sách và tài chính xã, kế toán các tổ chức chính trị - xã hội, quản lý tài chính công, quản lý tài chính ở các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công, quản lý tài chính xã, phường... Ngoài ra, còn có một số môn học mang tính chất tự chọn liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, định giá tài sản hay quản trị kinh doanh...
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, với mục tiêu sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành kế toán công có thể linh hoạt và chủ động thích ứng được với hầu hết các khu vực và lĩnh vực nghề nghiệp trên thị trường lao động, chuyên ngành kế toán công còn trang bị cho sinh viên những kiến thức đủ sâu, đủ rộng về kế toán, tài chính ở cả hai khu vực công và tư, trong đó tập trung trọng tâm vào lĩnh vực công. Sinh viên chuyên ngành kế toán công được trang bị kiến thức sâu rộng cả về lý thuyết và thực tiễn, trong đó trọng tâm vào lĩnh vực kế toán công.
Đồng thời, sinh viên còn được trang bị những kỹ năng mềm như kỹ năng làm việc độc lập, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thao tác thực hành, thực hiện các quy trình, nghiệp vụ kế toán nói chung và kế toán công nói riêng một cách thành thạo. Ngoài ra, các chương trình đào tạo của nhiều trường hiện cũng được xây dựng theo cách hướng đến tính liên thông với các chương trình đào tạo cấp chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế nhằm giúp sinh viên có khả năng học tiếp, phát triển nghề nghiệp một cách thuận tiện…
Thách thức và kiến nghị
Hiện nay, việc đào tạo chuyên ngành kế toán công của các trường đại học trong bối cảnh CMCN 4.0 và công nghệ số cũng đang đối mặt với không ít khó khăn thách thức. Chất lượng đào tạo kế toán mặc dù đã được quan tâm nhưng chưa đáp ứng đòi hỏi thực tế. Trong khi đó, không ít trường lại dạy quá nhiều lý thuyết trong khi sinh viên cần hơn một nền tảng kế toán, tài chính vững chắc và những kỹ năng thực hành hiệu quả.
Nhiều sinh viên ra trường chưa thể nắm bắt được công việc kế toán ngay khi được giao mà phải mất thời gian đào tạo lại. Thực tế cho thấy, số lượng nhân sự ngành Kế toán, kiểm toán được đào tạo hàng năm của các cơ sở đào tạo là rất lớn nhưng trình độ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ và các kỹ năng mềm khác của đối tượng này chưa cao, chưa đạt được đến mặt bằng chung của khu vực. Đó là chưa kể chất lượng đào tạo vẫn còn có độ lệch giữa các trường và chất lượng, từ đó chưa đáp ứng được yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp với tình hình phát triển và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của nền kinh tế nước ta trong dài hạn.
Kiến thức, hiểu biết, trình độ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của các kế toán viên hiện nay cũng còn nhiều hạn chế, chưa đồng đều; Công tác đào tạo cũng chỉ mới dừng lại ở việc truyền thụ kiến thức nền, chưa chuyên sâu, đa ngành, nhất là đối với những kiến thức mang tính đặc thù công nghệ, bảo mật và trí tuệ nhân tạo... Trong khi CMCN 4.0 lại chuyển hóa toàn bộ các dữ liệu đó thành thông tin điện tử, vừa đa dạng, vừa khó nắm bắt, do vậy, về lâu dài nếu kế toán viên không am hiểu về công nghệ sẽ khó khăn trong thực hiện các phần hành công việc. Thách thức này cũng đặt ra cho các trường đại học về việc đầu tư CNTT và điều chỉnh chương trình đào tạo gắn với sự phát triển của CNTT nhiều hơn.
Hiện nay, mục tiêu đào tạo của chuyên ngành kế toán công tại các cơ sở giáo dục đại học nhằm đào tạo các cán bộ chuyên môn chuyên sâu, cán bộ quản lý và nghiên cứu có trình độ đại học trở lên nhằm đáp ứng nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là trong lĩnh vực công.
