Đầu tư cho khoa học - công nghệ: Hướng đi bền vững của doanh nghiệp
(Tài chính) Phát triển khoa học và công nghệ (KH-CN) được coi là một giải pháp mang tính chiến lược giúp doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vấn đề này chưa được nhiều doanh nghiệp chú trọng, có cả lý do khách quan và chủ quan.
Doanh nghiệp đầu tư vào KH-CN còn thấp
Không thể phủ nhận rằng, lĩnh vực KH-CN thời gian qua đạt được nhiều thành tựu, đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, việc đầu tư vào KH-CN đã giúp cho nhiều doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường.
Nhà nước cũng tạo nhiều chính sách ưu đãi dành cho các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển KH-CN, như: Đặt hàng cho doanh nghiệp nghiên cứu các đề tài khoa học để tạo ra những sản phẩm phục vụ thiết thực cho đời sống xã hội; Khuyến khích doanh nghiệp trích doanh thu lợi nhuận hàng năm để đầu tư vào phát triển KH-CN; Hỗ trợ nhập khẩu công nghệ nguồn, công nghệ cao…
Bên cạnh đó, còn hàng loạt các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật khác tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp tích cực đầu tư cho KH-CN. Có thể nói, những cơ chế chính sách trên đang tạo đà và mở đường cho doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào nghiên cứu KH-CN.
Trên thực tế, đã có một số doanh nghiệp đã thành công từ việc coi trọng đầu tư cho nghiên cứu, phát triển KH-CN. Điển hình như Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) năm 2010 đã thành lập Viện nghiên cứu riêng, theo mô hình của các tập đoàn lớn trên thế giới. Viettel đã trích 10% lợi nhuận trước thuế cho Quỹ Phát triển KH-CN, tương đương với 2.500 tỷ đồng. Với mức đầu tư như vậy, chỉ sau một thời gian ngắn, các sản phẩm quan trọng bậc nhất phục vụ cho ngành công nghệ thông tin và viễn thông mà viện nghiên cứu nói trên của Viettel làm ra đã đáp ứng được nhu cầu của sự phát triển doanh nghiệp và giá chỉ bằng 1/3 so với giá thị trường (Hồng Anh, 2012).
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, hoạt động về KH-CN của phần lớn các doanh nghiệp vẫn còn trầm lắng, mức đầu tư thấp, hiệu quả sử dụng chưa cao và tồn tại nhiều bất cập, hạn chế.
Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân cho biết, hoạt động KH-CN thời gian qua có rất nhiều khó khăn, chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước. Chi dành cho KH-CN hiện chiếm 2% ngân sách nhà nước, tương đương với mức trung bình các nước trên thế giới, nhưng do GDP còn thấp nên nguồn tài chính cho KH-CN của Việt Nam năm 2012 chỉ là 700 triệu USD (trong khi chỉ riêng Tập đoàn Samsung của Hàn Quốc đã chi hơn 1 tỷ USD cho công nghệ).
Hơn nữa, tổng đầu tư xã hội cho KH-CN rất thấp do chưa huy động được sự đầu tư của xã hội, nhất là của doanh nghiệp. Hiện đầu tư cho KH-CN của khối doanh nghiệp chỉ bằng 50% đầu tư từ ngân sách nhà nước. Điển hình như năm 2011, ngân sách nhà nước đầu tư gần 700 triệu USD cho KH-CN, đầu tư của xã hội chỉ là 300 triệu USD (Hồng Anh, 2012).
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực có giá trị xuất khẩu lớn, như: nông nghiệp, sản xuất, chế biến thủy sản, dệt may, da giầy… vẫn chủ yếu là gia công, sử dụng nhiều lao động, hàm lượng chất xám trong sản phẩm còn thấp. Số lượng các tổ chức nghiên cứu, ứng dụng nghiên cứu và phát triển còn rất khiêm tốn, chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Ở nước ta hiện nay, còn tới 80% doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng công nghệ lạc hậu từ 3-4 thế hệ so với thế giới, thế nhưng, năng lực nghiên cứu đổi mới công nghệ của số doanh nghiệp này còn rất hạn chế. Tình trạng công nghệ, thiết bị lạc hậu là một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến việc lãng phí năng lượng, khiến doanh nghiệp phải tăng chi phí đầu tư.
Theo ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP. Hồ Chí Minh, do công nghệ lạc hậu và trình độ tổ chức sản xuất mà mức lãng phí của Việt Nam cao từ 1,5 - 6 lần so với thế giới (Hải Lâm, 2013). Hơn nữa, việc không áp dụng các tiến bộ KH-CN vào sản xuất và quản lý khiến cho sức cạnh tranh của doanh nghiệp bị giảm sút. Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2012-2013 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho thấy, mức độ hấp thụ công nghệ của nước ta đứng vị trí rất thấp (98/133).
Theo TS. Trần Việt Hùng, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kinh tế kỹ thuật Việt Nam, trên 90% doanh nghiệp hiện nay thuộc loại nhỏ và siêu nhỏ, do nguồn lực hạn chế nên chỉ tập trung vào đổi mới công nghệ hơn là triển khai nghiên cứu.
