Nâng cao địa vị pháp lý, vị thế của DATC

T. Huyền

Nâng cao địa vị pháp lý, vị thế hoạt động cho Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) đáp ứng yêu cầu thực tiễn và định hướng phát triển thị trường mua bán nợ. Vấn đề này đã được giải quyết khi chính phủ ban hành Nghị định số 129/2020/NĐ-CP về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của DATC.

DATC được hỗ trợ tài chính đối với doanh nghiệp tái cơ cấu qua việc bảo lãnh vay vốn tại các tổ chức tín dụng
DATC được hỗ trợ tài chính đối với doanh nghiệp tái cơ cấu qua việc bảo lãnh vay vốn tại các tổ chức tín dụng

Nâng cao địa vị pháp lý, vị thế hoạt động cho Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) đáp ứng yêu cầu thực tiễn và định hướng phát triển thị trường mua bán nợ. Vấn đề này đã được giải quyết khi chính phủ ban hành Nghị định số 129/2020/NĐ-CP về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của DATC.

Nhìn lại chặng đường hơn 17 năm hình thành, phát triển, DATC đã hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định 109/2003/QĐ-TTg là góp phần lành mạnh hoá tài chính DN, thúc đẩy quá trình sắp xếp và chuyển đổi DNNN. Trong bối cảnh mới, với nhiều yêu cầu mới đặt ra, để phát huy tốt vai trò, vị thế của DATC, cần mở rộng hơn nữa phạm vi hoạt động thông qua cơ chế, chính sách. Nghị định số 129/2020/NĐ-CP đã giải quyết các yêu cầu đặt ra.

Theo đó, cho phép DATC mở rộng việc mua bán, xử lý nợ và tài sản bao gồm cả các dự án cần hỗ trợ xử lý nợ để tiếp tục đầu tư, khai thác theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. DATC không chỉ tham gia tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, mà  được tham gia tái cơ cấu các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác thông qua hoạt động mua, xử lý nợ.

Chính phủ cũng cho phép DATC mở rộng hoạt động tiếp nhận nợ và tài sản bao gồm cả đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện cổ phần hoá theo quy định của Chính phủ và các khoản nợ, tài sản tiếp nhận theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để tiếp tục đầu tư khai thác hoặc xử lý, thu hồi vốn cho Nhà nước.

Nghị định số 129/2020/NĐ-CP bổ sung thêm các quy định mới nhằm tăng cường hoạt động xử lý, thu hồi nợ của DATC. Thực hiện các quy định này, DATC có thể thu hồi nợ trực tiếp từ bên nợ và các bên liên quan bằng tiền, tài sản, các công cụ nợ; quản lý, đầu tư, khai thác, xử lý tài sản đảm bảo; bán nợ; chuyển giao nghĩa vụ trả nợ từ bên nợ sang bên thứ ba; ủy thác thu hồi nợ hoặc thu hồi nợ thông qua tổ chức cung cấp dịch vụ đòi nợ; chuyển nợ thành vốn góp tại doanh nghiệp; cơ cấu lại nợ; giảm trừ một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ trả nợ.

Cùng với đó, DATC cũng cơ chế hoạt động đặc thù để tham gia thực hiện chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp nhà nước cũng như các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. Theo đó, DATC được phép hỗ trợ tài chính đối với doanh nghiệp tái cơ cấu qua hình thức: Cho vay vốn với các doanh nghiệp DATC sở hữu trên 50% vốn đang gặp khó khăn về tài chính; Bảo lãnh vay vốn tại các tổ chức tín dụng.

Cùng với các nội dung trên, Chính phủ cũng đã tiếp thêm quyền cho DATC bằng việc bổ sung thêm đối tượng tiếp nhận nợ và tài sản loại trừ về chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp nhà nước, bao gồm cả đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện cổ phần hoá theo quy định của Chính phủ.

Đồng thời, DATC thực hiện tiếp nhận các tài sản khác theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để tiếp tục đầu tư khai thác hoặc xử lý, thu hồi vốn cho Nhà nước sẽ làm giảm bớt sự lãng phí, thất thoát vốn đầu tư của Nhà nước và tạo thêm các phương án xử lý linh hoạt, đa dạng, có hiệu quả đối với các đối tượng tiếp nhận nợ và tài sản loại trừ về chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp nhà nước, bao gồm cả đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện cổ phần hoá.

Bên cạnh đó, việc bổ sung quyền cung cấp tài chính hoặc bảo lãnh cho các doanh nghiệp được DATC tham gia tái cơ cấu sẽ giúp các doanh nghiệp là đối tượng được DATC hỗ trợ (DATC có vốn góp chi phối) đang gặp khó khăn về tài chính, thua lỗ có thể huy động được vốn lưu động để sản xuất kinh doanh.

Đây được đánh giá là một trong những giải pháp, nghiệp vụ tái cơ cấu, xử lý tài chính cho doanh nghiệp, tạo điều kiện để DN sử dụng đòn bẩy tài chính, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Tuy nhiên, việc thực hiện các nghiệp vụ trên phải đảm bảo gắn với phương án tái cơ cấu trên nguyên tắc hiệu quả, an toàn, phù hợp quy định của pháp luật.

Ngoài ra, việc bổ sung cơ chế chuyển nhượng vốn kèm nợ phải thu theo lô thì tạo điều kiện cho DATC thoái vốn theo đúng thời gian quy định sau khi thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp, thu hồi được cả vốn và nợ, tạo điều kiện cho nhà đầu tư mới tiếp nối hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp của DATC.