Đấu tranh chống buôn lậu - Nhiệm vụ chính trị quan trọng và thường xuyên
Trong thời gian qua, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã chỉ đạo quyết liệt, cùng với sự lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương, các lực lượng chức năng đã kịp thời bắt giữ nhiều trường hợp vi phạm, đặc biệt là các vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng cấm như vũ khí, ma túy…
Tăng thu ngân sách từ hoạt động chống buôn lậu
Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết, hết tháng 10, các lực lượng chức năng đã bắt giữ, xử lý gần 169.000 vụ vi phạm (tăng 5,6% so với cùng kỳ 2014), số tiền thu nộp ngân sách hơn 10.120 tỷ đồng (từ xử phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu và thanh, kiểm tra, truy thu thuế), tăng 3,4% so với cùng kỳ 2014. Trong đó, có 1.066 vụ việc đã được khởi tố vụ án hình sự.
Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cảnh báo, hiện nay trên tuyến biên giới phía Bắc và bắc miền Trung nổi lên vấn nạn buôn bán ma túy, thuốc nổ, pháo, công cụ hỗ trợ, mỹ phẩm, gia súc, gia cầm. Tuyến biên giới nam miền Trung, Tây Nguyên vẫn nóng bỏng với tình trạng buôn lậu gỗ, động vật hoang dã. Khu vực biên giới Tây Nam tiếp tục đối mặt với hoạt động buôn lậu đường cát, thuốc lá… Trong khi trên biển vẫn tiếp diễn tình trạng buôn lậu khoáng sản, xăng dầu…
Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Cẩn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan kiêm Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, mặc dù cơ quan chức năng đã vào cuộc quyết liệt, nhưng tình hình buôn lậu vẫn diễn ra nghiêm trọng. Số lượng vụ việc cơ quan chức năng phát hiện, xử lý tăng khá, tính chất quy mô vụ việc ngày càng lớn, thủ đoạn tinh vi.
Một số vụ việc điển hình được bắt giữ như vụ vận chuyển 31,6 kg cocain từ Nam Mỹ vào Việt Nam bằng đường biển (khu vực cảng TP.Hồ Chí Minh) và đường hàng không (sân bay Nội Bài, Hà Nội); vụ bắt giữ 94 khẩu súng quân dụng và các bộ phận phụ trợ đi kèm tại TP.Hồ Chí Minh; vụ buôn lậu 3,8 tấn ngà voi, 4 tấn vảy tê tê và 142 kg sừng tê giác tại cảng Tiên Sa (Đà Nẵng)…
Liên quan đến đấu tranh chống buôn lậu trực tiếp, ông Nguyễn Văn Cẩn cho biết, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã và đang chỉ đạo Tổng cục Hải quan tăng cường công tác chống buôn lậu trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Tháng 10/2015, Cục Điều tra chống buôn lậu đã chủ trì, phối hợp với Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh tiến hành rà soát hơn 2.000 container tồn đọng tại các cảng TP. Hồ Chí Minh và phát hiện gần 200 container có dấu hiệu vi phạm pháp luật về xuất nhập khẩu (XNK).
Kết quả đợt kiểm tra trọng điểm này, cơ quan hải quan đã phát hiện nhiềulô hàngchứa hàng cấm nhập khẩu hoặc hàng hóa nhập khẩu có điều kiện lên tới hơn 6.000 tấn, trị giá khoảng 100 tỷ đồng. Hàng hóa vi phạm, chủ yếu là những mặt hàng tiêu dùng đã qua sử dụng như: điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh, máy giặt, xe máy, nồi cơm điện…
Tăng cường công tác chống buôn lậu trong thời điểm cuối năm
Hiện nay, Tổng cục Hải quan chỉ đạo Cục Điều tra chống buôn lậu chủ trì phối hợp với Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh tiếp tục tăng cường kiểm tra, khám xét đối với các container tồn đọng tại các cảng biển TP. Hồ Chí Minh quá 30 ngày kể từ ngày đến cảng không có người nhận. Đồng thời tổng hợp báo cáo Văn phòng Ban chỉ đạo 389 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Tiếp tục thống kê, rà soát đối với các lô hàng trọng điểm, có nghi vấn đã và đang trên đường nhập cảng (ngoài các danh sách các container quá thời hạn làm thủ tục trên). Trên cơ sở đó phân tích, đánh giá, phân loại và tổ chức kiểm tra, khám xét để xử lý theo quy định…
Ông Nguyễn Văn Cẩn cho biết, lực lượng chức năng đang tiến hành khám xét 4 kho hàng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Trong 2 ngày qua (10 và 11/11/2015), lực lượng chức năng tiến hành khám xét 1 kho hàng trên diện tích 4 tầng tại Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh bước đầu đã phát hiện lượng lớn hàng cấm nhập khẩu và hàng nhập khẩu có điều kiện. Vụ việc đang được tiếp tục làm rõ.
Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đang xây dựng và sớm ban hành công điện chỉ đạo tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Bính Thân 2016. Lập các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, nắm bắt, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại các bộ, ngành, địa phương thực hiện mục tiêu đặt ra của Nghị quyết 41/NQ-CP.
Để đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết nguyên đán Bính Thân 2016. Ban Chỉ đạo 389 yêu cầu các đơn vị chức năng phối hợp với địa phương tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 41/NQ-CP, Chỉ thị số 30/CT-TTg và Kế hoạch công tác năm 2015 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. Tích cực triển khai Công điện của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết nguyên đán Bính Thân 2016. Tổng kết thực hiện cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả là dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng theo Công điện số 90/CĐ-BCĐ389.
Về Tiếp tục sửa đổi, bổ sung các văn bản qui phạm pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đảm bảo tạo thuận lợi cho các lực lượng chức năng trong thực thi nhiệm vụ. Triển khai các Đoàn kiểm tra liên ngành của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đi kiểm tra, nắm tình hình, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại các Bộ, ngành, địa phương.
Để công tác chống buôn lậu đạt hiệu quả cao, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đẩy mạnh chỉ đạo, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền và thực hiện nghiêm chế độ thông tin báo cáo; làm tốt Chương trình “Chống buôn lậu, hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng”; tiếp tục xây dựng, mở rộng các chương trình chuyên đề khác trên VTV2, VOV, ANTV,...Tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ, phòng chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức các lực lượng chức năng từ Trung ương đến các địa phương; chỉ đạo khen thưởng, động viên kịp thời đối với tập thể, cá nhân có thành tích, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, có dấu hiệu, hành vi tiếp tay cho buôn lậu.
Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia sẽ chỉ đạo quyết liệt và triển khai kế hoạch cụ thể nhằm đấu tranh phòng, chống một cách hiệu quả, xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm, tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu trên các điểm nóng ở khu vực phía Bắc và trên địa bàn cả nước.