Đâu là thời gian “chốt” cho gói tín dụng 30.000 tỷ đồng?
Mặc dù đến tháng 06/2016 là hết thời gian triển khai gói tín dụng này nhưng tốc độ giải ngân mới được hơn một nửa. Vậy có nên gia hạn gói tín dụng này hay không?
Các thức triển khai gây nản lòng người tiếp cận
Gói 30.000 tỷ đồng được Chính phủ đưa ra trong thời điểm thị trường bất động sản gặp khó khăn với mục đích hỗ trợ cho các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà giá thấp và người mua nhà các dự án này. Đây là phân khúc phù hợp với nhu cầu của đại đa số người có nhu cầu thực. Từ sự sôi động của phân khúc này, sẽ lan tỏa dần ra thị trường và qua đó giúp phá băng thị trường bất động sản.
Theo TS. Tạ Quỳnh Hoa - Khoa Kiến trúc quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng dẫn kết quả nghiên cứu khẳng định, hiện có ít nhất 70% số hộ gia đình ở Hà Nội (trong đó có 50% số hộ công nhân viên chức thành phố) không có khả năng tích lũy từ thu nhập tiền lương để mua nhà, xây nhà mới. Dẫn số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, TS. Hoa cho hay, có tới hơn 10.000 hộ gia đình ở Hà Nội đang rất khó khăn về nhà ở, trong khi Thành phố mới có giải pháp cho khoảng 30% số này (Lê Quân, 2015).
Thực tế cho thấy, cả người dân lẫn doanh nghiệp đang rất “thờ ơ” với gói tín dụng này, mặc dù nhu cầu của họ đều có. Nguyên nhân chính là cách thức triển khai gói hỗ trợ này đang làm “nản lòng” những người muốn tiếp cận. Tốc độ giải ngân của gói tín dụng này là một minh chứng rõ nhất. Theo báo cáo của Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, tính đến hết 30/11/2015, các ngân hàng đã cam kết cho vay 24.110 tỷ đồng (đạt 80%); giải ngân được 15.465 tỷ đồng, đạt 52%. Trong đó, đối với hộ gia đình cá nhân đã ký hợp đồng, các ngân hàng cam kết cho vay 35.558 hộ với số tiền 16.736 tỷ đồng; giải ngân cho 35.554 hộ với số tiền 10.072 tỷ đồng. Đối với tổ chức, doanh nghiệp, các ngân hàng đã cam kết cho vay 58 dự án với số tiền 7.374 tỷ đồng, trong đó 53 dự án đã được giải ngân với dư nợ là 3.837 tỷ đồng.
Có thể thấy rằng, chưa có sự giao thoa giữa gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ phân khúc nhà ở xã hội với nhu cầu của người dân. Chính vì vậy mà gói hỗ trợ này đã đi gần hết thời gian cho phép, nhưng cũng mới chỉ giải ngân được một nửa, cho dù nhu cầu nhà ở xã hội vẫn đang ở mức cao. Hay nói một cách khác, gói tín dụng này chưa thể hiện được hết ý nghĩa, mục đích của nó.
Có nên gia hạn gói 30.000 tỷ?
Việc gia hạn gói 30.000 tỷ đồng là chủ đề tranh luận rất nóng của các chuyên gia bất động sản. Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Bất động sản Lê Thành - doanh nghiệp chuyên đầu tư trong phân khúc nhà ở xã hội cho rằng, nên đưa ra thị trường một gói tín dụng mới với chính sách mở rộng hơn, hỗ trợ tốt hơn người dân để họ có thể mua nhà để ở và chỉ nên quy định giá và diện tích căn hộ. Ông Nghĩa cho rằng, việc duy trì gói tín dụng 30.000 tỷ đồng một cách “thoi thóp” có thể gây ra tâm lý không tốt cho các doanh nghiệp. Một chính sách khác với những thay đổi tốt hơn, lắng nghe doanh nghiệp nhiều hơn sẽ khiến họ cảm thấy được Nhà nước hỗ trợ, sẽ an tâm và dành nhiều tâm huyết hơn để tiếp tục theo đuổi phân khúc này (T. Tân, 2015).
Trong khi đó, theo ông Lục Minh Hoàn – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP BIC Việt Nam, tính sơ bộ đến thời điểm 06/2016, nhiều nhất cả nước cũng có khoảng 60% gói tín dụng được giải ngân, vì thế các cơ quan chức năng nên dừng gói hỗ trợ này để chuyển sang một gói mới hiệu quả hơn.
Liên quan đến gói tín dụng này, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lànhcho rằng, gói 30.000 tỷ đồng đang hỗ trợ cho những người mua nhà dưới 1 tỷ đồng. Chỉ có người thu nhập khá trở lên mới mua được nhà ở xấp xỉ 1 tỷ đồng, nên không thể nói gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở cho người thu nhập thấp. Để hỗ trợ nhà ở cho người nghèo thực sự cần đưa ra gói tín dụng mới, có thể chừng 10.000 tỷ đồng hỗ trợ tập trung xây dựng nhà ở cho thuê, thuê mua với các căn hộ tổng giá trị chỉ khoảng 200-300 triệu đồng/căn (Lê Quân, 2015).
Tuy nhiên, theo quan điểm của UBND TP. Hồ Chí Minh và Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh, thì nên kéo dài thời gian triển khai gói 30.000 tỷ đồng đến ngày 31/05/2018, đây cũng là thời điểm phù hợp theo những văn bản hiện hành. Song, đến thời điểm này nhất định phải hoàn thiện việc giải ngân để người thu nhập thấp có thể tiếp cận được nhà ở.
Có thể thấy rằng, hiện nay, nhu cầu nhà ở xã hội vẫn còn đang rất cao, trong khi hầu hết các doanh nghiệp đều đang thiếu vốn, nhưng gói tín dụng 30.000 tỷ đồng mới giải ngân được một nửa, trong khi chỉ còn 07 tháng nữa là hết hạn. Chính vì vậy, vấn đề quan trọng ở thời điểm này đó là làm sao đẩy nhanh được tốc độ giải ngân gói tín dụng này.