Tổ chức tài chính vi mô thực hiện thống kê tài khoản kế toán, báo cáo tài chính thế nào?

PV.

Ngày 25/01/2019, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 05/2019/TT-BTC hướng dẫn kế toán áp dụng cho tổ chức tài chính vi mô.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Theo Thông tư số 05/2019/TT-BTC, quy định hệ thống tài khoản kế toán, báo cáo tài chính, sổ kế toán áp dụng cho các tổ chức tài chính vi mô được thành lập, tổ chức, hoạt động theo quy định của pháp luật về tổ chức tín dụng.

Để phục vụ yêu cầu quản lý của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tài chính vi mô mở tài khoản cấp 2, cấp 3 và phải được sự chấp thuận bằng văn bản của Bộ Tài chính. Các tổ chức tài chính vi mô được mở các tài khoản cấp 4, cấp 5, tài khoản chi tiết theo yêu cầu quản lý nghiệp vụ và phải phù hợp với nội dung, kết cấu và nguyên tắc kế toán của các tài khoản tổng hợp do Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước ban hành.

Ngoài ra, Thông tư đã hệ thống chi tiết tài khoản kế toán áp dụng cho các tổ chức tài chính vi mô được chia thành 08 loại tài khoản gồm:

- Loại tài khoản tài sản: Từ Tài khoản 101 - Tài khoản 391.

- Loại tài khoản nợ phải trả: Từ Tài khoản 415 - Tài khoản 491.

- Loại tài khoản thanh toán: Tài khoản 519.

- Loại tài khoản vốn chủ sở hữu: Từ Tài khoản 601 - Tài khoản 691.

- Loại tài khoản doanh thu: Từ Tài khoản 701 - Tài khoản 791.

- Loại tài khoản chi phí: Từ Tài khoản 801 - Tài khoản 891.

- Loại tài khoản xác định kết quả kinh doanh: Tài khoản 001.

- Loại tài khoản ngoài bảng: Từ Tài khoản 901 - Tài khoản 999.

Bên cạnh đó, Thông tư quy định các tổ chức tài chính vi mô phải thực hiện lập báo cáo tài chính để cung cấp thông tin về tình hình tài chính, tình hình kinh doanh và luồng tiền, đáp ứng yêu cầu quản lý của lãnh đạo tổ chức tài chính vi mô, cơ quan quản lý nhà nước và nhu cầu hữu ích của những người sử dụng trong việc đưa ra các quyết định kinh tế.

Báo cáo tài chính phải cung cấp những thông tin của một tổ chức tài chính vi mô về: Tài sản; Nợ phải trả và vốn chủ sở hữu; Doanh thu, chi phí; Lãi, lỗ và phân chia kết quả kinh doanh; Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước; Tài sản khác có liên quan đến đơn vị kế toán; Các luồng tiền của tổ chức tài chính vi mô.

Ngoài những thông tin này, tổ chức tài chính vi mô còn phải cung cấp thông tin có liên quan khác trong bản “Thuyết minh báo cáo tài chính” nhằm giải trình thêm về các chỉ tiêu đã phản ánh trên báo cáo tài chính và các chính sách kế toán đã áp dụng để ghi nhận các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, lập và trình bày báo cáo tài chính và giải trình thêm về mức độ các loại rủi ro tài chính chủ yếu.

Thời hạn nộp báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán kèm theo kết quả của tổ chức kiểm toán độc lập chậm nhất là 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/4/2019.