Bên cạnh đó, đội ngũ giảng viên đảm nhận giảng dạy các học phần về kế toán, kiểm toán phần lớn còn khá trẻ, thiếu kinh nghiệm thực tiễn và kỹ năng công việc thực tế. Nhiều nhà giáo dục đại học hiện nay vẫn cho rằng đào tạo kế toán, kiểm toán ra để làm việc tại DN Việt Nam, theo kế toán Việt Nam, cũng phần nào ảnh hưởng đến định hướng và kế hoạch đào tạo trong tương lai.
Thực tế cho thấy, kế toán vẫn là một trong những chuyên ngành hấp dẫn thu hút nhiều thí sinh dự thi. Sinh viên được đào tạo chuyên ngành kế toán công sau khi tốt nghiệp ra trường nhờ sức hấp dẫn về thu nhập cao, dễ kiếm việc làm ở nhiều lĩnh vực, lựa chọn đa dạng nơi làm việc, cụ thể có thể đảm nhiệm ở nhiều vị trí công tác kế toán khác nhau tại các đơn vị khối cơ quan nhà nước trong hệ thống từ trung ương đến địa phương như: Khối các cơ quan nhà nước tại tỉnh, thành phố, huyện, xã; khu vực đơn vị sự nghiệp (trường học, bệnh viện…); các DNNN, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước… Trong thời gian tới, nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo chuyên ngành kế toán công tại các trường đại học nhằm phục vụ nhu cầu phát triển nguồn nhân lực kế toán trong bối cảnh CMCN 4.0, cần chú ý một số vấn đề sau:
Một là, các trường đại học nên tiếp tục rà soát lại chương trình đào tạo chuyên ngành kế toán. Theo đó, chương trình đào tạo được xây dựng phải đảm bảo yêu cầu hội nhập và giao thoa về chất lượng với chương trình của các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới, phù hợp với chương trình đào tạo của các hội nghề nghiệp nhằm hướng đến sự thừa nhận lẫn nhau giữa các cơ sở đào tạo về chuyên môn và bằng cấp, chứng chỉ. Nội dung đào tạo giúp sinh viên sau khi ra trường thích ứng kịp thời với thời đại công nghệ số. Cần tiếp tục nâng cao đổi mới chất lượng giáo trình với các kiến thức có gắn với xu hướng phát triển của cuộc CMCN 4.0.
Hai là, phát triển việc dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học, lấy người học làm trung tâm. Cần đào tạo nguồn nhân lực có đầy đủ kiến thức, kỹ năng và nghiệp vụ cần thiết cho công tác quản lý tài chính công và kế toán công, trong đó, ngoài phần kiến thức giáo dục đại cương theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo còn phải gắn với phần kiến thức giáo dục chuyên nghiệp với ba khối kiến thức: Kiến thức cơ sở ngành, kiến thức chuyên ngành và kiến thức bổ trợ. Đồng thời, bên cạnh việc giảng dạy kiến thức chuyên môn, các trường cần tiếp tục chú trọng đa dạng phương thức giảng dạy, chú trọng các kỹ năng mềm cần thiết như: Kỹ năng giao tiếp hiệu quả, làm việc ở nhiều nhóm khác nhau; kỹ năng tư duy phản biện và giải quyết vấn đề trên cơ sở tôn trọng đạo đức nghề nghiệp...
Ba là, cần đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng CNTT một cách đồng bộ, kịp thời, đáp ứng xu thế phát triển của công nghệ số. Khi các phần mềm, chứng từ điện tử, chữ ký điện tử, các tính toán, luân chuyển và ghi chép thông tin trên mẫu biểu đã được chương trình hóa và tự động hóa thì phải từng bước từ bỏ phương pháp giảng dạy kế toán - kiểm toán theo chế độ cũng như theo xử lý nghiệp vụ mang tính thủ công. Do vậy, việc cần tăng thời lượng giảng dạy về ứng dụng CNTT trong quá trình đào tạo là rất cần thiết. Trong đó, riêng tại các trường đại học, cần đẩy mạnh ứng dụng mô hình kế toán ảo về hoạt động kinh tế, vừa mang tính mô phỏng vừa mang tính kỹ năng để sinh viên rèn luyện.