Đâu là động lực tăng trưởng cho các quý tiếp theo?
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2025 tăng 6,93%, là mức tăng cao nhất của quý I so cùng kỳ kể từ năm 2020. Các chuyên gia kinh tế nhận định, có nhiều yếu tố thuận lợi tạo điều kiện cho GDP quý I đạt mức tăng ấn tượng trên.

Nhận diện thuận lợi và khó khăn
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, các yếu tố thuận lợi trong nước có thể kể đến như: Chính phủ tiếp tục thực hiện các chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt, thúc đẩy đầu tư công và cải thiện môi trường kinh doanh, qua đó giúp tăng trưởng kinh tế.
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài tiếp tục đầu tư vào Việt Nam do môi trường kinh doanh ổn định, tạo chuỗi cung ứng dịch chuyển sang nước ta. Nhu cầu tiêu dùng tại châu Á tăng cao, đặc biệt là ở các thị trường xuất khẩu mới như Ấn Độ và Trung Đông. Các hiệp định thương mại tự do như EVFTA và RCEP phát huy hiệu quả, giúp doanh nghiệp Việt Nam hưởng lợi về thuế quan và mở rộng thị trường.
Hơn nữa, nhu cầu tiêu dùng gia tăng mạnh mẽ đã tạo động lực cho sản xuất trong nước. Các chương trình xúc tiến thương mại, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số và thương mại điện tử đã giúp mở rộng tiêu dùng nội địa.
Thêm vào đó, các yếu tố như quá trình chuyển đổi số và công nghệ được triển khai mạnh mẽ; nước ta có chính sách ưu đãi và cạnh tranh, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi để thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia và công nghệ cao, cũng như thu hút các nhà đầu tư chiến lược và các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, thành lập các trụ sở và trung tâm nghiên cứu và phát triển.
Tuy vậy, chúng ta cũng nhìn thấy rõ những rào cản trong phát triển kinh tế nước ta trong 3 tháng đầu năm nay. Trên thế giới, kinh tế toàn cầu chưa phục hồi mạnh mẽ, khiến nhu cầu nhập khẩu từ Việt Nam bị ảnh hưởng. Xung đột thương mại và căng thẳng địa chính trị giữa các nước lớn, cùng với các tranh chấp ở Biển Đông, tiếp tục tạo áp lực lên chuỗi cung ứng và chi phí sản xuất của các doanh nghiệp trong nước.
Đồng thời, giá cả hàng hóa thế giới (như dầu và nguyên liệu sản xuất) biến động và tăng cao, ảnh hưởng đến chi phí đầu vào của các doanh nghiệp Việt Nam. Chính sách tiền tệ thắt chặt của các ngân hàng trung ương lớn làm chi phí vay vốn tăng, điều này cũng ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư vào Việt Nam.
Trong nước, giá một số mặt hàng nhập khẩu tăng cao, làm tăng giá nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất, ảnh hưởng tới chi phí của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn với lãi suất cao, trong khi ngân hàng siết chặt tín dụng để kiểm soát nợ xấu.
Ngoài các khó khăn trên, còn có các yếu tố khác như: Năng suất lao động của Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực; hạ tầng logistics chưa đáp ứng được nhu cầu; hệ thống cảng biển, đường bộ và kho bãi còn hạn chế, làm tăng chi phí vận chuyển hàng hóa; một số quy định pháp lý vẫn còn rườm rà, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Động lực tăng trưởng trong các quý tiếp theo
Theo bà Nguyễn Thị Mai Hạnh- Trưởng Ban Hệ thống Tài khoản quốc gia (Cục Thống kê – Bộ Tài chính), động lực tăng trưởng trong các quý tiếp theo của năm 2025 sẽ đến từ việc Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ tập trung thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế – xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, và bảo đảm các cân đối lớn; đồng thời phản ứng nhanh chóng trước chính sách áp thuế đối ứng 46% cho hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam của Mỹ.
Thứ hai, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu đang tạo ra cơ hội lớn cho Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là các ngành chế biến, chế tạo và công nghệ cao.
Thứ ba, kinh tế số, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo được xác định là động lực tăng trưởng mới, là nền tảng cho tăng năng suất và hiệu quả của nền kinh tế.
Thứ tư, tận dụng các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP, RCEP để mở rộng thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng chủ lực và lợi thế của Việt Nam sang các thị trường châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… nhằm giảm sự phụ thuộc vào Mỹ; tham gia sâu và nâng cao vị thế.