Xu hướng đầu tư nông nghiệp công nghệ cao
rong nhiều năm qua, chủ trương kêu gọi đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao được Chính phủ cùng các bộ, ngành và địa phương chú trọng tạo nhiều điều kiện thuận lợi.
Trong nhiều năm qua, chủ trương kêu gọi đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao được Chính phủ cùng các bộ, ngành và địa phương rất chú trọng và tạo nhiều điều kiện thuận lợi. Tuy nhiên, có một thực tế là chỉ những tập đoàn, doanh nghiệp lớn với tiềm lực tài chính và chiến lược phát triển dài hạn mới trụ vững đầu tư trong lĩnh vực này và đảm bảo hiệu quả khai thác như: VinEco (thành viên của Tập đoàn Vingroup), Tập đoàn TH hay Vinamilk, Tập đoàn Hùng Nhơn (Bình Phước), Cô gái Hà Lan…
Còn lại, đa phần doanh nghiệp nhỏ, lẻ thậm chí có quy mô vừa khi đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao trong nhiều lĩnh vực đều gặp khó khăn; thậm chí thất bại với những bài học đắt giá cả về tiền bạc và công sức.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông từng nhận định, đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao là chủ trương rất tốt, phù hợp với xu thế phát triển trong hội nhập và là hướng đi không thể không tiến tới nếu muốn quốc gia hùng mạnh và đời sống ấm no cho người dân.
Tuy nhiên, làm nông nghiệp công nghệ cao cần phải có phương pháp và xây dựng được mối quan hệ đối tác lành mạnh giữa các doanh nghiệp và cộng đồng xã hội; trong đó, người dân là khu vực sản xuất vệ tinh thông qua các đại diện chủ yếu là hợp tác xã. Hợp tác xã đều có pháp nhân tương xứng và có thể hợp tác cùng các doanh nghiệp.
Với nhiệm vụ theo chức năng được Chính phủ giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang triển khai một số chương trình lớn như phát triển hợp tác xã theo mô hình kiểu mới để hỗ trợ việc sản xuất tập trung quy mô lớn và chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đưa công nghệ cao, công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp.
Thực tiễn triển khai trong vài năm qua cho thấy, chủ yếu ở các tỉnh phía Nam như Lâm Đồng, Bình Thuận… nhiều mô hình cây con, trái cây đặc sản đã được gây dựng dần đi vào ổn định và đem lại hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề vướng mắc về thị trường, thương mại; trong đó, có cả tình trạng về hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang làm ảnh hưởng tới các hoạt động của doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao; không chỉ làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm mà còn phương hại tới uy tín của doanh nghiệp, ông Đông nhấn mạnh.
Nhận định về xu hướng đầu tư nông nghiệp công nghệ cao để hội nhập thị trường thế giới, ông Lê Thành, Viện trưởng, Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ tỉnh Bình Thuận cho biết, trong tương lai gần, Bình Thuận sẽ phát triển thêm 100.000 ha đất sản xuất nông nghiệp; trong đó, trước mắt, có 2.000 ha theo mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Nhờ tập trung đầu tư phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi, tích hợp chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng chất lượng, hiệu quả, gắn với thị trường nên giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân tại Bình Thuận hiện đạt khoảng 90 triệu đồng/ha, bằng mức trung bình khá của cả nước.
Những trang trại, doanh trại quy mô lớn đang dần thay thế các mô hình chăn nuôi nhỏ, lẻ. Máy móc thay thế sức người. Các khâu làm đất, vận chuyển trong sản xuất nông nghiệp ở Bình Thuận đạt mức cơ giới hóa cao. Những mô hình canh tác ứng dụng công nghệ như trại nuôi tôm giống, trồng cây dược liệu theo công nghệ tưới nhỏ giọt Isarel; trang trại bò thịt và bò sữa công nghệ cao đã bước đầu thu được hiệu quả; đặc biệt là đại nông trường trồng cây thanh long – loại cây ăn trái xuất khẩu được ưa chuộng số 1 ở châu Âu và nhiều quốc gia phát triển trên thế giới.
Tại Bình Thuận, trong chuỗi sản xuất nông nghiệp công nghệ cao thì khâu chế biến là yếu nhất, một số lĩnh vực hầu như không có. Thêm nữa, hệ thống logistics phục vụ vận chuyển còn rất hạn chế. Khiến cho nhiều mặt hàng nông sản của Bình Thuận “buộc lòng” phải xuất khẩu tươi, tỷ lệ sau chế biến như đông lạnh, sấy khô hay cô đặc là rất thấp. Vì thế giá trị thu về không cao và rủi ro hư hỏng, hao hụt sau thu hoạch rất lớn, ông Thành chia sẻ.
Đánh giá sự tham gia của doanh nghiệp trong việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Thành phố Hồ Chí Minh, ông Từ Minh Thiện, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, sau quy hoạch, hiện có gần 20 doanh nghiệp đăng ký đầu tư tại Khu nông nghiệp công nghệ cao của thành phố. Thực ra, trước đây, các thành phần kinh tế tư nhân đã tham gia khá nhiều vào lĩnh vực này; ứng dụng thành công và cho ra đời khá nhiều mặt hàng nông sản được thị trường đón nhận.
