Đâu là tương lai của thị trường dầu mỏ toàn cầu?


Từ đầu năm tới nay, giá dầu thế giới liên tục biến động mạnh và khó lường dưới ảnh hưởng của nhiều yếu tố như việc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (nhóm OPEC+) điều chỉnh kế hoạch cắt giảm sản lượng, các dự báo trái chiều về nhu cầu dầu, chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hay căng thẳng tại Trung Đông.

Thị trường dầu mỏ thế giới đã trải qua 7 tháng của năm 2024 với nhiều biến động về giá cả và nguồn cung. Ảnh minh họa: Euronews.com
Thị trường dầu mỏ thế giới đã trải qua 7 tháng của năm 2024 với nhiều biến động về giá cả và nguồn cung. Ảnh minh họa: Euronews.com

Diễn biến khó lường…

Trong nửa đầu năm 2024, giá dầu thế giới trải qua các nhịp điều chỉnh lớn.

Đầu tiên là sự leo dốc nhanh trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tuần đầu của tháng 4, đà tăng là hơn 20%. Giá dầu Brent chạm đỉnh hơn 91 USD/thùng.

Tuy nhiên, chỉ trong 2 tháng sau đó, sức nóng trên thị trường hạ nhiệt. Giá dầu mất hoàn toàn đà tăng trước đó, về ngưỡng 77 USD/thùng.

Đến phiên giao dịch ngày 17/6, giá dầu thế giới tăng gần 2 USD lên mức cao nhất trong hơn một tháng. Chốt phiên này, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ tăng 1,88 USD (2,4%) lên mức 80,33 USD/thùng, mức cao nhất kể từ cuối tháng 4; còn giá dầu Brent tăng 1,63 USD (2%) lên 84,25 USD/thùng, cũng là mức cao nhất kể từ tháng 4.

Sang đến tháng 7, giá dầu trên thế giới đồng loạt giảm giảm mạnh khi dầu thô WTI giảm 7,31%, dầu Brent giảm 6,06% so với tháng trước. Đồng thời, khi so với với giá cùng kỳ năm ngoái, mặt hàng dầu thô đã giảm 4,96% và dầu Brent giảm 4,24%.

Ngày 30/7, giá dầu giảm ngày thứ hai liên tiếp, giá dầu Brent giảm xuống dưới ngưỡng 80 USD/thùng, lần đầu tiên kể từ tháng 6. Kết thúc phiên giao dịch ngày 30/7, giá dầu giảm khoảng 1% xuống mức thấp nhất trong 7 tuần. Giá dầu Brent giảm 1,15 USD, tương đương 1,4%, xuống mức 78,63 USD/thùng. Giá dầu WTI giảm 1,08 USD, tương đương 1,4%, xuống mức 74,73 USD/thùng. Đây là mức đóng cửa thấp nhất của cả hai mặt hàng dầu tiêu chuẩn kể từ ngày 5/6.

Theo Dailyfx, lúc 5h30 phút hôm nay (31/7 - giờ Việt Nam), giá dầu Brent và WTI cùng tăng nhẹ đầu phiên, được hỗ trợ bởi tồn kho xăng dầu của Mỹ tiếp tục giảm. Tuy nhiên, sự đảo chiều này của giá dầu được cho là chỉ tạm thời bởi yếu tố giảm vẫn lấn át yếu tố tăng.

… ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố…

Có thể thấy, trong giai đoạn vừa qua, nhất là từ đầu năm 2024 đến nay, diễn biến giá dầu thế giới rất thất thường, có lúc tăng, giảm. Điều này xuất phát từ nhiều yếu tố tác động.

Trước hết, sau cuộc họp trực tuyến của các Bộ trưởng dầu mỏ và năng lượng OPEC+ ngày 2/6, tổ chức gồm 22 thành viên (12 nước OPEC và 10 nước đối tác) đã quyết định gia hạn mức cắt giảm sản lượng hiện nay ít nhất đến quý III năm nay để hỗ trợ giá dầu. 8 quốc gia OPEC+ gồm Ả Rập Xê út, Nga, Iraq, UAE, Kuwait, Kazakhstan, Algeria và Oman đã công bố ý định kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng tự nguyện 1,65 triệu thùng/ngày (lần đầu tiên được công bố vào tháng 4/2023) cho đến hết năm 2025. Ngoài ra, 8 nước này cũng gia hạn cắt giảm sản lượng tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày (được công bố lần đầu tiên vào tháng 11/2023) cho đến cuối tháng 9/2024. Phần cắt giảm sản lượng tự nguyện này được thu hẹp dần hàng tháng cho đến cuối tháng 9/2025 nhằm hỗ trợ sự ổn định của thị trường. Động thái này ban đầu làm giá dầu giảm trong tuần đó nhưng sau đã nhanh chóng phục hồi, do tiếp tục phải chịu tác động bởi hàng loạt cuộc khủng hoảng địa chính trị làm rung chuyển các khu vực sản xuất chính.

