Đầu tư hạ tầng cho xe ô tô điện
Một chương trình truyền thông rầm rộ đã được tung ra, trước, trong và sau khi các mẫu xe điện của VinFast xuất hiện tại Triển lãm ô-tô Los Angeles 2021 (Mỹ). Sau vài chục năm triển khai, ô tô thương hiệu Việt cũng đã có tiếng chuông đầu tiên vang ở xứ người. Các mẫu xe điện VinFast cũng đã được chào bán ở Việt Nam, nhưng nhìn nhận một cách khách quan, doanh nghiệp đang gặp khó về hệ thống hạ tầng trạm sạc.
Lợi thế cạnh tranh
Báo chí Mỹ, với sự lạc quan hiếm hoi, đã nhận xét sự xuất hiện của VinFast “là một tin tốt cho công nghiệp ô tô của California” sau khi tỷ phú Elon Musk thông báo dự định chuyển trụ sở của Tesla đến Texas. Trong khi đó, Car and Driver thì cho biết: “Các mẫu xe phong cách và thoải mái. Điểm nhấn của các mẫu xe này là đơn giản hóa và an toàn. Màn hình hiển thị ngang tầm mắt, vô-lăng có nút bấm để vận hành xe. Nhờ vậy, tay bạn đặt trên vô-lăng còn mắt vẫn có thể quan sát đường”.
Reuters còn nhìn nhận VinFast sẽ cạnh tranh với Tesla và các nhà sản xuất ô tô khác ở thị trường lớn là Mỹ, châu Âu. Và là cạnh tranh bằng kích thước xe và giá bán xe. Đặc biệt trong đó là chương trình cho thuê pin. Nghĩa là chi phí pin, một trong những thành phần đắt nhất của xe điện, sẽ “không bao gồm trong giá bán lẻ”, Reuters cho biết.
Thực tế, cho thuê pin cũng là phương án kinh doanh mới và có thể sẽ trở thành lợi thế cạnh tranh then chốt mà VinFast áp dụng để chiến thắng, tại các thị trường chiến lược của tập đoàn này, bao gồm cả Việt Nam.
Cần nhấn mạnh, sản xuất ra xe điện không phải là điều khó thực hiện với các hãng xe. Ngay VinFast cũng chỉ cần có bốn năm (từ năm 2014) để giới thiệu trước toàn thế giới chiếc xe điện của hãng.
Nhưng, bảo đảm “tiếp điện” trong toàn bộ hành trình của xe mới là cuộc cách mạng mà các hãng xe phải giải quyết, nếu muốn sản phẩm xe điện đạt được thị trường đại chúng.
Tại Việt Nam, sau khi bắt tay đầu tư nhà máy sản xuất ô tô tại Hải Phòng, VinFast đã thực hiện một liên kết với nội dung lắp đặt các trạm sạc, đổi pin tại tất cả các trạm xăng dầu của Petrolimex trên địa bàn toàn quốc. Chưa rõ chương trình này của VinFast đã thực hiện đến đâu, nhưng có thể thấy tại Việt Nam chưa có định hướng về việc đầu tư và kinh doanh hạ tầng trạm sạc cho xe điện trên toàn quốc. Đây có thể được coi là nhiệm vụ đầu tư “mồi” cho hạ tầng năng lượng sạch, để khuyến khích sự phát triển của các loại phương tiện vận tải sạch, như ô tô điện.
Nếu Việt Nam không có định hướng đầu tư cho lĩnh vực này, doanh nghiệp sẽ vừa phải đầu tư rất lớn cho sản xuất ô tô và vừa phải đầu tư để cách mạng hóa hệ thống cung cấp năng lượng cho xe điện. Ngoài ra, giá xe điện mà VinFast bán tại Việt Nam cũng sẽ phải gánh thêm tỷ lệ đầu tư cho hệ thống trạm sạc trên toàn quốc.
Khó khăn về nguồn vốn, chính sách cũng sẽ khiến chương trình đại chúng hóa xe điện trong nước của VinFast có nguy cơ bị chậm lại nhiều năm. Vì khi giá xe vừa cao, và lại thiếu hạ tầng để sạc, thì thị trường xe điện của VinFast đương nhiên sẽ thu hẹp tại các đô thị. Vì dù muốn mua xe VinFast, nhưng sẽ chẳng ai mua một chiếc xe điện chỉ để đi trong phố và mua thêm, hay thuê xe xăng để chạy ngoại tỉnh.
Khó khăn ở thị trường trong nước
Có hai mốc quan trọng đối với việc phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Đó là Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 (Quyết định số 177/2004/QĐ-TTg ngày 5/10/2004). Sau đó là Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 1211/QĐ-TTg ngày 24/7/2014).
Trong hai quy hoạch này, có nhiều ưu đãi hướng tới các doanh nghiệp “chịu” đầu tư sản xuất linh kiện ô tô… nhưng dường như nó chưa hướng tới cuộc cách mạng năng lượng phương tiện đường bộ đang diễn ra ngay tại Việt Nam.
Theo các công bố từ VinFast, tập đoàn này dự kiến nhận đặt hàng vào nửa đầu năm, giao xe vào cuối năm 2022. Hai mẫu xe VF e35 và VF e36 đều có quãng đường chạy dự kiến cho một lần sạc tới 460-680 km (tùy phiên bản pin).
Vấn đề sẽ dễ giải quyết với VinFast tại nước ngoài, khi hãng sẽ đàm phán, thậm chí mua lại, hay xây mới các trạm sạc, đổi pin và bán dịch vụ cho các khách hàng có thu nhập cao hơn người Việt tại nước ngoài.
Nhưng trong nước, VinFast sẽ phải đàm phán để ký kết hợp đồng hợp tác, phân chia doanh thu lợi nhuận dịch vụ sạc, đổi pin cho xe điện. Và nếu muốn chiến lược của mình thành hình, VinFast cần phải ký kết hợp tác với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Giá điện Việt Nam đang tăng và giá thuê vị trí cũng đang tăng mạnh. Có nghĩa là chi phí cho sạc, đổi pin mà VinFast rất muốn cung cấp đạt đến độ hấp dẫn khách hàng trong nước sẽ phụ thuộc vào tính toán của đơn vị khác, là EVN và PVN.
Cũng có thể tính đến việc VinFast có được chính sách ưu đãi xây dựng riêng cho lĩnh vực đột phá mà doanh nghiệp đang tiến hành. Thậm chí, họ được đối tác trao cho những ưu đãi để xây dựng trạm sạc, đổi pin… Nếu được như vậy, đó có thể xem là một biệt đãi với doanh nghiệp đã tạo ra “cú huých” lớn cho ngành sản xuất ô tô trong nước.