Tuy nhiên, do nông nghiệp là lĩnh vực nhiều rủi ro, bảo hiểm nông nghiệp lại chưa có nhiều nên có quy hoạch các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệp cao vào hoạt động chung trong 1 khu vực với hạ tầng kỹ thuật tốt đã giúp ích không nhỏ cho các nhà đầu tư yên tâm hơn và bền bỉ theo đuổi hơn với lĩnh vực này. Thực tế trong gần 20 doanh nghiệp có mặt tại đây, không phải doanh nghiệp nào cũng có quy mô lớn và tiềm lực mạnh; vẫn có không ít các doanh nghiệp bị buộc phải xử lý và thu hồi lại đất đai do không đủ khả năng để triển khai dự án.
Bình luận về những khó khăn của các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao hiện đang hoạt động tại Khu nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, ông Từ Minh Thiện cho biết, có quá nhiều lý do khiến cho các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao khó phát triển và nhanh chóng thu hồi hồi vốn. Một là vấn đề vốn khó. Ông Thiện dẫn chứng: “Đất nông nghiệp là thứ không thể cầm cố hay thế chấp được; không có ngân hàng nào cho vay nếu doanh nghiệp hay nông dân thế chấp bằng mấy hecta đất. Kể cả những doanh nghiệp mượn đất trong Khu nông nghiệp công nghệ cao để cầm cố và thế chấp thì các ngân hàng cũng không giải quyết. Đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao là lĩnh vực thâm dụng vốn rất lớn và rất lâu dài”.
Ông Thiện cũng nêu thêm một khó khăn khác nữa là vấn đề nguồn nhân lực, chi phí đào tạo nhân lực và các chế độ đãi ngộ để giữ người lao động trong lĩnh vực này. Như đã biết, từ trước tới nay, thu nhập trong nông nghiệp là thu nhập thấp nhất trong tất cả các ngành. Đây cũng là lý do cản trở mong muốn có nguồn nhân lực chất lượng .
Thị trường là yếu tố khó khăn thứ 3. Cũng là bởi cho tới nay chưa có sự cọ xát thực sự hay những cuộc gặp gỡ giữa cung và cầu; giữa người sản xuất và tiêu dùng dẫn tới tình trạng sản xuất bấp bênh, thiếu định hướng. Sự tham gia của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc xúc tiến, thu hút đầu tư cũng còn rất mờ nhạt. Chủ yếu là do doanh nghiệp tự tìm hiểu, tự kết nối để hợp tác, ông Thiện cho biết thêm.
Cuối cùng là khó khăn về yếu tố công nghệ, kỹ thuật như công nghệ bảo quản sau thu hoạch còn yếu dẫn tới khó hạn chế tỷ lệ hao hụt sau thu hoạch hay vận chuyển; hay công nghệ về giống cũng rất lạc hậu, ít có những thành tựu mới cho năng suất và sự ổn định….
Là một trong những tổ chức liên kết các nông hộ làm nông nghiệp công nghệ cao đạt hiệu quả tại tỉnh Lâm Đồng, Hợp tác xã Anh Đào chuyên cung ứng các sản phẩm rau quả sạch cho toàn thị trường trên cả nước.
Chia sẻ về hướng đi, cách làm và quan điểm hoạt động của hợp tác xã, ông Nguyễn Công Thừa, Giám đốc Hợp tác xã Anh Đào cho biết, làm nông nghiệp công nghệ cao là xu thế và là thị trường rất giàu tiềm năng. Trình độ sản xuất của bà con nông dân hiện nay cũng đã được nâng lên do áp dụng công nghệ mới, tiên tiến trong sản xuất và đem lại khá nhiều thành công.
Ngoài 28 hộ thành viên có đất sản xuất được hợp tác xã đầu tư vốn sản xuất và bao tiêu đầu ra, hợp tác xã còn liên kết 80 hộ nông dân và thuê lại đất theo chính sách của tỉnh để đầu tư… với tổng diện tích canh tác khoảng 270ha. Các hộ liên kết góp vốn, đất được hỗ trợ chi phí đầu tư sản xuất, chuyển giao ứng dụng công nghệ, hỗ trợ đầu vào về giống, phân bón, kỹ thuật thu gom, chuyên chở, bao tiêu sản phẩm đầu ra…
Đồng tình với những khó khăn nêu trên, ông Thừa cho biết, không riêng gì Hợp tác xã Anh Đào, những mô hình làm nông nghiệp công nghệ cao khác cũng phải đối mặt với những thách thức ngày càng tăng về nguồn quỹ đất, vốn đầu tư, giống cây trồng, chất lượng nhân lực quản trị và nhân lực trực tiếp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Đặc biệt là áp lực cạnh tranh đầu ra. Bởi lẽ đầu tư lớn, ứng dụng công nghệ cao sản xuất ra sản phẩm sạch, chất lượng cao hơn, giá thành sản phẩm có thể cao hơn sản phẩm sản xuất thông thường, nhưng phải đối mặt với thị trường có tính minh bạch thấp về chất lượng sản phẩm cùng chủng loại.
Rõ ràng, không thể phủ nhận thực tế làm nông nghiệp công nghệ cao mang lại lợi nhuận lớn trên một đơn vị diện tích đất. Tuy nhiên, với thực trạng sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, thủ công và thâm dụng nhiều lao động; năng suất thấp và chất lượng sản phẩm chưa cao, đầu ra tiêu thụ còn bấp bênh... thì kết quả nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao đang có là rất khả quan. Song đổi lại phải đáp ứng cho được những đòi hỏi cao về chi phí đầu tư, giống, đất đai, kỹ thuật công nghệ, thị trường, lao động, quản trị... Có như vậy, mới mong, nền nông nghiệp Việt Nam sẽ nhanh chóng khởi sắc và đi lên nhờ công nghệ.