Ngoài ra, 30% doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của hoạt động KH-CN trong doanh nghiệp. Ngay cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng chưa quan tâm tới đổi mới công nghệ. Trong giai đoạn 2007 - 2010, tỷ trọng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển trong tổng đầu tư cho KH-CN đã giảm mạnh, từ 55,3% năm 2007 xuống còn 38,35% năm 2010.
Trong khi đó, tỷ trọng đầu tư đổi mới công nghệ của doanh nghiệp trong tổng đầu tư cho KH-CN đã tăng từ 33% năm 2007 lên gần 50% năm 2010. Hạn chế về KH-CN là một trong những nguyên nhân của tình trạng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam dù tăng trưởng cao, nhưng hiệu quả kinh tế thấp (Mạnh Hùng, 2013).
Vậy nguyên nhân từ đâu?
Một là, doanh nghiệp chưa bắt buộc phải trích lập Quỹ Phát triển KH-CN. Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 quy định, cho phép doanh nghiệp sử dụng 10% lợi nhuận trước thuế để đầu tư cho phát triển KH-CN vẫn chỉ mang tính khuyến khích, chứ không mang tính bắt buộc (theo Luật KH-CN năm 2013, chỉ doanh nghiệp nhà nước phải trích lập Quỹ Phát triển KH-CN).
Mặt khác, khi doanh nghiệp trích lập Quỹ Phát triển KH-CN, nhưng lúc sử dụng, thì giống như dùng ngân sách nhà nước với những thủ tục kiểm soát chi chặt chẽ, khiến nhiều doanh nghiệp không chủ động được khi dùng quỹ này. Và sau 5 năm, nếu không sử dụng hết 70%, doanh nghiệp phải quay trở lại đóng thuế cho khoản kinh phí đã trích lập. Do vậy, nhiều doanh nghiệp đã không trích lập Quỹ Phát triển KH-CN.
Hai là, việc sử dụng kinh phí đầu tư cho KH-CN chưa hiệu quả, phân bổ chưa hợp lý, thiếu tiêu chí và theo cơ chế tài chính không phù hợp với đặc thù của hoạt động sáng tạo, thiếu sự liên kết với khối tư nhân để tận dụng hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn vốn ở khối này. Các nghiên cứu KH-CN sử dụng ngân sách nhà nước hiện nay được chi theo cơ chế khoán chi theo từng mục và quyết toán theo chứng từ, tập trung chủ yếu vào các yếu tố đầu vào, chưa chú trọng đúng mức quản lý chất lượng sản phẩm đầu ra và hiệu quả ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất.
Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới đã làm theo cách kiểm soát sản phẩm đầu ra, giảm thiểu thủ tục hành chính cho tổ chức nghiên cứu, nhà khoa học. Hàng năm, Việt Nam đầu tư cho KH-CN là 2% tổng chi ngân sách, tương đương 0,5% GDP, nhưng hầu hết lại được phân chia cho các viện nghiên cứu, công ty, xí nghiệp do Nhà nước quản lý, trong đó, nhiều đơn vị sử dụng lãng phí, không hiệu quả, thậm chí không sử dụng tốt. Với các công ty cổ phần (vốn nhà nước dưới 50%), doanh nghiệp tư nhân lại không được cấp kinh phí nghiên cứu, áp dụng KH-CN mới.
Ba là, chưa có cơ chế áp dụng hình thức đối tác công - tư (PPP) trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ gắn với hành lang pháp lý về sở hữu kết quả nghiên cứu KH-CN, việc phân chia lợi nhuận… Theo quy định mới tại Luật KH-CN năm 2013, đại diện chủ sở hữu nhà nước có thể giao toàn bộ hoặc một phần quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tạo ra bằng ngân sách nhà nước cho tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH-CN. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chính sách, nếu không có cơ chế kiểm soát, rất dễ trở thành cơ chế xin - cho, cản trở việc ứng dụng công nghệ của doanh nghiệp.
Bốn là, dù đã có những cải thiện trong Luật KH-CN năm 2013, song việc đào tạo, trọng dụng, đãi ngộ cán bộ KH-CN vẫn còn bất cập và luôn tạo ra những khoảng cách không đáng có giữa nhà khoa học với chế độ đãi ngộ của Nhà nước. Các nhà khoa học vẫn chưa được hưởng một chế độ đãi ngộ thích đáng và chưa có điều kiện được làm việc, nghiên cứu trong một môi trường có thể đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị… Đặc biệt, có nhiều cán bộ không có trình độ chuyên môn về KH-CN, nhưng lại đảm nhiệm vị trí này.
Thúc đẩy đầu tư KH-CN cho doanh nghiệp
Để giúp doanh nghiệp đổi mới KH-CN cần có sự kết nối giữa các nhà khoa học, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp. Cụ thể cần tiến hành các giải pháp đồng bộ như sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức cho các cấp ủy đảng, chính quyền, doanh nghiệp về vai trò quyết định của KH-CN đối với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp cũng như kinh tế - xã hội của đất nước. Đầu tư cho KH-CN chính là đầu tư để phát triển bền vững, giúp doanh nghiệp ổn định và phát triển trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt trong hội nhập quốc tế.
