Đau đầu hàng vạn "người thừa" từ doanh nghiệp nhà nước

Theo infonet.vn

(Tài chính) Mới "xử lý" ở 2 tập đoàn, đã có gần 60.000 người bị đưa vào diện dôi dư, thất nghiệp, trong khi đó, còn 472 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) phải cổ phần hóa (CPH) xong trong 2 năm tới.

Đau đầu hàng vạn "người thừa" từ doanh nghiệp nhà nước
Từ nay tới 2015, bình quân mỗi ngày sẽ phải CPH hơn 1 DNNN. Nguồn: internet

Đây là băn khoăn khi đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN đến năm 2015.

Sức ép "chạy" kịp chỉ tiêu

Theo ông Nguyễn Văn Ngọc – Phó bí thư thường trực Đảng ủy khối DN trung ương, Đảng bộ khối có 32 tập đoàn, tổng công ty và ngân hàng, trong giai đoạn 2011 – 2015 có 28 đơn vị thuộc đối tượng cần xây dựng đề án tái cơ cấu. Đến nay đã có 24 đề án được phê duyệt.

Có 3 công ty mẹ đã tiến hành cổ phần hóa là Tập đoàn Bảo Việt, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty Thép Việt Nam. Các công ty mẹ sẽ CPH trong năm 2014 là Tập đoàn Dệt may, Tổng công ty Hàng không. 

Năm 2015, CPH 4 tổng công ty còn lại là Tổng công ty Hàng hải, Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Đầu tư Phát triển nhà và đô thị, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng.

Tiến độ tái cơ cấu, đặc biệt là cổ phần hóa (CPH), sắp xếp lại DN rất chậm, kết quả rất hạn chế, như Tổng Công ty lương thực miền Bắc, Tổng công ty đường sắt Việt Nam…. 

Đến nay, trong tổng số 80 DN cần cổ phần hóa mới thực hiện xong 10 DN.

Lo lắng với số lượng DN cần CPH còn khá lớn (gần 500 DN) trong khi thời gian không còn nhiều, Phó Chủ nhiệm Phạm Viết Muôn thúc giục: “Với số thời gian còn lại khoảng 21 tháng, tính ra bình quân mỗi ngày phải có hơn 1 DN được CPH. Phải có tính toán và kế hoạch cụ thể hơn, tránh tình trạng xảy ra tắc nghẽn, dồn ứ thời gian cuối mới “chạy” cho kịp chỉ tiêu”.

Lao động dôi dư đành phải... ra đường?

Điều khiến các lãnh đạo lấn cấn và chần chừ trong chuyện CPH tại DN mình chính là chuyện giải quyết người lao động “dôi” ra sau CPH. Số lao động này ước tính lên tới hàng chục ngàn người, nhưng chưa giải quyết được. Hàng loạt cái tên tập đoàn lớn vướng cơ chế này được nêu lên, như Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy (SCIB), Tập đoàn Công nghiệp Than & Khoáng sản Việt Nam (Vinaconmin), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)…

Đơn cử tại Vinacomin số lao động “thừa” sau CPH ước tính khoảng 30.000 lao động. 

Hay như tại Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy sau 3 năm tái cơ cấu đã cắt giảm lao động số lượng lớn, từ 49.454 người năm 2010 đến tháng 2/2014 còn 20.097 người, giảm 29.357 lao động. Nhưng tình trạng nợ bảo hiểm xã hội vẫn diễn ra ở hầu khắp các đơn vị, do đó không thể chốt và trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động để họ đăng ký trợ cấp thất nghiệp và tìm việc làm mới.

Vì chưa biết giải quyết cho số lao động này sau khi tái cơ cấu thế nào nên dẫn tới chuyện chậm trễ trong quá trình đổi mới lại DNNN.

“Họ là những người lao động đã từng cống hiến cho DN, không thể nói để mặc họ, ném họ ra đường là được, bởi họ đã bám với ngành nghề hàng chục năm, gia đình họ sống nhờ vào ngành than”- Chủ tịch Vinacomin lên tiếng.

Tính toán của Vinacomin, số tiền để giải quyết cho số lao động này lên tới 10.000 tỷ đồng. Vì thế, DN không thể tự quyết mà phải chờ ý kiến chỉ đạo từ cấp trên, nhưng cho tới nay vẫn chưa có hướng giải quyết triệt để.