Có thể thấy, biến động trên thị trường dầu rất khó đoán định, đặc biệt là căng thẳng tại khu vực Trung Đông khi đây vốn là trung tâm sản xuất dầu thô lớn của thế giới, nên giá dầu liên tục đảo chiều theo sát các diễn biến thực tế của khu vực. Tiêu biểu, giá dầu giảm gần 2% trong ngày 30/7 sau khi các quan chức Israel cho biết họ muốn tránh kéo Trung Đông vào một cuộc chiến tranh toàn diện trong khi ứng phó với một cuộc tấn công bằng tên lửa ở Cao nguyên Golan do Israel chiếm đóng vào cuối tuần. Trước đó, ngày 28/7, nội các an ninh của Israel đã ủy quyền cho chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu quyết định "cách thức và thời điểm" ứng phó với vụ tấn công tại một sân thể thao. Israel tuyên bố sẽ trả đũa tại Lebanon đối với Hezbollah do Iran hậu thuẫn, lực lượng này đã phủ nhận trách nhiệm về vụ tấn công. Máy bay phản lực của Israel đã tấn công các mục tiêu ở miền Nam Lebanon. Căng thẳng đã làm dấy lên mối lo ngại của các nhà đầu tư về tác động tiềm tàng đến sản lượng dầu thô từ khu vực sản xuất dầu lớn nhất thế giới, nhưng cho đến nay, sản lượng vẫn chưa bị ảnh hưởng. Chính vì vậy mà bất chấp căng thẳng địa chính trị gia tăng ở Trung Đông thì việc không có bất kỳ sự gián đoạn nguồn cung nào cũng hạn chế mọi phản ứng tích cực về giá.

Thêm vào đó, các vấn đề kinh tế ở Trung Quốc cũng đang làm giảm sức hấp dẫn của thị trường dầu mỏ. Dữ liệu công bố trong tháng này cho thấy tổng lượng dầu nhiên liệu nhập khẩu của Trung Quốc đã giảm 11% trong nửa đầu năm 2024, làm dấy lên lo ngại về triển vọng nhu cầu chung tại quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.

Không những thế, ở khu vực Đông Âu, xung đột Nga - Ukraine kéo dài đã gây gián đoạn nhất định tới một số nhà máy lọc dầu.

Ngoài ra, thị trường cũng đang theo dõi quốc gia sản xuất dầu mỏ Venezuela sau khi cơ quan bầu cử của nước này tuyên bố Tổng thống Nicolas Maduro đã giành chiến thắng nhiệm kỳ thứ ba với 51% số phiếu bầu mặc dù nhiều cuộc thăm dò ý kiến cử tri cho thấy phe đối lập sẽ giành chiến thắng. Trước đó, Mỹ đã tuyên bố sẽ "điều chỉnh" chính sách trừng phạt đối với Venezuela tùy thuộc vào diễn biến cuộc bầu cử tại quốc gia này. Các nhà phân tích của ANZ cho biết chiến thắng của Tổng thống Nicolas Maduro trong cuộc bầu cử là trở ngại đối với nguồn cung toàn cầu, vì điều này có thể dẫn đến các lệnh trừng phạt chặt chẽ hơn từ Mỹ. Các nhà phân tích ước tính, xuất khẩu dầu của Venezuela có thể giảm 100.000 - 120.000 thùng/ngày trong thời gian tới.

Giá năng lượng vốn dĩ rất nhạy cảm với các rủi ro địa chính trị nên những tác động đồng thời này đã cùng nhau tác động tới giá dầu. Các cuộc xung đột địa chính trị khiến các nhà giao dịch tính thêm phí rủi ro cao hơn vào giá dầu, đồng thời đẩy khả năng thị trường sẽ thắt chặt hơn lên cao trong những tháng tới do nguồn cung dầu bị gián đoạn.

Trong khi đó, thị trường cũng vẫn đang chờ đợi quyết định về lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Dự báo việc FED có thể hạ lãi suất từ tháng 9 tới sẽ giúp hạ nhiệt đồng USD, qua đó cũng làm hạn chế đà tăng giá của dầu thô trong thời gian tới.

… ghi nhận những dự báo trái chiều

Ngày 12/6, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) công bố báo cáo cho thấy nhu cầu dầu mỏ sẽ đạt đỉnh vào năm 2030. Theo Giám đốc IEA Fatih Birol, “khi quá trình phục hồi sau đại dịch mất đà, quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch được thúc đẩy và cơ cấu nền kinh tế Trung Quốc phát triển, tốc độ tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu chậm lại”, cho đến khi đạt đỉnh trước cuối thập kỷ này.

