Đầu tư công góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thực hiện cao nhất các mục tiêu phát triển của địa phương…
Hiệu quả từ vốn đầu tư công
Ở giai đoạn trước (2016 - 2020), tổng vốn đầu tư phát triển ngân sách tỉnh đã phân bổ thực tế là 11.061 tỷ đồng, vượt hơn 15% kế hoạch vốn so với Nghị quyết của HĐND tỉnh. Tính đến cuối quý III vừa qua, giải ngân vốn đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020 đạt xấp xỉ 10.800 tỷ đồng, bằng 97,6% kế hoạch, số vốn còn lại tiếp tục giải ngân đến hết năm 2021.
Trong giai đoạn này, nhiều dự án được triển khai từ nguồn vốn đầu tư công đã hoàn thành và đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả thiết thực, nhờ đó góp phần thực hiện hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt, trong bố trí vốn đầu tư ngân sách tỉnh, Bình Thuận cũng lồng ghép với ngân sách Trung ương nhằm đẩy mạnh đầu tư các công trình, dự án quan trọng…
Kế hoạch đầu tư công trên địa bàn Bình Thuận cũng quan tâm ưu tiên nguồn vốn ngân sách nhà nước nhằm đẩy mạnh đầu tư hạ tầng thủy lợi, kè bảo vệ bờ biển, khu neo đậu tàu thuyền. Như: hồ Sông Lũy - giai đoạn 1, khu neo đậu tàu thuyền Phú Quý - giai đoạn 1, công trình chuyển nước hồ Sông Móng - hồ Đu Đủ - hồ Tân Lập, kênh tiếp nước Sông Dinh 3 - hồ Núi đất…
Hoặc đã đầu tư hoàn thành các dự án mở rộng và nâng cấp khu neo đậu tránh bão kết hợp Cảng cá cửa biển La Gi, cải tạo đê chắn sóng cảng Phú Quý, cải tạo và mở rộng Nhà máy xử lý nước thải cảng cá Phan Thiết, xây dựng kiên cố kè biển tại các vùng xung yếu ở những khu dân cư ven biển...
Nhờ đó đến nay, Bình Thuận cơ bản khắc phục tình trạng khô hạn, thiếu nước sản xuất cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho tàu, thuyền neo đậu an toàn và bảo vệ tài sản, tính mạng người dân.
Tiếp tục bố trí vốn hợp lý
Theo Nghị quyết của HĐND tỉnh thì tổng vốn đầu tư công ngân sách tỉnh cho giai đoạn 2021 - 2025 hơn 13.248 tỷ đồng, nhưng căn cứ nhu cầu đầu tư nên UBND tỉnh đề xuất gần 13.738 tỷ đồng. Theo đó dự kiến phân bổ chủ yếu từ các nguồn: Vốn đầu tư xây dựng cơ bản tập trung trong nước (hơn 2.761 tỷ đồng), vốn đầu tư từ thu sử dụng đất toàn tỉnh (4.965 tỷ đồng), vốn xổ số kiến thiết (5.500 tỷ đồng)…
Cụ thể đề xuất vốn đầu tư xây dựng cơ bản tập trung trong nước và nguồn thu sử dụng đất sẽ ưu tiên bố trí cho những dự án hạ tầng trọng điểm có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Tiếp tục quan tâm những dự án thuộc lĩnh vực giao thông, thủy lợi, kè biển, khu dân cư, tạo quỹ đất hoặc các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia… Còn vốn xổ số kiến thiết thì ưu tiên bố trí vốn cho dự án thuộc lĩnh vực giáo dục, đào tạo và y tế, xây dựng nông thôn mới, an sinh xã hội, phúc lợi.
Để triển khai kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 đem lại hiệu quả, địa phương cũng đề ra nguyên tắc phân bổ vốn, trong đó có bám sát mục tiêu cơ cấu lại đầu tư công. Cùng với đó sẽ huy động tối đa nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước, thực hiện hiệu quả Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và cơ cấu lại nền kinh tế, bố trí vốn tập trung, có trọng tâm, trọng điểm.
Đồng thời bảo đảm quản lý tập trung, thống nhất về mục tiêu, cơ chế, chính sách cũng như thực hiện phân cấp trong quản lý đầu tư theo quy định của pháp luật, tạo quyền chủ động cho các sở, ngành, địa phương…