DATC nên là trục chính

TCDN

(Tài chính) Trong bối cảnh nợ xấu liên tục tăng, hiệu quả xử lý nợ của Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) còn khiêm tốn. Giải pháp liên kết các định chế tài chính sẵn có trong xử lý nợ xấu, trong đó Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) là trục chính được các chuyên gia đánh giá cao.

Trong thời gian qua, DATC đã rất tích cực tham gia xử lý nợ, tái cơ cấu các DN thuộc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam.
Trong thời gian qua, DATC đã rất tích cực tham gia xử lý nợ, tái cơ cấu các DN thuộc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam.

Chỉ điều chỉnh lãi suất

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nợ xấu giảm mạnh từ 4,55% tháng 11/2013 xuống chỉ còn 3,61% tháng 12/2013. Thế nhưng, từ đầu năm 2014 đến nay, nợ xấu đã liên tiếp tăng trở lại. Cụ thể : tháng 1/2014, nợ xấu lên mức 3,74%, tháng 4/2014 là 4,03%, tháng 5/2014 là 4,07% và đến cuối tháng 6 là 4,17%, trong đó nợ xấu của khối DNNN chiếm tỷ lệ không nhỏ. 

Trong khi đó, đơn vị được xem là lực lượng chủ lực trong xử lý nợ xấu - VAMC lại đang mua nợ lẫn bán nợ rất chậm. Tính đến 20/8/2014, VAMC đã mua 56.000 tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, số nợ xấu đã mua từ đầu năm đến nay là khoảng 20.000 tỷ đồng, cách khá xa so với mục tiêu mua 70.000 - 100.000 tỷ đồng nợ xấu mà đơn vị này đặt ra trong năm 2014. Số nợ xấu mà VAMC bán ra hiện cũng rất khiêm tốn, khoảng 1.400 tỷ đồng. Đây là con số rất nhỏ so với số nợ xấu VAMC mua vào và càng không thấm vào đâu so với tổng nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng – Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC,  so với thực trạng nợ xấu, kết quả mua nợ xấu còn chậm, kết quả bán còn khiêm tốn. Tuy nhiên, VAMC không phải mua nợ xấu về bán mà mua về để rà soát, đánh giá và xem xét các khoản nợ, các khách hàng. Theo đó, những doanh nghiệp có khả năng sản xuất kinh doanh, có thể phục hồi được thì sẽ được xem xét điều chỉnh lãi suất, được tiếp tục vay vốn. Thời gian qua, đã có những doanh nghiệp được VAMC và tổ chức tín dụng hỗ trợ vay vốn để tiếp tục sản xuất kinh doanh, trả nợ cũ và nợ mới. Đối với những khoản nợ khó có khả năng thu hồi, VAMC phối hợp với các tổ chức tín dụng phát mãi tài sản để thu hồi nợ, tránh thiệt hại nặng thêm.

Một số chuyên gia lý giải, sở dĩ số lượng nợ xấu VAMC bán ra còn hạn chế là do hiện hầu hết các khoản nợ xấu đơn vị này mua là nợ xấu của các doanh nghiệp. Đơn vị này mong muốn bán nợ của các doanh nghiệp này với điều kiện các nhà đầu tư mua nợ sẽ xây dựng phương án tái cơ cấu, giúp phục hồi hoạt động, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Thế nhưng, hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài đặt vấn đề mua nợ của Việt Nam hiện nay đều là nhà môi giới, muốn mua nợ giá “bèo” để sau đó bán lại kiếm lời hơn là đầu tư tài chính vào doanh nghiệp.

Như vậy, trong khi nợ xấu liên tục tăng, hoạt động mua bán và xử lý khoản nợ này lại diễn ra chậm. Việc xử lý nợ xấu của đơn vị chủ lực vẫn chủ yếu thông qua điều chỉnh lãi suất hoặc phát mãi tài sản. Đây được xem là nguyên nhân khiến nợ xấu tăng trở lại trong thời gian qua.