Thứ hai, cùng với việc ban hành chính sách giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cho tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH-CN, Nhà nước cần chú trọng ưu đãi cho đối tượng các doanh nghiệp mua quyền sử dụng các kết quả nghiên cứu ứng dụng sử dụng ngân sách nhà nước. Với những trường hợp như vậy, quy trình thủ tục ưu đãi cho các doanh nghiệp cần thật sự đơn giản, để không trở thành sự e ngại, rào cản cho doanh nghiệp.
Thứ ba, Nhà nước cũng cần có cơ chế hỗ trợ sự liên kết giữa các tổ chức KH-CN với doanh nghiệp thực hiện các dự án đổi mới công nghệ trên cơ sở khoán kết quả đầu ra của sản phẩm và áp dụng chế tài đối với các tổ chức KH-CN, thay vì chỉ đầu tư cho giai đoạn đầu đối với phần nghiên cứu và phát triển sản phẩm của mỗi doanh nghiệp.
Thứ tư, để gắn kết giữa nghiên cứu với thực tiễn, cần có chính sách khuyến khích sự hình thành các tổ chức KH-CN tại các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, đặc biệt tại các doanh nghiệp tư nhân. Chính những tổ chức này mới nắm bắt được chính xác nhu cầu thực tiễn trong sản xuất, thương mại của doanh nghiệp cũng như nắm bắt được xu hướng công nghệ tiên tiến trên thế giới. Huy động sự tham gia của các tổ chức này trong quá trình thẩm định, đánh giá công nghệ được nhập khẩu, chuyển giao vào Việt Nam trong trường hợp công nghệ dự kiến được chuyển giao thuộc danh mục hạn chế chuyển giao.
Thứ năm, thúc đẩy nhu cầu đổi mới công nghệ phải mang tính tự thân của doanh nghiệp. Muốn vậy, thì các nhà quản lý phải làm tốt hai việc: (i) Thúc đẩy sự phát triển của thị trường KH-CN nhằm tạo mối liên kết ngang giữa các doanh nghiệp gắn với sự hình thành các tổ chức trung gian, môi giới; (ii) Đảm bảo tuân thủ pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả đối với sáng chế, giải pháp hữu ích, sáng kiến... thuộc sở hữu của doanh nghiệp. Khi Nhà nước làm tốt điều này, thì việc tăng chi cho đổi mới công nghệ, cũng như lập quỹ KH-CN trở thành chiến lược tất yếu của doanh nghiệp để tồn tại.
Hơn nữa, doanh nghiệp cần xác định được hướng đi cũng như nhu cầu thực sự đối với đầu tư cho KH-CN, kết hợp với phần được hỗ trợ từ Nhà nước, như: nguồn tài chính từ Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, ưu đãi về thuế, sử dụng đất, ưu đãi sử dụng trang thiết bị... sẽ giúp cho doanh nghiệp xác định được mục tiêu cũng như chiến lược để đầu tư hiệu quả.
Thứ sáu, cần coi trọng yếu tố con người, cụ thể là Nhà nước và doanh nghiệp cần tích cực chủ động hội nhập quốc tế, khu vực về chuẩn mực tay nghề, lao động có kỹ năng; có chính sách ưu đãi về xuất nhập cảnh, cư trú gắn với điều kiện, trình tự thủ tục đơn giản đối với trường hợp các nhà khoa học, chuyên gia công nghệ nước ngoài tới làm việc tại các doanh nghiệp ở nước ta. Bên cạnh đó, các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật KH-CN năm 2013 cần có tiêu chí rõ ràng về “nhà khoa học” hay “nhà nghiên cứu”, tránh đãi ngộ “nhầm đối tượng”, gây lãng phí nguồn tài chính quốc gia và còn gây sự phản cảm trong cộng đồng khoa học./.
Tài liệu tham khảo
1. Quốc hội (2008). Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật số 14/2008/QH12, ngày 3/6/2008
2. Quốc hội (2013). Luật Khoa học và Công nghệ, Luật số 29/2013/QH13, ngày 18/6/2013
3. Hải Lâm (2013). Việt Nam lãng phí điện gấp 6 lần thế giới, truy cập từ http://www.baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/viet-nam-lang-phi-dien-gap-6-lan-the-gioi-2356062/
2. Hồng Anh (2012). Đầu tư cho khoa học và công nghệ: “Một vốn sẽ được bốn lời”, truy cập từ http://vietq.vn/dau-tu-cho-KH-CN-mot-von-se-duoc-bon-loi-d17919.html
3. Mạnh Hùng (2013). Đổi mới hoạt động KH-CN ở doanh nghiệp: Tăng đầu tư cho nghiên cứu, Báo điện tử Chính phủ, truy cập từ http://baodientu.chinhphu.vn/Home/Doi-moi-hoat-dong-KH-CN-o-doanh-nghiep-Tang-dau-tu-cho-nghien-cuu/20131/159226.vgp