DATC - Tiếp tục vượt khó thành công

PV.

(Tài chính) Vượt qua vô vàn thách thức trong năm qua, Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) đã gặt hái được nhiều kết quả hết sức ấn tượng và sẵn sàng tâm thế bước vào năm 2014 với nhiều dự định và kỳ vọng. Trao đổi với phóng viên Tài chính & Đầu tư trong không khí đầu Xuân, ông Phạm Thanh Quang – Tổng giám đốc Công ty đã chia sẻ về thành quả và những dự định cho năm mới.

Phóng viên: Năm 2013 đầy sóng gió với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã khép lại nhưng với DATC lại tiếp tục là một năm gặt hái thêm nhiều thành công. Ông có thể chia sẻ về những kết quả vượt khó của Công ty?

DATC - Tiếp tục vượt khó thành công  - Ảnh 1
Ông Phạm Thanh Quang, Tổng giám đốc Công ty DATC

Ông Phạm Thanh Quang: Năm 2013 tiếp tục có nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam nói chung và DATC nói riêng. Bên cạnh đó là những vướng mắc về cơ chế chính sách liên trực tiếp quan đến DATC như: xử lý nợ, tái cơ cấu DN chưa được tháo gỡ kịp thời như xóa nợ đối với DN không âm vốn chủ sở hữu, không được điều chỉnh lãi suất linh hoạt, không được thoái vốn dưới mệnh giá… đã phần nào ảnh hưởng đến hoạt động của Công ty.

Tuy nhiên, nhìn lại chặng đường sóng gió vừa qua, chúng tôi đã vượt qua được thách thức bằng tinh thần nỗ lực, đoàn kết cùng sự động viên, chỉ đạo sát sao từ lãnh đạo Bộ Tài chính, để mang lại những kết quả tích cực trên nhiều “mặt trận”.

Tổng doanh thu năm 2013 của Công ty ước đạt 530 tỷ đồng, đạt 102% so với kế hoạch năm 2013, tăng 7% so với thực hiện năm 2012. Trong đó: Doanh thu từ hoạt động mua bán nợ ước đạt 326,8 tỷ đồng, đạt 89% so với kế hoạch năm 2013, tăng gấp 1,7 lần so với thực hiện năm 2012; Doanh thu từ hoạt động xử lý tài sản và thu hồi nợ loại trừ đã tiếp nhận ước đạt 15,1 tỷ đồng, đạt 151% so với kế hoạch năm 2013; Doanh thu từ hoạt động tài chính và doanh thu khác đạt 188 tỷ đồng, đạt 132,5% so với kế hoạch năm 2013. Với kết quả trên đã mang lại lợi nhuận trước thuế cho Công ty khoảng 157 tỷ đồng, đạt 105% so với kế hoạch.

Năm qua, Công ty đã ký được 15 hợp đồng mua bán nợ, giá trị các khoản nợ là 1.793 tỷ đồng, giá vốn mua nợ là 537 tỷ đồng (tỷ lệ mua nợ bình quân là 30%), đạt 101% so với kế hoạch năm 2013, tăng gấp 2 lần so với thực hiện năm 2012. Doanh thu từ hoạt động mua bán nợ đạt 326,8 tỷ đồng, tăng gấp 1,7 lần so với thực hiện năm 2012.

Thông qua hoạt động mua bán nợ, xử lý tài chính, tái cơ cấu DN, chuyển nợ thành vốn góp cổ phần, năm 2013 Công ty đã tái cơ cấu thành công được 9 DN khách nợ, bao gồm: Tái cơ cấu chuyển đổi 5 DNNN thành công ty cổ phần (trong đó có tái cơ cấu chuyển đổi Tổng công ty Dâu tằm tơ Việt Nam thành Công ty cổ phần - Tổng Công ty Dâu tằm tơ Việt Nam) và tái cơ cấu được 4 Công ty cổ phần có tiềm năng phát triển trên thị trường.

Một “điểm sáng” nữa đã được DATC “thắp lên” là sự kiện phát hành thành công trái phiếu quốc tế. Ông nhìn nhận sự kiện này như thế nào?

Sự kiện ngày 11/10/2013, trái phiếu quốc tế của DATC chính thức niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán Singapore (SGX) huy động thành công trên 626 triệu USD để xử lý nợ nước ngoài đã đánh dấu bước ngoặt hết sức quan trọng và có ý nghĩa đối với Việt Nam cũng như DATC.