IEA cảnh báo về tình trạng dư thừa nguồn cung dầu “lớn” trong thời gian này. Theo dự báo của IEA, năng lực sản xuất sẽ tăng thêm 6 triệu thùng/ngày trên toàn thế giới vào năm 2030, đạt 114 triệu thùng/ngày, trong khi nhu cầu sẽ ở mức 106 triệu thùng/ngày, dư thừa gần 8 triệu thùng.

Sự gia tăng nhu cầu dự kiến sẽ được thúc đẩy bởi các nền kinh tế mới nổi ở châu Á, bao gồm cả việc tăng tiêu thụ dầu cho giao thông vận tải ở Ấn Độ và tăng cường sử dụng nhiên liệu sinh học và hóa dầu đang bùng nổ ở Trung Quốc. Mặt khác, ở các nền kinh tế tiên tiến, nhu cầu dự kiến sẽ tiếp tục suy giảm, vốn đã diễn ra trong vài thập kỷ nay, giảm từ gần 46 triệu thùng/ngày vào năm 2023 xuống dưới 43 triệu thùng/ngày vào năm 2030.

Theo IEA, năng lực sản xuất dư thừa như vậy có thể mở đường cho diễn biến giá dầu thấp hơn.

Tuy nhiên, ngay sau đó, ngày 13/6, Tổng thư ký Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), ông Haitham Al Ghais lại cho biết không có dấu hiệu cho thấy nhu cầu dầu mỏ sẽ đạt đỉnh trong dài hạn. Dự kiến đến năm 2045, nhu cầu sẽ tăng đến 116 triệu thùng/ngày, hoặc cao hơn. Ông Al Ghais nhận định báo cáo của IEA là một "bình luận nguy hiểm, đặc biệt đối với người tiêu dùng và sẽ dẫn đến biến động năng lượng ở quy mô chưa từng có". Ông cho biết những dự báo tương tự trước đây đã được chứng minh là sai, chẳng hạn như dự báo của IEA về nhu cầu xăng vào năm 2019 hoặc nhu cầu về than đá vào năm 2014. Ông nhấn mạnh đây là một kịch bản phi thực tế, tác động tiêu cực đến các nền kinh tế trên toàn thế giới.

Tương tự, ông Novethic Louis-Maxence Delaporte, nhà phân tích năng lượng của tổ chức phi chính phủ Reclaim Finance thì cho rằng, các công ty dầu khí tiếp tục kế hoạch mở rộng nhiên liệu hóa thạch, bằng cách phát triển cơ sở hạ tầng mới, gây ra tình trạng dư thừa nguồn cung so với nhu cầu toàn cầu. Do đó, các dự báo của IEA mâu thuẫn với chiến lược mở rộng này của các công ty dầu mỏ.

Tại Pháp, TotalEnergies liên tục giải thích rằng họ “chỉ” đáp ứng đủ nhu cầu. Giám đốc điều hành của TotalEnergies, Patrick Pouyannécho biết Total cần phải đưa các mỏ hydrocarbon mới vào sản xuất để chống lại sự suy giảm tự nhiên của các mỏ hiện có và đáp ứng nhu cầu toàn cầu. Theo Total, từ năm 2018 đến năm 2030, sản lượng dầu của công ty nhìn chung sẽ ổn định.

Về phần mình, Ả Rập Saudi đã yêu cầu công ty quốc gia Aramco vào đầu năm duy trì công suất sản xuất dầu ở mức 12 triệu thùng mỗi ngày, từ bỏ kế hoạch tăng lên 13 triệu thùng đã công bố vào năm 2021.

Đến ngày 11/7, trong báo cáo hằng tháng về thị trường dầu mỏ, IEA đã hạ dự báo nhu cầu dầu mỏ của năm 2024 và 2025, cho biết nhu cầu dầu mỏ chỉ tăng 710.000 thùng/ngày trong quý 2, mức tăng chậm nhất trong hơn một năm qua.

Thị trường dầu mỏ thế giới đã trải qua 7 tháng của năm 2024 với nhiều biến động về giá cả và nguồn cung. Các nhà đầu tư dầu mỏ bước vào nửa cuối năm 2024 với những lo ngại kéo dài về tình trạng dư thừa nguồn cung, tăng trưởng kinh tế chậm và căng thẳng âm ỉ ở Trung Đông… tiếp tục có thể gây ra biến động giá. Và giá dầu biến động lên xuống sẽ kéo theo những đợt “sóng” tác động lên cả thị trường tài chính và nền kinh tế vì nó ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh của hoạt động kinh tế toàn cầu. Chính vì vậy, các quốc gia trên thế giới cần có giải pháp tổng thể, linh hoạt ứng phó với biến động của giá dầu, trong đó, vận hành thị trường dầu mỏ hoạt động ổn định là yêu cầu cấp bách để giảm áp lực về lạm phát đối với mỗi quốc gia./.

Theo dangcongsan.vn