DATC: Cần cơ chế đa dạng hóa tiếp nhận, xử lý nợ…

Bài được đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 8/2019

Bên cạnh rất nhiều kết quả tích cực đã đạt được trong hoạt động mua bán, xử lý nợ và tái cơ cấu doanh nghiệp, trong quá trình hoạt động Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) cũng gặp phải không ít khó khăn, do cơ chế chính sách về tiếp nhận, xử lý nợ…

Theo chỉ đạo của Chính phủ, DATC phát hành 17.000 tỷ đồng trái phiếu trong nước và quốc tế để cơ cấu lại khoảng 30.000 tỷ đồng nợ xấu Vinashin (SBIC).
Theo chỉ đạo của Chính phủ, DATC phát hành 17.000 tỷ đồng trái phiếu trong nước và quốc tế để cơ cấu lại khoảng 30.000 tỷ đồng nợ xấu Vinashin (SBIC).

Ra đời 15 năm trước, DATC được giao nhiệm vụ thực hiện đồng thời 2 chức năng là công cụ của Chính phủ để hỗ trợ cho quá trình sắp xếp, tái cơ cấu DNNN và tổ chức kinh doanh theo cơ chế thị trường. Đến nay, DATC đã giúp xử lý trên 90.000 tỷ đồng nợ xấu của cả tổ chức tín dụng trong và ngoài nước, hỗ trợ trên 3.000 doanh nghiệp (DN) xử lý công nợ tồn đọng trong quá trình cổ phần hóa (CPH), giúp trên 180 DN thuộc các thành phần tái cấu trúc, phục hồi hoạt động.

Đặc biệt, DATC đã giúp hơn 20 tập đoàn và tổng công ty nhà nước hoàn thiện việc cơ cấu lại tài chính cho các đơn vị thành viên, xử lý công nợ để đủ điều kiện CPH. Một tác động quan trọng nữa của việc DATC tham gia xử lý nợ, tái cơ cấu DN là giúp ổn định an sinh xã hội, đảm bảo an toàn của hệ thống tài chính. Qua hoạt động của mình, DATC đã giúp tạo công ăn việc làm cho hàng chục nghìn người lao động.

Tuy nhiên, trước những thay đổi của thị trường mua, bán nợ cũng như các cơ chế chính sách so với tổ chức tương đồng, DATC cũng gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc, trong đó, có cơ chế về tiếp nhận, xử lý nợ, cần được tháo gỡ. Điều này đã được Bộ Tài chính vào dự thảo Nghị định quy định về cơ chế, chức năng nhiệm vụ hoạt đông DATC.

So với cơ chế hiện nay, dự thảo nghị định có bổ sung nhiều quy định mới hoạt động tiếp nhận, xử lý các khoản nợ và tài sản, DATC tiếp nhận nợ và tài sản của các đơn vị sự nghiệp công lập khi thực hiện CPH và tiếp nhận các tài sản khác theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngoại trừ nợ phải thu và tài sản thông thường, bổ sung tài sản khác là các tài sản tồn đọng, các tài sản gắn với xử lý nợ để tiếp tục đầu tư khai thác hoặc xử lý thu hồi cho Nhà nước. 

Theo đánh giá của các chuyên gia, tại một số DN mà DATC thực hiện tiếp nhận hoặc mua, xử lý nợ và tài sản theo chỉ định thì có một số dự án tồn đọng, tuy nhiên do chưa có cơ chế nên DATC không tiếp nhận hay mua lại dự án này để tiếp tục đầu tư, đưa vào vận hành, khai thác hoặc xử lý thu hồi vốn cho Nhà nước. Do đó, việc bổ sung quy định như trên sẽ tạo thêm các phương án xử lý linh hoạt, đa dạng và có hiệu quả đối với các đối tượng này

Theo nhận định một số chuyên gia, việc bổ sung quyền như trên là cần thiết vì đối tượng DATC hỗ trợ là các DN khó khăn về tài chính, thua lỗ, không thể huy động được vốn lưu động để sản xuất kinh doanh và xác định đây là một trong những giải pháp, nghiệp vụ tái cơ cấu, xử lý tài chính cho DN. Tuy nhiên, việc thực hiện các nghiệp vụ trên phải gắn với phương án tái cơ cấu được phê duyệt trên nguyên tắc hiệu quả, an toàn và phải hỗ trợ cho việc thu hồi nợ và vốn của DATC khi chuyển nhượng, đồng thời phù hợp với các quy định hiện hành của pháp luật.