Điều đặc biệt ý nghĩa là trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, các thị trường chứng khoán, trái phiếu cũng như niềm tin của nhà đầu tư vào DN giảm sút nhưng giới đầu tư vẫn đánh giá cao khả năng của DATC để đầu tư. Điều này chứng tỏ, dù kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đặt nhiều niềm tin, kỳ vọng vào nền kinh tế Việt Nam nói chung và với DATC nói riêng.

Có thể nói, nền kinh tế càng khó khăn thì nợ xấu càng diễn biến phức tạp nhưng đây cũng là cơ hội cho DATC đẩy mạnh hoạt động. DATC đã nắm bắt cơ hội này như thế nào, thưa ông?

Tôn chỉ hoạt động của chúng tôi là luôn đề cao tính sáng tạo trong xử lý nợ, triển khai nhiều giải pháp không chỉ hỗ trợ DN vượt qua khó khăn về tài chính mà tham gia tái cơ cấu về quản trị, nhân lực, định hướng hoạt động để đi đến thành công. Trong hoạt động tái cơ cấu DN, DATC chủ động tìm kiếm, tiếp cận những DN yếu kém, mất khả năng thanh toán để tham gia hỗ trợ xử lý nợ.

Với tôn chỉ đó, năm qua chúng tôi đã tiếp tục thực hiện xử lý nợ gắn với tái cơ cấu thành công nhiều đơn vị, điển hình như: Công ty cổ phần (CTCP) Nhựa Tân Hóa, CTCP Vitaly, CTCP nạo vét đường biển 2... Ghi nhận tại các DN được DATC xử lý nợ, tái cơ cấu cho thấy, hầu hết đều có chuyển biến tích cực chỉ sau một thời gian ngắn.

Một vấn đề được dư luận quan tâm nhiều thời gian gần đây, đó là sự tham gia rất tích cực và hiệu quả của DATC vào xử lý nợ xấu, tái cơ cấu các DN thuộc Vinashin. Xin ông cho biết cụ thể hơn về hoạt động này?

Trong năm 2013, DATC đã phối hợp chặt chẽ với Vinashin để đàm phán thành công với các chủ nợ nước ngoài trong công tác xử lý nợ xấu. Kết quả mang lại là DATC đã thực hiện phát hành, niêm yết thành công trái phiếu của mình trên thị trường chứng khoán Singapore để xử lý khoản nợ nước ngoài của Vinashin là trên 626 triệu USD.

Cùng với sự thành công trên thị trường quốc tế, tại thị trường trong nước DATC cũng đã gặt hái được thành công vang dội khi huy động được gần 3.575,7 tỷ đồng qua phát hành trái phiếu trong nước phục vụ cho xử lý 17,5 ngàn tỷ đồng của Vinashin nợ tại 19 tổ chức tín dụng trong nước. Sự kiện này đã tạo tiếng vang lớn, tiếp thêm động lực cho DATC vững tin xử lý nợ xấu, tái cơ cấu DN Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

Bên cạnh đó, DATC đã phối hợp với Vinashin để tiến hành rà soát, đánh giá hơn 200 DN có vốn góp của Vinashin bao gồm các công ty TNHH MTV, công ty cổ phần có vốn góp của Vinashin, DATC đang tiến hành rà soát, đánh giá và làm việc trực tiếp với từng DN để lựa chọn các DN đủ điều kiện tái cơ cấu. Ngoài ra, DATC đã thành lập phòng mua bán nợ 2, chịu trách nhiệm thực hiện tái cơ cấu, làm việc trực tiếp, điều phối hoạt động của các đơn vị, các trung tâm, chi nhánh của DATC trong việc tham gia mua bán nợ và tái cơ cấu các DN của Vinashin.

Dự báo năm 2014, kinh tế Việt Nam còn nhiều khó khăn, đây cũng là năm xử lý nợ xấu, tái cơ cấu DN phải bước vào “chặng nước rút”. DATC đã có kế hoạch gì để ứng phó, thưa ông?

Để nâng cao năng lực hoạt động nhằm tham gia tích tực vào hoạt động xử lý nợ gắn với tái cơ cấu DN, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty. DATC đã xây dựng đề án tái cơ cấu DATC theo hướng nâng cao năng lực hoạt động, năng lực tài chính và chuyển đổi mô hình thành Tổng công ty xử lý nợ Việt Nam, đồng thời kiến nghị Bộ Tài chính rà soát, tháo gỡ các cơ chế chính sách liên quan đến hoạt động của DATC nhằm tạo cơ chế cho DATC hoạt động hiệu quả nhất.

Xin cảm ơn ông!

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 1+2 – 2013