Đào tạo nguồn nhân lực: Yêu cầu bức thiết

Hoàng Yến

(Tài chính) Một trong những đòi hỏi bức thiết đặt ra đối với phát triển điện hạt nhân là nguồn nhân lực. Với yêu cầu đó, trong những năm qua, Việt Nam đã cử hàng trăm sinh viên, cán bộ sang Liên bang Nga, Nhật Bản học các chuyên ngành liên quan đến điện hạt nhân…

Ảnh minh họa. Nguồn: Financeplus.vn
Ảnh minh họa. Nguồn: Financeplus.vn

Kể từ khi dự án nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận được phê duyệt, ngoài việc bảo đảm an toàn ở mức cao nhất khi xây dựng, vận hành nhà máy, vấn đề nguồn nhân lực cũng đã được Chính phủ đặc biệt quan tâm.

Đánh giá về nhu cầu nguồn nhân lực của phát triển điện hạt nhân, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho hay: Chương trình phát triển điện hạt nhân Việt Nam ở giai đoạn đầu từ nay đến 2020 đặt ra nhu cầu rất lớn về nguồn nhân lực. Cụ thể: Nguồn nhân lực cho thực hiện dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh thuận; Nguồn nhân lực cho thực hiện các hoạt động nghiên cứu và triển khai và hỗ trợ kỹ thuật; Nguồn nhân lực cho các cơ quan quản lý nhà nước nói chung và cho cơ quan quản lý an toàn bức xạ hạt nhân nói riêng; Nguồn nhân lực cho các hoạt động giáo dục và đào tạo hạt nhân… với số lượng lên đến hàng nghìn người. Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm đối với dự án chính là đội ngũ cán bộ quản lý dự án các cấp và cán bộ vận hành bảo dưỡng nhà máy điện hạt nhân.

Năm 2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang làm thủ tục gửi 70 sinh viên đi học đại học và 10 sinh viên đi học cao học tại Nga; 157 lượt cán bộ, giảng viên được cử đi Hungary để bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, phục vụ đào tạo nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.


Theo đó, từ năm 2005 đến nay, Việt Nam đã có 246 lượt người được cử đi học các chương trình đào tạo ngắn hạn tại Nhật Bản. Giai đoạn 2010 - 2013, đã có 253 sinh viên được cử sang học ngành “Thiết bị và lắp đặt nhà máy điện hạt nhân” tại Nga. Năm 2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang làm thủ tục gửi 70 sinh viên đi học đại học và 10 sinh viên đi học cao học tại Nga. Đồng thời, đã có 157 lượt cán bộ, giảng viên được cử đi Hungary để bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, phục vụ đào tạo nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

Bên cạnh đó, thời gian qua Bộ Khoa học và Công nghệ cũng cử hàng chục cán bộ, chuyên gia sang đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn cũng như dài hạn về năng lượng nguyên tử (trong đó có điện hạt nhân) tại Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc. Ngoài ra, Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp với Công ty Phát triển năng lượng nguyên tử quốc tế Nhật Bản và Trường Đại học Tokai (Nhật Bản) đã đào tạo 15 thành viên nòng cốt cho dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2. Khóa đào tạo kéo dài 2 năm từ tháng 9/2012 đến tháng 9/2014.

Với nguồn nhân lực đã và đang được đào tạo trên, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, đây là tài sản quý của chúng ta trong quá trình phát triển điện hạt nhân. Với đội ngũ cán bộ có kiến thức và hiểu biết sâu về an toàn hạt nhân, an toàn bức xạ, chuẩn đo lường bức xạ và hạt nhân, đánh giá tác động môi trường phóng xạ của các cơ sở hạt nhân và có chuyên môn về kỹ thuật đánh giá không phá huỷ Việt Nam sẽ vững vàng vận hành nhà máy điện hạt nhân.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhận định, nguồn nhân lực cho các cơ sở đào tạo về hạt nhân ở các trường đại học trong nước còn đang thiếu và yếu. Vì vậy, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có một kế hoạch cụ thể để đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ này, gắn với lộ trình của dự án điện hạt nhân đầu tiên. Đồng thời, xác định rõ các đặc thù của công tác đào tạo cán bộ ngành năng lượng nguyên tử trong từng trường đại học để có kế hoạch xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ cho các cơ sở đào tạo này.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính và Đầu tư số 12-2014