Đầu tư chứng khoán: Công thức nào cho cắt lỗ, thoát hàng?

PV.

Trong đầu tư chứng khoán, kiếm tiền đã khó nhưng giữ tiền còn khó hơn. Bảo toàn vốn trước các nhịp sóng rủi ro luôn được các nhà đầu quan tâm. Bên cạnh quan điểm “chốt lời không bao giờ là sai”, nhưng cắt lỗ như thế nào để hiệu quả thì vẫn chưa có công thức chung.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đối với những nhà đầu tư lướt sóng ngắn hạn (trader), việc quan tâm và nhận diện rủi ro trong từng nhịp sóng là rất quan trọng.

Nhìn chung, nhà đầu tư thường tìm hiểu các thông tin nhận định, khuyến nghị mua cổ phiếu từ nhân viên môi giới, công ty chứng khoán... Tuy nhiên, rất ít nhà đầu tư nhận được các cảnh báo rủi ro về cổ phiếu, đặc biệt trong bối cảnh thị trường giằng co, “xanh vỏ, đỏ lòng” như hiện nay.

“Công thức lý tưởng” của các nhà đầu tư khi bước chân vào thị trường là “mua đáy, bán đỉnh”. Nhưng thực tế lại không lý tưởng như kỳ vọng. Việc nhận định diễn biến thị trường trong tương lai cũng như xác định đáy và thoát hàng khi đến đỉnh là việc hoàn toàn không dễ dàng.

Quay lại chuyện cắt lỗ. Đưa ra một công thức chuẩn chung để áp dụng cắt lỗ là không thể. Bởi, cắt lỗ phụ thuộc nhiều vào quan điểm đầu tư, khả năng tài chính, tính cách, sức chịu đựng... của nhà đầu tư đối với thị trường và cũng tuỳ thuộc vào từng nhóm ngành, từng mã cổ phiếu.

Công thức cắt lỗ không đơn giản chỉ là cứ cổ phiếu đang bị giảm 5%, hay 7%, 10% là bán, thu hồi vốn. Vì thực tế, khi đó nhà đầu tư muốn bán nhưng chắc gì thị trường đã muốn mua. Hơn nữa, nếu máy móc áp dụng kiểu này, nhà đầu tư sẽ nhận lấy phần thiệt nhiều hơn.

Mua vào cổ phiếu ở mức giá đang trên vùng đỉnh cao, nếu vào đà rơi, nhà đầu tư cũng khó kiểm soát được việc cổ phiếu rơi về đâu, khi tình hình vĩ mô nhiều bất ổn kèm theo thanh khoản trên vùng đỉnh lớn. Do đó, số lượng nhà đầu tư ngắn hạn bị kẹp rất đông, tạo áp lực bán ra chốt lời rất lớn mỗi khi cổ phiếu có các nhịp hồi ngắn, khiến thị trường giằng co, khó có sự bứt phá để về vùng đỉnh cũ.

Ngược lại, không phải sức chịu đựng bền bỉ nào cũng thành công. Từ đỉnh rơi xuống, lịch sử đã cho thấy nhiều cổ phiếu có thể giảm 20%, 30% thậm chí 50% là việc không hề hiếm thấy, đặc biệt là những cổ phiếu tăng nóng, cổ phiếu lái, cổ phiếu game. Nên nếu không khoá khoản lỗ nhỏ thì rất có thể nó sẽ trở thành các khoản lỗ lớn.

Thông thường, pha điều chỉnh rõ ràng sẽ có đủ các nhịp theo lý thuyết sóng. Thời gian điều chỉnh có sự liên quan đến thời gian tạo sóng tăng. Với một đợt sóng tăng kéo dài trên 6 tháng thì nhịp chỉnh lớn cũng không bao giờ dưới 2 tháng. Vì thế, lựa chọn điểm cắt lỗ trong trường hợp này sẽ giúp nhà đầu tư tránh được một khoảng thời gian tương đối dài (nếu lướt sóng) bị kẹp hàng bất đắc dĩ.

Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng không nên quá máy móc áp dụng một công thức chung cho tất danh mục đầu tư. Với những cổ phiếu dẫn dắt tăng sốc thì luôn đi kèm rủi ro giảm sốc, nên việc cắt lỗ càng sớm càng tốt để bảo toàn vốn thay vì loay hoay với khoản lỗ bị kẹp trong thời gian dài.

Đối với cổ phiếu đã có đủ nhịp điều chỉnh và thời gian cần thiết, đã tạo được vùng tích lũy vững chắc thì việc mua, giữ cổ phiếu ở thời gian này, dù có trải qua rung lắc cũng không còn nguy hiểm.

Đồng thời, cần nhấn mạnh rằng, một doanh nghiệp thực sự tốt sẽ rất khó có chuyện cổ phiếu của họ giảm quá 15% trong điều kiện thị trường điều chỉnh nhẹ hoặc tích lũy.