Đất đặc khu: Cho thuê bao nhiêu năm là “vừa”?

PV.

Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc ( Luật Đặc khu) đang nhận được nhiều ý kiến tranh luận, đặc biệt là về thời hạn cho nhà đầu tư thuê đất tối đa lên đến 99 năm.

Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc dự kiến sẽ được biểu quyết thông qua vào ngày 15/6/2018. Nguồn: internet
Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc dự kiến sẽ được biểu quyết thông qua vào ngày 15/6/2018. Nguồn: internet

Theo dự thảo Luật Đặc khu, ba đặc khu Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa), Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) là đơn vị hành chính thuộc tỉnh do Quốc hội quyết định thành lập, có cơ chế, chính sách đặc biệt về phát triển kinh tế - xã hội.

Việc quản lý và sử dụng đất, trong đó có ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài thuê đất tại đặc khu tối đa lên đến 99 năm là một trong nhiều cơ chế, chính sách vượt trội của Việt Nam nhằm thu hút nhà đầu tư chiến lược.

Cụ thể, căn cứ vào quy mô, tính chất của dự án đầu tư và đề xuất của nhà đầu tư, chủ tịch UBND đặc khu quyết định thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu không quá 70 năm. Trong trường hợp đặc biệt, thời hạn sử dụng đất có thể dài hơn nhưng không quá 99 năm do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Đề xuất này đang có nhiều ý kiến tranh luận của các đại biểu Quốc hội cũng dư luận. Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng, xây dựng đặc khu mục tiêu là hướng đến những giá trị gia tăng nhờ công nghệ và những nhà đầu tư vào công nghệ, nhất là công nghệ cao thì không cần thời gian lên tới 70-99 năm. Do đó, ông Quốc đề nghị không đưa thời hạn cho nhà đầu tư thuê đất 99 năm vào Luật.

Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc (Kiên Giang) Đinh Khoa Toàn cho biết, hiện tại chính sách giao đất cho nhà đầu tư các dự án tối đa là 70 năm, phổ biến là giao đất trong mốc từ 50-55 năm, tùy từng trường hợp cụ thể. Nếu tính về hiệu quả sau khi đầu tư, ông Toàn cho rằng, chỉ cần 10, 15 hoặc nhiều nhất 20 năm là doanh nghiệp đã thu hồi vốn và có lãi, khoảng thời gian sau đó chỉ thu lợi nhuận ròng. Do đó, ông Toàn bày tỏ quan điểm là không nên giao đất cho chủ dự án tới 99 năm và cho rằng, hiện nay đã có nhiều ưu đãi về miễn, giảm thuế... để thu hút đầu tư.

Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) cho rằng, có nhiều cơ chế, chính sách khác để ràng buộc nhà đầu tư vào đặc khu như: quy định về thời gian lao động, xuất nhập cảnh... Quan trọng là nhà đầu tư kinh doanh hiệu quả, có đóng góp cho địa phương, thực hiện nghĩa vụ thuế và tuân thủ pháp luật của Việt Nam.

Tôi cho rằng Luật Đặc khu cần làm càng sớm càng tốt, đi đôi với đó là các điều kiện đặc thù để bổ sung. Mình không ủng hộ thì sẽ là sai lầm.” – ông Thân nhấn mạnh.

Trao đổi về vấn đề này, TS. Trần Du Lịch cho biết, không phải dự án nào được triển khai trong 3 đặc khu đều được thuê đất 99 năm, chỉ những dự án thuộc ngành, nghề ưu tiên phát triển trong đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và phải được Thủ tướng quyết định mới được áp dụng ưu đãi này. Các dự án đầu tư khác trong đặc khu sẽ hưởng ưu đãi tương đương với quy định hiện nay.

Hiện nay chúng ta đã có cơ chế giao đất tối đa 70 năm, chúng ta có thể bàn đến 99 năm theo từng dự án và có thể nghĩ đến cách gia hạn sau mức 70 năm nếu dự án làm tốt.” – ông Lịch trao đổi. 

Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội sáng nay (6/6/2018), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu: “Nếu cái gì cũng sợ thì không làm được.” Ông Dũng cho rằng, nếu có thể thì thiết kế điều kiện chặt chẽ hơn, thế nào là đặc biệt, thế nào là thật đặc biệt, thế nào mới được phép thuê đất 99 năm. Đồng thời, đề ra quy trình chặt chẽ và thẩm quyền quyết định cao hơn.

Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc đã được Quốc hội thảo luận tại hội trường lần cuối ngày 23/5/2018 và dự kiến sẽ được biểu quyết thông qua vào ngày 15/6/2018.