Cần sử dụng các định chế sẵn có

Theo ông Nguyễn Duy Trước – Nguyên Cục phó Cục Tài chính doanh nghiệp – Bộ Tài chính, nợ xấu chỉ có thể được xử lý tận gốc khi doanh nghiệp được tái cơ cấu. Thay vì để DATC “đơn phương” thực hiện hoạt động mua bán nợ gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp như hiện nay, cần có cơ chế để các định chế tài chính khác san sẻ nhiệm vụ với đơn vị này. Theo đó, với những gì DATC đã tích lũy sau 10 năm hoạt động, đơn vị này nên là trục chính, các định chế khác như Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và VAMC là vệ tinh bao quanh. Cụ thể, quá trình xử lý nợ gắn với tái cơ cấu DNNN sẽ thực hiện theo vòng tròn khép kín. Trong đó,  VAMC là đơn vị đầu mối thu giữ và đánh giá trị tài sản. Bởi trên thực tế VAMC hiện là đầu mối mua nợ lớn nhất nhưng lai chưa có kinh nghiêm tai cơ cấu các khoản nợ đã mua. Do đó, DATC chịu trách nhiệm xử lý nợ gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp; SCIC triển khai các vấn đề liên quan đến quản trị doanh nghiệp, đầu tư để tái cơ cấu doanh nghiệp.

Ngoài ra, để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, cần mở rộng mô hình xử lý nợ của DATC theo hướng đơn vị này không chỉ tiếp nhận, xử lý nợ và tài sản tồn đọng mà có thể xử lý các khoản nợ trong hạn. Ví dụ, trong trường hợp doanh nghiệp A có giao dịch hợp đồng 1 tỷ với doanh nghiệp B, thời hạn thanh toán của hợp đồng là trong vòng 1 tháng sau khi bên A đã giao đủ hàng. Tuy nhiên, do cần vốn để kinh doanh, doanh nghiệp A muốn bán khoản nợ tại doanh nghiệp B với giá khoảng 80-90% hợp đồng, khi đó DATC có thể mua để xử lý.

Ông Fukuoka Shinnosuke – Công ty Luật Noshimura & Asahi cho rằng cần sử dụng các định chế sẵn có như VAMC, DATC và SCIC để xử lý triệt để nợ xấu ở Việt Nam. Trong đó, cần củng cố chức năng bán nợ xấu của VAMC như hoạch định chiến lược bán nợ xấu, tiên phong trong việc thiết lập thị trường mua bán nợ và chứng khoán hóa nợ xấu. Đồng thời, củng cố chức năng thu hồi nợ xấu của đơn vị này theo hướng tăng cường khả năng thu giữ và xử lý tài sản đảm bảo; trao quyền điều tra của bên nợ.

Đối với DATC, cần củng cố chức năng tái cơ cấu doanh nghiệp cho đơn vị này, cho phép sử dụng cơ chế giải quyết ngoài tòa án. Cụ thể: khi thực hiện xử lý nợ xấu không theo thủ tục ngoài tòa án, doanh nghiệp phải đàm phán riêng rẽ với từng ngân hàng về việc giảm nợ hoặc tái cơ cấu nợ. Trong quá trình đàm phán, ngân hàng có thể tịch thu tài sản của doanh nghiệp, điều này có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp tục hoạt động kinh doanh. Hơn nữa, xử lý nợ xấu không theo thủ tục ngoài tòa án cần có sự đồng ý của tất cả các ngân hàng liên quan, việc này mất nhiều thời gian, khó có thể đạt được sự đồng ý của tất cả các ngân hàng.

Sử dụng cơ chế xử lý nợ ngoài tòa án, doanh nghiệp có thể cùng lúc đàm phán với tất cả các ngân hàng liên quan bằng việc tổ chức một cuộc họp các ngân hàng. Trong thời gian đàm phán, các ngân hàng phải ngừng tịch thu tài sản theo các quy tắc của thủ tục giải quyết ngoài tòa án. Thực hiện cơ chế này có thể đạt được thỏa thuận theo nguyên tắc đa số bằng cách đưa các nguyên tắc đa số vào giải quyết thủ tục ngoài tòa án. Cách giải quyết này tương đối dễ dàng và nhanh chóng đạt được thỏa thuận.

Riêng với SCIC, để đơn vị này tham gia sâu hơn vào xử lý nợ xấu cần ban hành hướng dẫn thực thi quyền biểu quyết của SCIC trong quản trị doanh nghiệp của các DNNN. Bên cạnh đó, củng cố chức năng hỗ trợ kinh doanh, và chức năng đầu tư để tái cơ cấu doanh nghiệp.