Thị trường bất động sản: Cần những “cú hích”

Theo daibieunhandan.vn

Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (BĐS) NGUYỄN MẠNH HÀ, hiện là Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam xung quanh các giải pháp cụ thể để thị trường BĐS 2016 phát triển bền vững hơn.

Phóng viên: Nhiều ý kiến cho rằng thị trường BĐS đang trên đà phục hồi khá nhanh nhưng chưa thật sự vững chắc, tăng trưởng nguồn cung rất lớn ở phân khúc BĐS cao cấp, trong lúc thiếu nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở thương mại hạng trung, hàng tồn kho vẫn còn nhiều trong khi xảy ra sốt giá cục bộ. Ông bình luận gì về vấn đề này?

Thị trường bất động sản: Cần những “cú hích” - Ảnh 1

Ông Nguyễn Mạnh Hà

Ông Nguyễn Mạnh Hà:Hiện thị trường đang khởi sắc sau thời gian dài trầm lắng nên nhiều doanh nghiệp tận dụng cơ hội này để đầu tư, xây dựng các dự án trung và cao cấp bởi tỷ lệ lợi nhuận cao hơn so với làm căn hộ giá rẻ. Mặt khác, không ít dự án BĐS tuy có vị trí đẹp nhưng chậm trễ triển khai do vướng đền bù giải tỏa. Nhân cơ hội này, nhiều chủ đầu tư đã có đất sạch, có vị trí đẹp tranh thủ tung hàng, họ đang có cơ hội dành thị phần và tăng giá.

Những cơn sốt giá cục bộ là có thật và đáng lo ngại, khi mà hàng tồn kho vẫn còn nhiều cho thấy một thị trường BĐS có diễn biến còn phức tạp, khó lường. Lỗ hổng chính là chưa có giải pháp hữu hiệu hạn chế tình trạng đầu cơ dẫn tới cùng một dự án có vị trí hợp lý và giá cả tương đối phù hợp những người cần mua nhà thực sự vẫn bị đẩy ra khỏi cuộc chơi.

Ông nghĩ gì khi rất nhiều dự án dù chỉ mới công bố giới thiệu nhưng chủ đầu tư cho biết đã có nhiều khách hàng đặt mua, thậm chí có không ít dự án công bố bán được tới 70% sau lễ mở bán. Đặc biệt, nhiều dự án còn lặp lại tình trạng tranh nhau xếp hàng mua căn hộ và phải trả tiền chênh lệch giá đang làm hoang mang người cần mua nhà?

Có một thực trạng đáng lo ngại là không ai có thể kiểm chứng được những con số mà nhà đầu tư công bố có phải là con số thực tế hay không bởi lẽ hệ thống lưu trữ số liệu, thống kê, công bố thông tin của ta còn yếu kém.

Ngược lại, hệ thống thông tin dự báo về thị trường BĐS còn chưa đầy đủ, thống nhất, thiếu tin cậy gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước cũng như chính các chủ đầu tư. Việc phát triển BĐS không theo quy hoạch, không có kế hoạch, không căn cứ vào nhu cầu của thị trường và nguồn lực thực hiện. Bản thân các chủ đầu tư cũng phải tự tìm hiểu thông tin qua các kênh không chính thức nên rất lúng túng khi nghiên cứu tung ra sản phẩm nào cho phù hợp với thị trường trong từng giai đoạn cụ thể.

Theo ông cần có những giải pháp nào để thị trường BĐS 2006 phát triển bền vững, tránh được những cơn nóng - lạnh thất thường?

Thứ nhất,cần cải cách thủ tục hành chính theo hướng minh bạch, nhanh chóng. Tôi đã nghe nhiều doanh nghiệp tâm sự, mong muốn cán bộ nhà nước các cấp ký nhanh hơn, đừng xử lý hồ sơ với thái độ “hành là chính”. Hiện nay, còn nhiều hồ sơ dự án BĐS đề nghị được tính toán để doanh nghiệp triển khai nhưng chưa được giải quyết kịp thời làm ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp cũng như tạo sự khan giả hàng hóa trên thị trường.

Thứ hai,các cấp địa phương cần hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đặc biệt khi dự án đã bồi thường được từ trên 80% diện tích, nhằm thúc đẩy dự án nhanh triển khai và làm giảm chi phí vô hình cho doanh nghiệp. Từ đó mới mong giá BĐS ở mức hợp lý.

Thứ ba,chính sách thuế, phí liên quan đến BĐS cần phải được nghiên cứu và áp dụng lại để thực sự là công cụ góp phần công khai, minh bạch và điều tiết thị trường. Việc đánh thuế lũy tiến với mức cao đối với những người đầu cơ cần áp dụng ngay nhằm ổn định lại thị trường. Ngoài ra, theo tôi thị trường BĐS 2016 đang cần những “cú hích” như: phải khơi thông các thủ tục hành chính để người nước ngoài dễ dàng tiếp cận với sản phẩm BĐS và được sở hữu nhanh chóng, cần phải đơn giản hóa các thủ tục điều kiện chuyển ngoại tệ về Việt Nam để mua nhà và chuyển tiền ra nước ngoài khi bán nhà.

Cần phải tháo gỡ những vướng mắc trong quy định về việc chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án kinh doanh nhà ở, kinh doanh hạ tầng mà cần điều kiện phải được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu đất, vấn đề kỹ quỹ khi giao đất cũng cần được nghiên cứu lại cách làm sao cho thông thoáng, dễ thực hiện. Theo tôi cũng nên xem xét “cởi trói” cho các dự án BĐS thế chấp ở ngân hàng nước ngoài để vay vốn, vì các ngân hàng này có nguồn vốn trung hạn và dài hạn rất lớn, giá rẻ hơn các ngân hàng trong nước.

Xin trân trọng cảm ơn ông!