Đào tạo nguồn nhân lực điện hạt nhân: Phải đi trước một bước

Hà Huyền

(Tài chính) Phát triển nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng, quyết định đến thành công của chương trình phát triển điện hạt nhân. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam trong thời gian tới.

Nhân lực là yếu tố quan trọng quyết định đến thành công của chương trình điện hạt nhân. Nguồn: Internet
Nhân lực là yếu tố quan trọng quyết định đến thành công của chương trình điện hạt nhân. Nguồn: Internet
Tạo bước chuyển về lượng và chất
Đến nay, đã cử 300 người sang Liên bang Nga theo học các chuyên ngành liên quan đến nhà máy điện hạt nhân. Đồng thời,  Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai nhiều hoạt động khảo sát, học tập ngắn hạn và học tập kinh nghiệm quản lý điện hạt nhân tại một số nước, như: Liên bang Nga, Hà Lan, Hungary, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Theo Quyết định số 1558/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 18/8/2010 về phê duyệt Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử”, trong năm 2015, quy hoạch, đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở giáo dục đại học, trung tâm đào tạo chuyên ngành phục vụ nhu cầu phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

Theo đó, trong thời gian đầu, tập trung đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực điện hạt nhân tại 5 trường Đại học: Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh), Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Đà Lạt, Đại học Điện lực và Trung tâm đào tạo hạt nhân tại Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ).

Trên cơ sở đề án này, thời gian qua, Việt Nam đã duy trì việc cử người đi học tập, đào tạo tại nước ngoài trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Đến nay, đã cử 300 người sang Liên bang Nga theo học các chuyên ngành liên quan đến nhà máy điện hạt nhân. Đồng thời,  Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai nhiều hoạt động khảo sát, học tập ngắn hạn và học tập kinh nghiệm quản lý điện hạt nhân tại một số nước, như: Liên bang Nga, Hà Lan, Hungary, Nhật Bản, Hàn Quốc… đáp ứng bước đầu cho việc triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Song song với đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tích cực, chủ động triển khai có kết quả chương trình đào tạo nguồn nhân lực phục vụ dự án điện hạt nhân.

Để đáp ứng nguồn nhân lực cho chương trình điện hạt nhân của Việt Nam, thời gian tới, cần tiếp tục xây dựng kế hoạch đào tạo Đại học và sau đại học ; xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo nhân lực dưới dạng Đại học và Đào tạo sau tuyển dụng cho dự án điện hạt nhân.

Cùng với đó, cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chương trình, giáo trình giảng dạy, đào tạo các chuyên ngành trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử theo hướng tiên tiến, hiện đại, gắn lý thuyết với thực nghiệm, gắn nhà trường với nghiên cứu, ứng dụng.

"Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử bảo đảm về số lượng và chất lượng, đáp ứng nhu cầu chương trình phát triển điện hạt nhân, yêu cầu ứng dụng an toàn, an ninh năng lượng nguyên tử trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội",  ông Lưu Lâm, Ban Điều hành Đề án "Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử", Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết.

Gấp rút chuẩn bị nhân lực cho điện hạt nhân
Để đảm bảo về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử trong thời gian tới, trong năm 2014, EVN và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký kết thoả thuận hợp tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ chương trình điện hạt nhân, chuẩn bị cho chương trình phát triển điện hạt nhân của quốc gia đến năm 2020 nói chung và cho nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận nói riêng.

Theo đó, hàng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với EVN và các đơn vị liên quan tuyển sinh cán bộ, sinh viên đi đào tạo kỹ sư, thạc sỹ các chuyên ngành điện hạt nhân tại Đại học Nghiên cứu hạt nhân Quốc gia Nga (MEPHI). Kinh phí đào tạo do Tập đoàn Năng lượng nguyên tử Rosatom (Nga) - đơn vị sẽ tham gia xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam - tài trợ 50%, EVN đài thọ 50%, các chi phí khác theo chế độ Nhà nước quy định.

Bên cạnh đó, EVN cũng sẽ cấp bổ sung tiền sinh hoạt phí 200 USD/người/tháng cho cán bộ, sinh viên (có cam kết làm việc lâu dài cho EVN) được EVN và Bộ Giáo dục và Đào tạo cử đi đào tạo các chuyên ngành về điện hạt nhân tại Nga, trên cơ sở báo cáo kết quả học tập sau mỗi học kỳ. Sau khi tốt nghiệp, EVN sẽ xem xét sắp xếp, bố trí công việc phù hợp cho các cán bộ, sinh viên đã tốt nghiệp trên cơ sở nhu cầu nhân lực trong từng giai đoạn của dự án điện hạt nhân.

Được biết, nguồn nhân lực cho chương trình điện hạt nhân của Việt Nam từ nay đến năm 2020 là rất lớn. Nguồn nhân lực điện hạt nhân chủ yếu tập trung vào công tác quản lý, giám sát, xây dựng các nhà máy điện hạt nhân ; nguồn nhân lực cho thực hiện các hoạt động nghiên cứu và triển khai (R&D) và hỗ trợ kỹ thuật; nguồn nhân lực cho các cơ quan quản lý nhà nước nói chung và cho cơ quan quản lý an toàn bức xạ hạt nhân nói riêng; nguồn nhân lực cho các hoạt động giáo dục và đào tạo hạt nhân; nguồn nhân lực cho vận hành và bảo trì nhà máy điện hạt nhân…

Như vậy, việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử ở Việt Nam đã đi trước một bước, nhưng đòi hỏi cần tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo hơn nữa để làm sao vừa đảm bảo được số lượng và chất lượng. Bởi vì, phát triển nguồn nhân lực cho chương trình phát triển điện hạt nhân cũng là một trong 7 vấn đề trọng tâm trong phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân trong giai đoạn tới./.

Năm 2015, Việt Nam sẽ bắt tay vào xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên và đến năm 2020 sẽ đưa vào sử dụng tổ máy đầu tiên với công suất 1.000 MW, sau đó sẽ lần lượt đưa vào sử dụng các tổ máy tiếp theo. Kinh phí đào tạo nhân lực cho nhà máy điện hạt nhân chiếm khoảng từ 2-5% tổng kinh phí của một dự án điện hạt nhân. Việc đầu tư kinh phí cho đào tạo nhân lực kỹ thuật hạt nhân, đặc biệt là đào tạo cơ bản là rất quan trọng.