Tỉnh Quảng Bình:
Đầu ra bền vững cho mô hình nông nghiệp công nghệ cao
Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, canh tác theo hướng hữu cơ, chú trọng chuyển đổi số đang được khuyến khích phát triển trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Trong khi những mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao quy mô lớn thành công trong xây dựng chuỗi liên kết, thì một số mô hình quy mô vừa và nhỏ lại gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm.
Thực tế này đòi hỏi cần xây dựng kế hoạch dài hơi, bền vững trong phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiện nay, tránh trường hợp “chạy đua” theo phong trào nhưng hiệu quả kinh tế thấp, nhiều cơ hội phát triển thị trường bị bỏ lỡ…
Ông Nguyễn Trung Thành (xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh) bắt tay xây dựng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích nhà màng hơn 1.000m2 từ năm 2020. Vượt qua những khó khăn của giai đoạn đầu phát triển, đặc biệt là những thiệt hại nặng nề của cơn lũ lịch sử tháng 10/2020, hiện tại, mô hình của anh Thành đang rợp màu xanh của cây măng tây, dưa lưới và mướp đắng.
Ông Thành cho biết, năm ngoái, năng suất và sản lượng dưa lưới, mướp đắng lứa đầu khá ổn định nhờ ứng dụng hiệu quả cách thức canh tác hiện đại, chăm sóc tốt. Năm nay, anh mạnh dạn thử nghiệm cây măng tây, vốn đang được thị trường ưu chuộng và có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, nỗi lo lắng của anh Thành chính là đầu ra cho sản phẩm của mô hình.
Trên thực tế, các nông sản từ mô hình chủ yếu được xuất ra thị trường theo cách thức đơn giản, tức là thương lái hoặc người dân có nhu cầu tự tìm đến mua, không có liên kết đầu ra.
Nhận thấy sự bấp bênh trong cách tiêu thụ này về lâu về dài, anh Thành chia sẻ, anh rất mong muốn được hỗ trợ để tìm liên kết trong khâu tiêu thụ, hoàn chỉnh chuỗi liên kết, nâng cao giá trị sản xuất. Vì là một trong những mô hình nông nghiệp theo hướng công nghệ cao mới của huyện Quảng Ninh, nên anh rất hy vọng có được sự tư vấn, hướng dẫn trong quá trình hoàn thiện quy trình sản xuất, đặc biệt chú trọng kênh thương mại điện tử trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.
Ông Phạm Văn Dần, Phó Chủ tịch UBND xã Võ Ninh cho hay, mô hình của anh Thành được xã hỗ trợ tích cực trong quá trình phát triển. Tuy nhiên, ở cấp xã sẽ rất khó để có thể trợ giúp chuyên sâu, như: Giới thiệu, quảng bá, kết nối đầu ra cho nông sản...
Thời gian tới, xã đang nghiên cứu tìm hướng đầu ra của nông sản địa phương từ các mô hình ứng dụng công nghệ cao kết hợp với các mô hình vườn mẫu nông thôn mới khác trên địa bàn.
Còn theo ông Trần Đức Thuận - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Ninh, do các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đều còn mới mẻ, đang ở những bước đi đầu tiên, nên chắc chắn đầu ra của nông sản sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19.
Vì vậy, huyện sẽ nỗ lực xây dựng các kế hoạch dài hơi nhằm hỗ trợ cho những mô hình như của anh Thành trong việc tìm đầu ra, phát triển chuỗi liên kết, tập huấn nâng cao trình độ lao động, quản lý…
Từ mô hình trồng rau thử nghiệm với 100m2, ứng dụng nhà màng, hệ thống phun sương tự động, làm mát và sử dụng phương thức canh tác thủy canh, anh Nguyễn Văn Giáp (xã Trường Thủy, huyện Lệ Thủy) đã mở rộng diện tích mô hình này lên gần 400m2. Mô hình trồng các loại rau được tiêu thụ mạnh trên thị trường, như: Cải bó xôi, cải ngọt, cải cay, cải Kale…
Theo chia sẻ của anh Giáp, nông sản từ mô hình chủ yếu được tiêu thụ tại chỗ, người dân có nhu cầu thì đến tận nơi để mua, chưa có bao tiêu sản phẩm vì sản xuất còn quy mô nhỏ. Vì vậy, có thời điểm rau không đủ để bán, nhưng cũng có giai đoạn tồn đọng nông sản, không có đầu mối tiêu thụ.
Thời gian tới, anh Giáp sẽ nỗ lực khôi phục sản xuất, tìm hướng đi mới trong đầu ra nông sản, trong đó, sẽ ưu tiên đăng ký hộ kinh doanh, xây dựng lộ trình đạt chuẩn VietGAP cho nông sản.
Ngoài ra, với những mô hình ứng dụng công nghệ quy mô nhỏ lại ở vùng nông thôn xa xôi như anh, rất cần sự liên kết với các mô hình tương tự để tìm được đầu ra tương xứng, hình thành chuỗi liên kết giá trị liên xã, liên vùng, từ đó, xây dựng thương hiệu sản phẩm, không bỏ lỡ các tiềm năng phát triển.
Thực tế cho thấy, bên cạnh các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao do các doanh nghiệp, HTX đầu tư bài bản, có đầu ra ổn định, thậm chí có cửa hàng giới thiệu sản phẩm riêng, không ít mô hình tương tự quy mô vừa và nhỏ, do nông dân phát triển gặp nhiều khó khăn trong duy trì đầu ra ổn định, đặc biệt trong đại dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, xu hướng thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ trong thời gian gần đây cũng là thách thức cho các mô hình này về nhân lực, phương tiện, marketing, kết nối thị trường…
Ông Hoàng Tiến Cường, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Bình cho biết, các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh đóng vai trò quan trọng trong lộ trình xây dựng nông thôn mới của các địa phương, nhất là phát triển các sản phẩm “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), do đó, tỉnh luôn hỗ trợ tích cực cho các mô hình này, nhất là trong việc xây dựng đầu ra, hướng tới phát triển bền vững.
Sắp tới, trong khuôn khổ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, một số chuỗi liên kết nông sản sẽ được hỗ trợ. Đáng chú ý, việc phát triển thương mại điện tử cho nông sản Quảng Bình sẽ được tiếp tục triển khai bài bản, khoa học, hiệu quả.
Theo ông Trần Đình Hiệp - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, các mô hình ứng dụng công nghệ cao quy mô lớn thường không lo lắng về đầu ra vì chủ thể đủ năng lực để xây dựng liên kết chuỗi, tự chủ đầu ra và khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Riêng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao quy mô vừa, nhỏ hoặc ở vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn sẽ gặp nhiều khó khăn hơn và đòi hỏi sự nỗ lực quyết tâm cao của các chủ thể sản xuất. Sở Nông nghiệp-PTNT tạo mọi điều kiện để hỗ trợ, trong đó, tập trung giúp sức trong chứng nhận VietGAP để nông sản thuận lợi đến tay người tiêu dùng…